Nhìn thẳng vào thách thức và có tính toán dài hơi hơn

Trong ngày đầu tiên thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, những kết quả đạt được là hết sức trân quý trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh cũng như tình hình thế giới. Song, với tinh thần 'không ngủ quên trên thành công', nhiều đại biểu nêu rõ, trong xác định mục tiêu, chỉ tiêu cho năm 2023 phải lồng ghép 'những tính toán dài hơi' khi lựa chọn giải pháp thực hiện.

Đạt được những thành tựu hết sức trân quý

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước được triển khai trong bối cảnh nước ta chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19, tình hình thế giới không thuận lợi, có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Nhìn lại bối cảnh này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, những kết quả nước ta đạt được trong thời gian vừa qua là hết sức trân quý. Tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục, thặng dư xuất siêu, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững góp phần tăng cường củng cố, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Ấn tượng hơn cả, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Việt Nam đã một lần nữa nổi lên trở thành "ngôi sao sáng" trên "bầu trời" tăng trưởng kinh tế thế giới và là số ít các nước được tổ chức quốc tế nâng mức tín nhiệm trong năm 2022 này.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Cần khẳng định rằng, những kết quả, thành công nước ta đạt được trong năm 2022 chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Như phân tích của ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam), thì nguyên nhân quyết định là sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và những kết quả đạt được đó còn do sự chủ động, đồng hành trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cá nhân Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Trong 9 tháng năm 2022, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc rất lớn, ban hành nhiều luật, nhiều Nghị quyết quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách cho năm 2022, giai đoạn 2025 và các năm tiếp theo. Kịp thời tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để thông qua chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho phát triển một số địa phương và lần đầu tiên thông qua chủ trương 5 dự án quan trọng quốc gia trong 1 kỳ họp. “Có thể nói, trong năm 2022, Quốc hội đã ngày đêm chủ động phối hợp, đồng hành, hỗ trợ Chính phủ với tinh thần cao nhất. Quốc hội đang từng bước tạo lập nên một nền móng vững chắc về thể chế, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm kiến tạo, phát triển mở đường, tạo nền tảng và không gian thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận sự dấn thân, chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt, bài bản, đồng bộ, không ngày nghỉ dưới áp lực rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự chia sẻ, ủng hộ chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của gần 100 triệu đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự quyết tâm vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ chân tình của bạn bè quốc tế.

Tất cả những yếu tố đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đã tác động lan tỏa, tạo nên sức mạnh, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở nước ta. “Đây là bài học có giá trị bất hủ trong điều hành đất nước đặc biệt ở những thời điểm đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa, gỡ hai khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp

Năm 2022 tiếp tục là năm có nhiều thách thức, khó khăn. Và trong năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức, vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới nếu xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động đồng thời của thảm họa chiến tranh và dịch bệnh. “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải”, đại biểu Hoàng Văn Cường cảnh báo.

Với những thách thức như vậy, đồng tình với việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 ở mức khoảng 6,5% và 12 giải pháp được đặt ra, song nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, chúng ta tuyệt đối không nên say sưa với thành công, phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước.

Bên cạnh những giải pháp trong trước mắt, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm triển khai những giải pháp hữu hiệu để tăng cường nguồn lực giúp họ giữ vững thị trường trong nước. Bởi, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, đã có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân của năm 2023 - là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp.

Một lý do khác được đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, là sau hai năm đại dịch, công nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn với họ. Trong khi đó, sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ của các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn hoãn trong 2 năm qua, cộng với đó là thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả. Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng, thị trường bị thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bờ vực phá sản. Chỉ rõ nguy cơ này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với "kịch bản xấu nhất" khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, triển khai thực hiện chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), Chính phủ quan tâm nghiên cứu tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến tháo gỡ 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Tất nhiên, khi xác định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán thận trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa bảo đảm kích thích nền kinh tế, phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ vay sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Rõ ràng, những thành tựu quan trọng nước ta đạt được trong thời gian qua là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng ta, những quyết sách kịp thời, quyết liệt của Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ cùng sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Nhưng, như khẳng định của nhiều đại biểu, thì tinh thần luôn là "không được ngủ quên trên thành công” và phải có cái nhìn dài hơi hơn trong xác định các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2023, đưa nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nhin-thang-vao-thach-thuc-va-co-tinh-toan-dai-hoi-hon-i305131/