Nhìn thấy người bệnh bình phục là động lực cống hiến của điều dưỡng viên

Theo thống kê, số lượng điều dưỡng viên tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, điều này mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên theo đuổi ngành học này

Ngành điều dưỡng đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong hệ thống y tế. Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh dân số già hóa, vai trò của điều dưỡng viên trở nên không thể thiếu.

Nhu cầu nhân lực ngành Điều dưỡng ngày càng cao cả về chất và lượng

Lực lượng điều dưỡng chiếm đến 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Dịch vụ do điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng [1]. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những người trẻ theo đuổi ngành này trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi - giảng viên ngành Điều dưỡng, Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, hiện nay, ngành Điều dưỡng tại Việt Nam đã có những bước phát triển và được nhiều người biết đến, coi trọng hơn so với trước đây.

Điều dưỡng viên không chỉ làm việc trong các bệnh viện mà còn có thể phát triển ở nhiều lĩnh vực khác như chăm sóc tại nhà, quản lý sức khỏe cộng đồng, và cả giảng dạy tại các cơ sở đào tạo y tế. Tiềm năng phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở trong nước, mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Đức, Úc – những nơi đang thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi - giảng viên ngành Điều dưỡng, Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi - giảng viên ngành Điều dưỡng, Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NVCC.

Trước đây, ngành điều dưỡng thường được gọi chung là nhân viên y tế, thực hiện các công việc hỗ trợ bác sĩ theo chỉ định. Điều dưỡng viên chủ yếu được đào tạo trình độ trung cấp với thời gian ngắn chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện nay, điều dưỡng đã trở thành một ngành độc lập với chức năng riêng, có mối quan hệ cộng tác với bác sĩ. Nhu cầu về nhân lực điều dưỡng hiện nay không chỉ gia tăng trong nước mà còn ở cả thị trường quốc tế, kéo theo mức lương và sự công nhận của xã hội cũng được nâng cao.

Chương trình đào tạo điều dưỡng hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học được cập nhật thường xuyên, đáp ứng được chuẩn năng lực điều dưỡng, phù hợp với yêu cầu xã hội. Điều dưỡng viên cũng cần đạt được những kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Chương trình học cập nhật phù hợp thực tiễn

Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sinh viên ngành Điều dưỡng được đào tạo theo phương pháp học dựa trên dự án, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Nhờ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các đối tác doanh nghiệp trong nước và quốc tế, sinh viên có cơ hội tham gia các chương trình liên kết và thực tập tại các bệnh viện hàng đầu, giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập môi trường làm việc thực tế.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi hướng dẫn sinh viên trong một tiết thực hành. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi hướng dẫn sinh viên trong một tiết thực hành. Ảnh: NVCC.

Không chỉ chăm sóc người bệnh, điều dưỡng viên còn cần phải tham gia vào nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng công việc tại bệnh viện và liên tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thông qua các dự án nghiên cứu hàng năm. Điều này giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của ngành.

Ngoài chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng, hiện nay còn có các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực điều dưỡng. Điều này cho thấy sự đa dạng và chuyên sâu trong đào tạo ngành này.

Chương trình Thạc sĩ Điều dưỡng Quốc tế - chương trình liên kết giữa Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng với Đại học Northern Colorado của Mỹ dành cho người đã có bằng tốt nghiệp Đại học các chuyên ngành Điều dưỡng, hộ sinh hoặc tương đương, có kinh nghiệm làm công tác điều dưỡng tại bệnh viện tối thiểu 1 năm, đạt trình độ tiếng Anh B2 theo khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc tương đương và đáp ứng các yêu cầu tuyển chọn của chương trình liên kết.

Ngoài ra, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng còn có chương trình liên thông từ trung cấp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề lên đại học hệ chính quy.

Nguyễn Minh Khoa hiện đang công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh). Bắt đầu sự nghiệp từ cuối năm 2002, chị Minh Khoa tiếp tục theo học chương trình liên thông đại học tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng để nâng cao chuyên môn. Chị tốt nghiệp Chương trình liên thông đại học ngành Điều dưỡng tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vào năm 2013 và tính đến này chị đã có hơn 20 năm gắn bó với ngành Điều dưỡng.

Quãng thời gian công tác và làm việc trong ngành Điều dưỡng, thấy bệnh nhân phục hồi từng ngày, từ cận kề cửa tử đến khi trở về cuộc sống bình thường chính là động lực lớn giúp chị Minh Khoa vượt qua những khó khăn, gắn bó với nghề và tiếp tục học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

 Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đi thực tập tại các bệnh viện. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đi thực tập tại các bệnh viện. Ảnh: NVCC.

“Khi học liên thông đại học, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho người vừa học vừa làm như tôi, với các lớp buổi tối, giúp tôi có thể cân bằng giữa công việc và học tập. Dù khá vất vả, nhưng sự hỗ trợ từ nhà trường giúp việc học trở nên dễ dàng hơn", chị Minh Khoa chia sẻ.

Theo chị Khoa, hiện nay, ngành điều dưỡng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội cho điều dưỡng viên tham gia các hội thảo để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Công tác sinh hoạt khoa học trong ngành cũng được chú trọng và ngành Điều dưỡng ngày càng được xã hội ghi nhận. Trước đây, việc tìm kiếm thạc sĩ hay tiến sĩ ngành Điều dưỡng là rất khó, nhưng hiện nay, tại Việt Nam đã có cả tiến sĩ trong lĩnh vực này, các chương trình đào tạo cũng luôn được cập nhật cho thấy sự phát triển từng bước của ngành. Đây chính là thuận lợi và cơ hội cho các bạn trẻ khi muốn theo đuổi ngành Điều dưỡng.

Học hỏi không ngừng và làm việc bằng tâm

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Minh Khoa cho rằng, các sinh viên ngành điều dưỡng dù mới ra trường hay còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần có tâm với nghề, kiên trì vượt qua khó khăn. Để gắn bó với nghề điều dưỡng, các bạn cần có tinh thần thép, bởi công việc này thường vất vả hơn so với nhiều ngành khác trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, khi làm việc tại các phòng hồi sức tích cực, yêu cầu phải chăm sóc người bệnh toàn diện, không ngại khó, ngại khổ, dù bệnh nhân có những tình trạng không thoải mái, đôi khi là gắt gỏng. Hãy luôn nghĩ rằng mình đang chăm sóc chính người thân của mình, từ đó mới có động lực và tinh thần để làm tốt công việc.

 Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong một tiết thực hành. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong một tiết thực hành. Ảnh: NVCC.

Chủ động lăn xả vào công việc để nâng cao tay nghề, chăm chỉ đọc sách và học hỏi từ những người giỏi hơn. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, không ngại tiếp thu và tham gia nhiều vào các ca cấp cứu, vì đó là cách tốt nhất để rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng của mình. Các bạn cần luôn có tinh thần học hỏi từ những người đi trước và không ngại đảm nhận bất kỳ công việc nào, kể cả những nhiệm vụ khó khăn nhất. Đặc biệt, việc tham gia nhiều vào các ca cấp cứu trong khoa sẽ giúp các bạn rèn luyện và nâng cao tay nghề một cách nhanh chóng và vững vàng.

Kỹ năng giao tiếp ứng xử là yếu tố vô cùng quan trọng đối với những ai theo đuổi con đường điều dưỡng. Giao tiếp không chỉ với bệnh nhân mà còn với thân nhân và đồng nghiệp. Khi đối diện với những lời phàn nàn hay yêu cầu từ bệnh nhân và gia đình, các bạn cần lắng nghe, ghi nhận và phản hồi một cách khéo léo. Điều này giúp hoàn thành nhiệm vụ và tạo niềm tin cho người bệnh cũng như gia đình họ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vi cũng đánh giá kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng mà các sinh viên ngành Điều dưỡng cần rèn luyện. Trong quá trình thực tập, sinh viên phải tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà và các bác sĩ, nếu không biết cách giao tiếp, sinh viên có thể cảm thấy căng thẳng khi đối mặt với những tình huống khó chịu từ người bệnh.

Người điều dưỡng cần thấu hiểu và kiên nhẫn với người bệnh. Khi người bệnh phản đối hay không phối hợp, thay vì cứng nhắc, điều dưỡng viên cần giữ thái độ nhẹ nhàng, từ tốn, không nản lòng trước khó khăn.

Bên cạnh đó, kỹ năng thực hành kỹ thuật cũng là yếu tố cần được chú trọng. Ngành điều dưỡng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, mỗi sai sót, dù nhỏ đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, sinh viên cần rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận và tận tụy với nghề, hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người bệnh. Mỗi lần tiếp xúc và làm việc với bệnh nhân là cơ hội quý báu để các bạn học hỏi và hoàn thiện kỹ năng.

Theo cô Tường Vi, áp lực công việc là một thử thách không nhỏ, không chỉ với sinh viên mà cả với những người đã có kinh nghiệm. Sinh viên vừa phải học tập trên trường vào ban ngày, vừa phải trực đêm, làm việc thực tế tại các bệnh viện điều này khiến các bạn dễ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Tuy nhiên, nếu kiên trì vượt qua, các bạn có thể gắn bó và phát triển trong nghề.

"Điều quan trọng là các bạn phải hiểu rõ ngành nghề mình đang theo đuổi, nhận thức được những khó khăn và quyết tâm vượt qua. Ngành điều dưỡng đòi hỏi y đức – làm việc từ tâm, công việc này cần xuất phát từ lòng yêu thương và sự quan tâm đến người khác. Khi biết nghĩ cho người bệnh, bạn sẽ yêu nghề hơn và có động lực để gắn bó với công việc đầy thử thách này", cô Vi nhấn mạnh.

Tư liệu tham khảo:
[1] https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/luc-luong-chiem-70-nhan-luc-kham-chua-benh-nhung-luong-khoi-iem-cua-ieu-duong-chi-2-8-trieu-ong?inheritRedirect=false

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhin-thay-nguoi-benh-binh-phuc-la-dong-luc-cong-hien-cua-dieu-duong-vien-post246472.gd