Nhìn lại vai trò lập pháp của Quốc hội

Quốc hội khóa XIV họp kỳ cuối cùng từ hôm 24.3, dự kiến kéo dài trong khoảng 15 ngày.

Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự; bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và một số báo cáo khác liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV...

Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có thể thấy, ngoài các nghị quyết thông qua các chủ trương, biện pháp về phát triển kinh tế, xã hội, Quốc hội đã thảo luận, thông qua hàng chục điều luật, sửa đổi, thể chế hóa Hiến pháp 2013 theo xu hướng phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Có thể kể tên một vài bộ luật quan trọng nổi bật, hướng đến một hành lang pháp lý thị trường minh bạch. Đó là Luật Đầu tư 2020 (thay thế Luật Đầu tư 2014), Luật Doanh nghiệp 2020 (thay thế Luật Doanh nghiệp 2014), Luật Chứng khoán 2019, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Lao động 2019... Nhóm các bộ luật điều chỉnh hoạt động, tổ chức của bộ máy nhà nước, quan hệ nhà nước công dân như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học...

Tại Lễ khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Tại Lễ khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Có thể nói, thông qua các hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa XIV đã góp phần hình thành một bệ đỡ thể chế mới cho nền kinh tế, và hoạt động xã hội thuận theo đòi hỏi của cuộc sống và phù hợp với các cam kết hội nhập.

Một dấu ấn chính trị khác trong năm năm nhiệm kỳ Quốc hội, đó là ngoài các tranh luận ở nghị trường được dư luận cử tri quan tâm còn là việc “nói không” của Quốc hội với một số vấn đề còn nhiều tranh cãi. Sự kiện Quốc hội bỏ phiếu lùi thời điểm thông qua Luật Đặc khu đã gây cho cử tri nhiều cảm hứng, cho dù kết quả đó có sự góp phần quan trọng của sự “bật đèn xanh” từ lãnh đạo Đảng. Trước đó, cũng từ những góp ý trên công luận về điều 292 trong bộ Luật Hình sự 2015, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên môi trường internet, Quốc hội khóa XIV đã ra nghị quyết lùi thời hạn thi hành bộ luật này và các bộ luật liên quan, để xem xét sửa đổi.

Các nội dung kỹ thuật pháp lý trong các tờ trình bởi Chính phủ không còn dễ dàng được thông qua như các kỳ họp trước, như việc 321/414 đại biểu Quốc hội không đồng ý Bộ Công an cấp giấy phép lái xe.

Từ sau khi Hiến pháp 2013 ban hành, các nhiệm kỳ Quốc hội đặt trọng tâm xây dựng pháp luật, thể chế hóa các nội dung được ghi trong Hiến pháp. Chính phủ và Quốc hội, trong nhiều năm qua đã liên tục hoàn thiện luật pháp, rất nhiều luật mới được sửa đổi bổ sung, các thiết chế tổ chức nhà nước pháp quyền ngày càng minh bạch trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng và các ban ngành, từ trung ương đến địa phương... Các bộ luật sửa đổi liên quan đến thị trường, quản lý kinh tế để phù hợp với các cam kết quốc tế, nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Nhiều bộ luật điều chỉnh quan hệ nhà nước - công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân. Những thay đổi đó, hình thành rõ nét khuynh hướng dần đi tới khẳng định hai trụ cột nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Bên cạnh những hoạt động lập pháp tích cực đáng ghi nhận, trong một báo cáo gần đây của Thủ tướng Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, trong 89 dự án luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành theo Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn 20 dự án luật chưa được ban hành. Trong đó có 4 luật thuộc lĩnh vực pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hai luật quan trọng nhất trong lĩnh vực này là luật về hội và luật biểu tình. Các dự án luật này mặc dù đã được cân nhắc, thảo luận nhiều lần ở nhiệm kỳ trước đó nhưng đến nhiệm kỳ này vẫn được Quốc hội khóa XIV quyết định gác lại.

Để phát triển lành mạnh và bền vững, xã hội cần đảm bảo đứng vững trên ba chân trụ: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Nguyên lý ấy được đúc kết từ các xã hội tiên tiến và đang tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn chờ đợi của người dân.

Duy Thông

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhin-lai-vai-tro-lap-phap-cua-quoc-hoi-27965.html