Nhịp đập năng lượng ngày 22/6/2023

Chính phủ đồng ý chuyển A0 về Bộ Công Thương; Quốc hội Thụy Điển thông qua mục tiêu năng lượng mới; Rủi ro địa chính trị trong lĩnh vực năng lượng vẫn là mối lo lớn… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Chính phủ đồng ý chuyển A0 về Bộ Công Thương

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển A0 về Bộ Công Thương dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng trong tháng 8/2023. Trong báo cáo này cần đánh giá đầy đủ tác động, vướng mắc có thể phát sinh, giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia liên tục, hiệu quả, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước.

Cho đến khi hoàn thành việc chuyển A0 về Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác giám sát thường xuyên, trực tiếp và toàn diện đối với A0 theo quy định.

Nhà máy thủy điện vẫn phát điện cầm chừng

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 22/6, mực nước tại các hồ thủy điện tăng nhưng vẫn thấp. Dự báo thời gian tới, lưu lượng nước về các hồ chưa cao, các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước để đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng nhằm đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, ngày 21/6, công suất đỉnh hệ thống tiếp tục tăng lên mức 41.514 MW. Phụ tải toàn hệ thống đạt 852 triệu kWh, giảm 4,3 triệu kWh so với ngày 20/6.

Về cơ cấu huy động điện, trong ngày 21/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 204 triệu kWh, tăng 7 triệu kWh so với ngày 20/6 (miền Bắc là 74 triệu kWh); nhiệt điện than huy động 453 triệu kWh (miền Bắc 269 triệu kWh); tuabin khí huy động 97 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 71,9 triệu kWh,. Nguồn điện dầu không phải huy động.

Các nền kinh tế đang phát triển cần tăng đầu tư vào năng lượng sạch

Báo cáo chung của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 21/6 cho biết, chưa đến 1/5 trong số khoảng 1,7 nghìn tỉ đô la Mỹ đầu tư dự kiến dành năng lượng sạch trong năm nay sẽ được chi tiêu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc.

IEA cho rằng tổng số tiền đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế này cần phải tăng từ khoảng 260 tỉ đô la trong năm nay lên 1,4-1,9 nghìn tỉ đô la mỗi năm vào đầu những năm của thập niên 2030 để đạt được các mục tiêu về khí hậu và đáp ứng nhu cầu năng lượng. Nhưng họ đang đối mặt sự cạnh tranh đầu tư ngày càng gia tăng từ các nước giàu có hơn.

“Thế giới năng lượng sạch ngày nay đang phát triển nhanh chóng, nhưng có nguy cơ lớn, nhiều nước trên thế giới bị bỏ lại phía sau. Đầu tư là yếu tố then chốt để giúp các nước này hưởng lợi từ nền kinh tế năng lượng sạch”, Fatih Birol, giám đốc của IEA, nói.

Quốc hội Thụy Điển thông qua mục tiêu năng lượng mới

Quốc hội Thụy Điển vừa thông qua mục tiêu năng lượng mới, bật đèn xanh cho Chính phủ cánh hữu thúc đẩy kế hoạch xây dựng các nhà máy hạt nhân mới tại nước này. Đây là động thái đáng chú ý, vì Thụy Điển từng biểu quyết từ bỏ năng lượng nguyên tử cách đây 40 năm.

Mục tiêu mới là 100% điện được tạo ra không bằng nhiên liệu hóa thạch, hay “100% tái tạo” là chìa khóa cho kế hoạch của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng gấp đôi dự kiến lên khoảng 300 TwH vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045.

Theo phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Elisabeth Svantesson tại Quốc hội, “điều này tạo điều kiện cho năng lượng hạt nhân”, vì Thụy Điển cần sản xuất điện sạch nhiều hơn, cũng như một hệ thống năng lượng ổn định.

Rủi ro địa chính trị trong lĩnh vực năng lượng vẫn là mối lo lớn

Bộ phận nghiên cứu công nghiệp BMI thuộc công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự đoán rủi ro địa chính trị trong lĩnh vực năng lượng vẫn là mối lo ngại đáng kể cho đến năm 2050. Các chính phủ nên ưu tiên vấn đề an ninh năng lượng hơn do mối lo ngại về khí hậu trong trung hạn.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng đến năm 2050, BMI cho biết các chính phủ giảm ưu đãi đối với nhiên liệu hóa thạch. Song áp lực giảm đầu tư đang được xoa dịu do nhu cầu tăng cường cung cấp hydrocarbon. Lo ngại về an ninh năng lượng đã gia tăng trong bối cảnh giá năng lượng cao do nguồn cung khan hiếm trên thị trường toàn cầu.

Báo cáo cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy sự đảo ngược này. Tuy nhiên, chính sách này sẽ trở nên ít hỗ trợ hơn trong những thập niên tới, gây rủi ro cho tính bền vững của các khoản đầu tư dài hạn mới.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2262023-687798.html