NHÌN LẠI THẾ GIỚI 2022: Nước Mỹ giữa bộn bề
Nước Mỹ của năm 2022 không có nhiều sóng gió, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ngoại trừ đợt bão tuyết mạnh đúng dịp cuối năm, ảnh hưởng đến không khí đón Giáng sinh và Năm mới của người dân.
Cuộc tranh luận thường niên giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội xung quanh vấn đề ngân sách cũng được giải quyết đúng hạn, không gây bất cứ gián đoạn nào cho hoạt động của chính phủ Tổng thống Joe Biden. Nhưng điều đó không có nghĩa nước Mỹ đã trải qua một năm bình lặng.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Gallup thực hiện giữa tháng 12 vừa qua, chỉ có 18% người dân Mỹ hài lòng với hướng phát triển của đất nước trong năm 2022, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2011. Vấn đề mà người Mỹ quan tâm nhất (19%) là hoạt động của chính phủ.
Đây là năm thứ bảy trong vòng 1 thập niên qua vấn đề này được cử tri Mỹ quan tâm nhất. Hai mối lo tiếp theo là lạm phát (16%) và sức khỏe của nền kinh tế nói chung (12%), không nằm ngoài xu hướng chung của cả thế giới trong năm qua.
Không khó để hiểu những lo lắng của cử tri Mỹ về đất nước trong năm qua. Nguy cơ suy thoái kinh tế luôn rình rập với 2 quý đầu tiên tăng trưởng âm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 9,1% vào tháng 6 – mức cao nhất trong vòng 4 thập niên trở lại đây. Ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine phần nào đẩy giá năng lượng lên mức cao, như trong tháng 8, chi phí sử dụng điện của người Mỹ đã tăng tới 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để chặn đà lạm phát phi mã, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành chiến dịch tăng lãi suất có thể nói là mạnh nhất kể từ thập niên 1980 với tổng cộng 7 lần tăng lãi suất, trong đó có 4 đợt liên tiếp áp dụng mức nhảy 0,75 điểm phần trăm. Các nhà lãnh đạo Fed không ngại ngần tuyên bố sẵn sàng chấp nhận hy sinh tăng trưởng để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.
Bóng ma dịch bệnh vẫn quẩn quanh ở nước Mỹ khi số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng và sự xuất hiện của dịch đậu mùa khỉ mà Mỹ là một điểm nóng. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội thường trực như người nhập cư, bạo lực súng đạn… vẫn khiến người Mỹ có nhiều quan ngại. Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý nêu trên của Gallup, những vấn đề này gây lo lắng cho 4-6% số người trả lời, trong đó mức độ chú ý tới vấn đề bạo lực súng đạn trong năm nay có phần gia tăng so với những năm trước.
Năm 2022 đã chứng kiến các vụ xả súng hàng loạt diễn ra với tần suất kỷ lục, khi trung bình có gần hai vụ xả súng mỗi ngày tại Mỹ, trong đó vụ xả súng đẫm máu hồi tháng 5 tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, khiến 19 học sinh và ít nhất 2 người lớn thiệt mạng là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy nước Mỹ vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để cho vấn nạn này.
Đứng trước những khó khăn trong nước, người dân Mỹ mong muốn có giải pháp thực tế cho những mối quan tâm cụ thể mà họ đang phải đối mặt. Điều này đã thể hiện rõ qua cuộc chạy đua gay cấn, sít sao giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ 2022, khi phải đợi đến 1 tuần sau ngày bỏ phiếu kết quả mới ngã ngũ.
Kịch bản mà dư luận và giới chuyên gia dự báo trước đó về một “làn sóng đỏ” đã không diễn ra, phe Cộng hòa không thể có chiến thắng áp đảo trước phe Dân chủ liên tục ghi điểm vào phút chót. Kết quả, phe Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong khi Thượng viện vẫn do phe Dân chủ kiểm soát trong Quốc hội khóa 118, bắt đầu từ tháng 1/2023.
Trong quốc hội mới bị chia rẽ với cán cân không mấy chênh lệch, Tổng thống Joe Biden được dự báo sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các chính sách trong nửa sau nhiệm kỳ của mình.
Theo giới phân tích, màn thể hiện tốt hơn mong đợi của đảng Dân chủ là nhờ cách xử lý các vấn đề đối nội của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm qua đã không khiến nước Mỹ rơi vào kịch bản tồi tệ nhất, và cử tri có lẽ muốn dành thêm thời gian cho các chính sách này phát huy tác dụng.
Sau cả năm lo ngại về nguy cơ suy thoái, quý III/2022, kinh tế Mỹ đã lần đầu tăng trưởng dương trở lại ở mức 3,2%, góp phần giúp Bộ Thương mại Mỹ trong tháng 12 tự tin dự báo rằng tỷ lệ tăng trưởng của cả năm 2022 sẽ ở mức 2,9%, cao hơn các dự báo được đưa ra trước đó.
Nỗ lực kiểm soát lạm phát cũng ghi nhận chuyển biến khi đà tăng giá cả được đánh giá là đã qua đỉnh điểm vào tháng 10/2022 và dần tăng chậm lại, dù vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh lạm phát trên đà hạ nhiệt, FED đã thu hẹp mức độ tăng lãi suất và được dự báo sẽ chấm dứt chiến dịch chưa từng có này khi lãi suất đạt đỉnh 5%.
Trong lĩnh vực xã hội, quyết định cho phép các bang tự quyết định về quyền nạo phá thai được đánh giá là giúp đảng Dân chủ ghi điểm. Có thể nói các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden vào nửa cuối năm 2022 nhằm giảm giá năng lượng và giá tiêu dùng đã phần nào khôi phục được lòng tin của cử tri Mỹ với chính quyền của đảng Dân chủ.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden trong năm 2022 không tạo được đột phá đáng kể nào về chính sách đối ngoại so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Mỹ đã thể hiện vai trò dẫn dắt và phối hợp các đồng minh trong vấn đề xung đột tại Ukraine, với việc hỗ trợ Kiev, áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Tuy nhiên, việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho châu Âu được cho sẽ khiến các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương trì hoãn trong việc chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự - điều mà Washington lâu nay vẫn thúc đẩy. Bên cạnh đó, việc dồn lực vào mục tiêu quân sự và các cam kết an ninh tại châu Âu khiến cho các hồ sơ nóng khác trong chương trình nghị sự quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden như vấn đề bán đảo Triều Tiên, hạt nhân Iran… rơi vào cảnh “dậm chân tại chỗ”.
Đúng một năm sau cuộc gặp trực tuyến, tháng 11/2022, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, trong đó hai bên nhắc lại cam kết quản trị cạnh tranh tránh gây xung đột, đồng thời khẳng định hợp tác trong các vấn đề lớn toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Thực tế của quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2022 cho thấy các cam kết này chưa thể mang lại ngay những tín hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan hệ song phương vẫn còn những yếu tố gây căng thẳng như sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công du Đài Loan (Trung Quốc) tháng 8/2022, việc Mỹ khởi xướng làn sóng siết chặt các biện pháp xuất khẩu chất bán dẫn cho Trung Quốc, cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng đối với quốc đảo Thái Bình Dương hay châu Phi.
Cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước được đánh giá không mang lại kết quả cụ thể nào, thay vào đó chỉ là khoảng thời gian “nghỉ giữa hiệp” trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đều đang đối mặt với sức ép từ trong nước và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Tổng thống Biden đã có một năm hoạt động tích cực với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của nước Mỹ. Khu vực Đông Nam Á là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao kinh tế của Washington, với việc khởi xướng thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Bên cạnh hội nghị cấp cao Mỹ- ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Washington tháng 5/2022, Tổng thống Biden cũng đích thân tới Phnom Penh (Campuchia) tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác vào tháng 11/2022. Nỗ lực quay lại châu Phi sau thời gian lãng quên cũng được thể hiện bằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – châu Phi tại Washington vào tháng 11.
Dư luận báo chí Mỹ đánh giá qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này, chính quyền ông Biden đang cố gắng làm sống lại quan hệ với châu Phi, đuổi kịp Trung Quốc và một số đối thủ khác trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại châu lục này.
Nước Mỹ trải qua năm 2022 cũng khép lại nửa chặng đường đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Nhìn lại 2 năm qua, có thể thấy ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng đã phần nào thực hiện được những cam kết tranh cử, chèo lái nền kinh tế số 1 thế giới vượt qua đại dịch, duy trì tăng trưởng và bước đầu khôi phục vị thế trên trường quốc tế. Nhưng với những bộn bề trước mắt, thách thức trong nửa sau nhiệm kỳ không phải là nhỏ, đòi hỏi Tổng thống Biden phải tạo bước đột phá để chuẩn bị sẵn sàng cho mục tiêu tái tranh cử năm 2024./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhin-lai-the-gioi-2022-nuoc-my-giua-bon-be/273224.html