Nhìn lại pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang
Gần 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký công bố Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Sự kiện này được đăng trên trang nhất báo Công an vũ trang (nay là báo Biên phòng, kèm theo những bài viết khơi dậy tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, giới tuyến, các cơ quan đầu não Trung ương.
Ngày 2-9-1961, báo Công an vũ trang ra số đặc biệt kỷ niệm 16 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trang nhất của báo đã trang trọng đăng bài “Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang được công bố là nguồn cổ vũ lớn đối với lực lượng ta”.
Mở đầu, bài báo viết: “Ngày 22-8 vừa qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 1-8-1961. Từ ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang đến nay, chúng ta mới chỉ tạm thực hiện chế độ phục vụ của Sĩ quan QĐND Việt Nam...”.
Theo pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền phong cấp, thăng cấp, giáng cấp, bổ nhiệm từ cấp Trung tá trở xuống; Tư lệnh và Chính ủy Công an nhân dân vũ trang có quyền phong cấp, thăng cấp, giáng cấp, bổ nhiệm từ cấp Thượng úy trở xuống; bổ nhiệm, giáng chức và bãi chức từ cấp Đại úy trở xuống (nếu được Bộ trưởng Bộ Công an ủy quyền).
Bối cảnh đất nước vào thời điểm ra đời của Pháp lệnh, đó là nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đang đẩy mạnh thực hiện "Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965) với nhiệm vụ cơ bản là: "Phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo XHCN, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”.
Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang ra đời vào thời điểm đó có 13 điều. Vì trong thời chiến, nên việc xử lý kỷ luật, phong, thăng quân hàm ngay tại mặt trận được đưa vào pháp lệnh. Trong pháp lệnh có những điều khoản quy định mà những người lính thời đó gọi là quyết định nóng: “Trong trường hợp khẩn cấp, thủ trưởng đơn vị từ cấp Đại úy trở lên có quyền quyết định đình chỉ chức vụ của sĩ quan dưới quyền mình hai bậc và chỉ định người thay thế, đồng thời phải báo cáo ngay lên cấp trên để xét duyệt”.
Cựu chiến binh Trần Hữu Tòng, nguyên chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang thời đó nhớ lại, Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang năm 1961 được thực hiện và triển khai thống nhất, vì vậy, lực lượng Quân đội huấn luyện về chiến thuật, quân sự cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, còn Công an nhân dân vũ trang thì huấn luyện về nghiệp vụ. Quyết định phong cấp hàm của ông Tòng vào năm 1961 là do Bộ trưởng Bộ Công an ký và đến giờ này vẫn được ông Tòng gìn giữ như một kỷ vật.
Giữa lúc chiến tranh ác liệt, tại vùng ven đô Sài Gòn đã ra đời Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo toàn bộ chiến trường miền Nam. Tại các tỉnh dọc vùng duyên hải miền Trung, bảo vệ Tỉnh ủy là lực lượng An ninh vũ trang; tên gọi này rất phù hợp với bối cảnh miền Nam chưa giải phóng.
Ở chiến trường miền Nam năm 1961, lực lượng An ninh vũ trang mang tính chất vừa là lực lượng làm công tác an ninh, vừa tham gia chiến đấu trên chiến trường. Ví dụ như lực lượng An ninh vũ trang Quảng Ngãi được tổ chức ra mắt vào ngày 5-9-1959, tại rừng Tà Mực, xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng. Thời điểm thành lập chỉ có 1 trung đội, lấy mật danh là V9. Đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến hành lang về căn cứ, bảo vệ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo.
Nhưng bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức huấn luyện, đào tạo lực lượng bộ binh. Các đồn địch ở khu vực vùng cao Quảng Ngãi đều trở thành mục tiêu tác chiến của lực lượng An ninh vũ trang. Lực lượng này còn được tổ chức thành những đội biệt động thành, hoạt động bí mật để bắt sống và tiêu diệt ác ôn ở khu vực thành thị.
Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang ra đời trong bối cảnh 2 miền Nam - Bắc đang bị chia cắt. Nhiệm vụ của lực lượng An ninh vũ trang ở miền Nam thiên về quân sự nhiều hơn trong bối cảnh chiến trường ác liệt. Trong cuốn “Lịch sử BĐBP Quảng Ngãi” đã đề cập: “Trong thời gian cuộc khởi nghĩa còn đang diễn ra ở khắp miền Tây và phát triển xuống đồng bằng, đơn vị V9 đã đảm nhận công tác bảo vệ toàn bộ vùng trung tâm căn cứ để các đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh tiến về vùng giáp ranh đồng bằng”.
Gần 60 năm Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, trên dọc tuyến biên giới đất liền và vùng ven biển, giờ đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Lực lượng BĐBP ở nơi phên dậu vẫn tiếp nối truyền thống lực lượng Công an nhân dân vũ trang, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng hành với sự phát triển của đất nước.
Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đóng quân ở biên giới, giới tuyến, thời chiến tranh trong điều kiện thông tin và giao thông cách trở, vì vậy, Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân vũ trang lúc đó có những điều khoản đặc biệt như: Thủ trưởng đơn vị từ cấp Đại úy trở lên có quyền đình chỉ chức vụ và chỉ định người thay thế đối với sĩ quan thuộc quyền dưới 2 cấp. Những người tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan của Bộ Quốc phòng, trường đào tạo cán bộ của Bộ Công an, những hạ sĩ quan và binh sĩ trong khi chiến đấu đã anh dũng, linh hoạt, lập được chiến công, hoặc có thành tích xuất sắc trong công tác thì có thể được phong quân hàm Thiếu úy.