Nhịp đập năng lượng ngày 24/8/2023

Nhật Bản chi hơn 14 tỷ USD cho chuyển đổi năng lượng; Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm do hoạt động lọc dầu tăng mạnh; Ả Rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng đến tháng 10… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Nhật Bản chi hơn 14 tỷ USD cho chuyển đổi năng lượng

Theo một tài liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 23/8, nước này có kế hoạch chi hơn 2 nghìn tỷ yên (14 tỷ USD) cho chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy sản xuất pin lưu trữ, chất bán dẫn, thiết bị sản xuất điện hydro cùng nhiều thiết bị khác. Chiến lược đầu tư cho từng lĩnh vực sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và việc chi tiêu sẽ bắt đầu từ năm 2024 nếu kế hoạch được chính phủ phê duyệt.

Theo Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (BNEF), chìa khóa để mở tiềm năng năng lượng tái tạo của Nhật Bản là thúc đẩy đầu tư vào lưới điện quốc gia để giúp các nhà phát triển năng lượng gió và mặt trời dễ dàng cung cấp điện sạch ở những nơi cần thiết nhất.

Trong kịch bản chuyển đổi do BNEF vạch ra, Nhật Bản cần 489,3 tỷ USD đầu tư vào lưới điện từ năm 2022 đến năm 2050 để tích hợp đầy đủ năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin nhằm khử carbon cho lĩnh vực sản xuất điện. Ước tính của chính phủ hiện tại về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng vào khoảng 27-40,5 tỷ USD cho đến giữa thế kỷ.

Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm do hoạt động lọc dầu tăng mạnh

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 23/8, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 18/8 xuống còn 433,5 triệu thùng, nhiều hơn mức kỳ vọng giảm 2,8 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô của các nhà máy lọc dầu đã tăng 30.000 thùng/ngày (bpd) trong tuần trước lên 16,78 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 khi mức sử dụng nhà máy lọc dầu giảm 0,2% xuống còn 94,5% tổng công suất.

Tồn kho đang giảm bất chấp sản lượng dầu thô tăng 100.000 thùng/ngày lên 12,8 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi những hạn chế xung quanh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu nhiên liệu giảm.

Các công ty phương Tây phớt lờ giá trần của G7 áp đặt đối với dầu của Nga

Bloomberg mới đây đưa tin, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga trên các tàu chở dầu được phương Tây bảo hiểm vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp giá của loại dầu Urals đã tăng vọt lên trên mức 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.

Hãng tin này cho biết, khoảng 40% tàu chở dầu thô từ các cảng Baltic và Biển Đen của Nga đều thuộc sở hữu hoặc được bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại những quốc gia đã đăng ký giá trần. Còn theo Argus Media, Urals được giao dịch ở mức khoảng 71 USD/thùng vào ngày 18/8 tại các cảng của Nga. Khoảng một nửa số tàu mà chở dầu của Nga thuộc sở hữu của phương Tây trước khi vi phạm giá trần, với một số lượng lớn tàu có bảo hiểm đi qua London.

Megan Apper, phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao thị trường để phát hiện các vi phạm tiềm ẩn về giới hạn giá. Điều đáng chú ý là các giao dịch trên 60 đô la mà không sử dụng dịch vụ của Liên minh thì không vi phạm giới hạn giá và một phần lớn các giao dịch dầu mỏ của Nga vẫn sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ của liên minh”.

Ả Rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng đến tháng 10

Năm nhà phân tích Phố Wall dự đoán, Ả Rập Xê-út có thể sẽ gia hạn mức cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện 1 triệu thùng trong tháng thứ ba liên tiếp cho đến tháng 10 trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn. Việc cắt giảm ban đầu dường như đã có hiệu quả, khi giá dầu tăng khoảng 15% trong tháng qua lên ngưỡng 86 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu tăng dần do tồn kho thắt chặt đã đảo ngược trong tuần qua khiến các nhà giao dịch lại lo lắng về dữ liệu kinh tế yếu kém đến từ Trung Quốc cũng như hội nghị chuyên đề Jackson Hole sắp tới. Giá Brent hiện tại ở mức 82,71 USD là quá thấp đối với Ả Rập Xê-út vì nước này cần dầu thô trị giá 100 USD/thùng để cân bằng sổ sách, tạo thêm động lực để giữ nguồn cung thắt chặt.

"Chúng tôi nghĩ rằng Ả Rập Xê-út sẽ gia hạn cắt giảm ít nhất cho đến tháng 10. Vương quốc này đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng sau sự suy yếu của thị trường dầu mỏ trong nửa đầu năm và sẽ muốn thấy tồn kho toàn cầu giảm đáng kể trước khi bắt đầu giảm bớt nhu cầu", Richard Bronze, nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspect, nói với Reuters.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2482023-692525.html