Nhìn lại 65 ngày dẫn đến vụ bạo loạn rúng động nước Mỹ
Nhiều người sốc nặng trước các sự kiện diễn ra ở Washington vào ngày 6/1. Đối với những người theo dõi sát các nhóm cực hữu và âm mưu trên mạng, những dấu hiệu cảnh báo bạo loạn đã tồn tại rất lâu trước đó.
Diễn biến kịch tính
Vào lúc 2h21 giờ miền đông vào đêm tổng tuyển cử Mỹ 3/11/2020, Tổng thống Donald Trump bước lên bục diễn thuyết dựng sẵn ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng và tuyên bố chiến thắng.
"Chúng ta đã sẵn sàng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Nói thẳng ra, chúng ta đã thắng cuộc bầu cử này", lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh. Phát biểu được đưa ra chỉ một giờ sau khi ông viết trên Twitter: "Họ (phe Dân chủ) đang cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử".
Rốt cuộc, ông Trump không thắng cử. Không có chiến thắng nào bị đánh cắp. Song, đối với nhiều người ủng hộ trung thành nhất của ông, thực tế này không quan trọng.
65 ngày sau, một đám đông người biểu tình quá khích đã đột kích tòa nhà Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol ở thủ đô Washington. Họ bao gồm cả những người tin theo thuyết âm mưu của nhóm QAnon, thành viên của các nhóm "Stop the Steal" (Ngăn chặn sự đánh cắp), các nhà hoạt động cực hữu, những kẻ thích chơi khăm trên mạng và một số người khác.
Thứ Sáu ngày 8/1, khoảng 48 giờ sau cuộc bạo động ở Washington, Twitter bắt đầu đình chỉ một số tài khoản ủng hộ Trump có ảnh hưởng nhất vì tung ra các thuyết âm mưu và thúc giục hành động trực tiếp nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Mạng xã hội này rốt cuộc cũng khóa tài khoản của chính tổng thống sắp mãn nhiệm.
Ông Trump bị Twitter cấm vĩnh viễn đăng tải thông điệp cho hơn 88 triệu người theo dõi mình "vì có nguy cơ kích động thêm bạo lực".
Những dấu hiệu cảnh báo
Theo BBC, bạo lực ở Washington đã gây chấn động toàn thế giới và các nhà chức trách Mỹ dường như đã mất cảnh giác. Song, đối với bất kỳ ai đã theo dõi sát sao những gì đang diễn ra, cả trên mạng và trên các đường phố Mỹ, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Ý tưởng về một cuộc bầu cử có gian lận đã được Tổng thống Trump nhắc đến nhiều lần trong các bài phát biểu và trên Twitter thậm chí từ vài tháng trước khi bầu cử. Vào ngày bỏ phiếu quốc gia, các tin đồn ngày càng lan truyền mạnh hơn.
Một đoạn video quay cảnh một giám sát viên bầu cử của đảng Cộng hòa bị từ chối cho vào một điểm bỏ phiếu ở Philadelphia gây sốt trên mạng. Đây thực sự là lỗi do nhầm lẫn về các quy tắc, nhưng người đàn ông nói trên cuối cùng vẫn được phép vào điểm bỏ phiếu để thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình.
Tuy nhiên, video nói trên đã trở thành đoạn ghi hình đầu tiên trong số nhiều video, hình ảnh, đồ họa và tuyên bố lan truyền trong những ngày sau đó, dẫn đến sự thịnh hành của nhãn dán #StopTheSteal trên Twitter. Thông điệp đằng sau đó rất rõ ràng, rằng ông Trump đã giành chiến thắng vang dội nhưng "các thế lực đen tối đã đánh cắp" chiến thắng của ông.
Trong những giờ đầu tiên của ngày 4/11, trong khi các phiếu bầu vẫn đang được kiểm đếm và 3 ngày trước khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden là người thắng cử, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố chiến thắng, đồng thời không ngừng cáo buộc có gian lận phiếu cử tri.
Ông Trump không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho các cáo buộc của mình. Những nghiên cứu được thực hiện với các cuộc bầu cử trước đây của Mỹ cho thấy gian lận bỏ phiếu cực kỳ hiếm.
Đến giữa buổi chiều, một nhóm Facebook có tên "Stop the Steal" được tạo lập và lập tức trở thành một trong những nhóm phát triển nhanh nhất trong lịch sử của mạng xã hội này. Đến sáng 5/1, nhóm đã có thêm hơn 300.000 thành viên.
Nhiều bài đăng tập trung vào các cáo buộc không có cơ sở về gian lận bầu cử tràn lan, bao gồm cả những tuyên bố rằng hàng nghìn người đã qua đời vẫn tham gia bầu cử và các máy bỏ phiếu bằng cách nào đó đã được lập trình để chuyển phiếu bầu từ ủng hộ ông Trump sang ông Biden.
Một số bài đăng còn đáng báo động hơn khi đề cập đến sự cần thiết phải có một cuộc "nội chiến" hoặc "cách mạng".
Đến chiều 5/1, Facebook đã xóa bỏ nhóm Stop the Steal, nhưng cho đến thời điểm đó nhóm đã tạo ra gần nửa triệu lượt bình luận, chia sẻ, lượt "thích" và phản hồi.
Hàng chục nhóm khác nhanh chóng mọc lên thay thế Stop the Steal. Quan điểm về một cuộc bầu cử bị đánh cắp tiếp tục lan truyền trên mạng và ăn sâu, bám rễ ở đó. Không lâu sau, trang web Stop the Steal ra đời nhằm thu hút những người đăng ký ủng hộ nỗ lực "bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử".
Biểu tình rầm rộ
Thứ 7 ngày 7/11, các báo đài lớn của Mỹ đồng loạt công bố ông Biden đã thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Tại các thành trì của đảng Dân chủ, rất đông người dân đã xuống đường ăn mừng. Song, phản ứng trên mạng từ những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Trump là sự tức giận và chống đối.
Họ đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ở thủ đô Washington vào thứ 7 tuần tiếp theo, với tên gọi "cuộc tuần hành triệu MAGA" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Bản thân ông Trump chia sẻ trên Twitter rằng, ông có thể ghé qua và "nói lời xin chào" với những người biểu tình.
Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump trước đây ở Washington đã không thu hút được các đám đông lớn. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Tự do vào buổi sáng đầy nắng đó. Một nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan gọi đây là "màn ra mắt của phong trào nổi dậy ủng hộ Trump".
Khi đoàn xe tháp tùng tổng thống chạy qua thành phố, những người ủng hộ hò reo trong khi ông đội chiếc mũ MAGA màu đỏ và mỉm cười rạng rỡ đáp lại họ. Mặc dù các nhân vật bảo thủ chính thống đã có mặt ở đó nhưng sự kiện bị chi phối bởi các nhóm cực hữu.
Các phóng viên có mặt tại hiện trường ghi nhận, hàng chục thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys chống người nhập cư, toàn nam giới, nhóm đã nhiều lần tham gia vào các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố và nằm số những người sau này sẽ tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ, đã tham gia tuần hành. Các nhóm có vũ trang, các nhân vật truyền thông cực hữu và những người ủng hộ thuyết âm mưu cũng hiện diện tại đó.
Khi màn đêm buông xuống, các cuộc đụng độ giữa đám đông ủng hộ Trump và những người chống đối đã nổ ra, bao gồm cả một vụ ẩu đả cách Nhà Trắng chỉ khoảng 5 dãy nhà.
Bạo lực, mặc dù phần lớn đã được cảnh sát ngăn chặn thời điểm này, là một dấu hiệu rõ ràng cho những điều sắp xảy ra.
Phần 2:
Tuấn Anh (Theo BBC)