Nhịp sống mới khu tái định cư

Tết này, niềm vui no ấm lan tỏa đến từng nếp nhà ở các điểm tái định cư nhờ bà con mạnh dạn áp dụng cách làm mới trong sản xuất, kinh doanh. Nhanh chóng bắt nhịp với cái mới, nhưng vẫn giữ những truyền thống tốt đẹp, bà con tái định cư ngày càng tự tin, khi khoảng cách giữa mình với đồng bào sở tại đã không còn nữa.

Nhịp sống mới

Anh Duy Hồng Vinh, xóm 25, xã Kim Phú (Yên Sơn) không giấu được niềm vui khi đầu tháng 9 năm 2019 sáng kiến máy phát điện xoay chiều không sử dụng nhiên liệu đốt của anh được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đến thăm và khuyến khích anh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và sản xuất trên diện rộng. Anh bảo, khi chuyển về quê mới, mình may mắn được tiếp cận với nhiều điều qua các lớp học chuyển đổi nghề từ nguồn vốn Chương trình Di dân tái định cư mở.

Sau các lớp học nghề, anh Duy Hồng Vinh mở một xưởng sản xuất khung nhôm cửa kính, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy cần phát triển thêm những kiến thức đã học được để giúp ích cho cuộc sống của nhiều người hơn. Khi có dịp về những bản làng chưa may mắn được phủ điện lưới quốc gia, anh Vinh quyết tâm theo đuổi mô hình sản xuất máy phát điện để phục vụ bà con. Anh Vinh chia sẻ, anh theo đuổi mô hình này hơn 10 năm nay, không phải loại máy phát điện thông thường, vừa ồn ào, vừa khó sử dụng, máy phát điện do anh sản xuất lấy điện từ củ phát của máy phát điện, thuộc dòng điện tuần hoàn. Ưu điểm của loại máy này là hoạt động nhẹ nhàng, không gây tiếng ồn, không ảnh hưởng đến môi trường, dễ dàng vận chuyển và có khả năng phát đủ nguồn điện để thắp sáng và cả sản xuất. Anh Vinh cho biết, hiện anh đang được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các thủ tục để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Năm 2004, 18 hộ đồng bào dân tộc Dao từ Xuân Tân (Na Hang) nhường đất cho Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang về định cư tại thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà (Chiêm Hóa). Những ngày đầu mới về, bà con chỉ trông chờ vào cây sắn - thứ cây trồng ngắn ngày đem lại “tiền tươi thóc thật”. Nhưng chính quyền xã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con cũng tự bảo ban nhau học hỏi cái hay, cái mới của đồng bào sở tại để về áp dụng. Giờ, ở Khuổi Hỏi, những người làm giàu từ cam, từ rừng, từ nghề kinh doanh dịch vụ ngày càng nhiều.

Ông Lý Văn Sơn (người đội mũ), thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)hướng dẫn người dân trong thôn chăm sóc cam.

Ông Lý Văn Sơn là người đầu tiên đưa cây cam về trồng tại Khuổi Hỏi. Giờ ông đã có hơn 1,4 ha cam, gần 2 ha rừng, ông cũng mở một cửa hàng kinh doanh dịch vụ nhỏ ngay tại nhà. Từ mô hình của ông Sơn, ở Khuổi Hỏi giờ đã có 17 hộ trồng cam, bà con cũng trồng mới hơn 20 ha rừng, như ông Lý Sành Sài, Lý Mạnh Thắng, Bàn Giào Sinh, Bàn Giào Cán, Bàn Giào Quấy... Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà Seo Văn Sử cho biết, 4 điểm tái định cư trên địa bàn xã bà con hòa nhập nhanh, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Không riêng ở Khuổi Hỏi, những hộ như Nông Quý Thọ, Lý Xuân Chính ở thôn Bản Ba 2 cũng là những điển hình làm kinh tế giỏi khi nhanh chóng học những nghề như lái xe ô tô, nghề xây dựng... phù hợp với địa bàn mới để làm giàu.

Theo đánh giá của Ban di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, ở hầu hết các điểm tái định cư, bà con bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới. Những mô hình sản xuất chè theo hướng hàng hóa ở các điểm tái định cư Yên Sơn; những vườn cam trĩu quả của đồng bào tái định cư Chiêm Hóa, Hàm Yên ngày một phát triển. Vẫn là những mô hình chăn nuôi, nhưng bà con ở Lâm Bình, Chiêm Hóa... đã biết xây dựng chuồng trại, chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng vỗ béo, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào.

Giữ hồn quê

Kinh tế ổn định, đời sống văn hóa tinh thần được bà con chăm chút, gìn giữ. Từ trước Tết nguyên đán vài tháng, những người chị, người mẹ ở các điểm tái định cư Trung Hà (Chiêm Hóa) đã tranh thủ thời gian may những chiếc váy, chiếc áo mới cho từng thành viên trong gia đình. Vừa nhanh tay thêu chiếc yếm, chị Phùng Thị Sếnh ở thôn Khuổi Hỏi vừa đếm quãng thời gian về an cư nơi quê mới. Thấm thoát đã 15 năm, nhưng những phong tục tập quán cũ vẫn được bà con giữ gìn trọn vẹn.

Trang phục của phụ nữ Dao đỏ từ Xuân Tân ngày nào những ngày Tết, ngày hội lại được dịp khoe sắc với những trang phục của người Tày nơi này. Chị Sếnh bảo, phụ nữ trong thôn từ già đến trẻ đều biết may trang phục truyền thống, giống như cách người Dao mang hồn cốt từ những ngày ở quê cũ về với quê mới. Năm vừa rồi, khi nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao đỏ vinh dự được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, chị cũng như bà con ở đây tự hào lắm. Chị bảo, nét đẹp, nét duyên của đồng bào mình được công nhận, thì chẳng có lý do gì mà mình không diện, không khoe khi có dịp cả.

Gia đình chị Bế Hải Yến, xóm 24, xã Kim Phú (Yên Sơn) sản xuất bún khô truyền thống,cung cấp cho người tiêu dùng.

Không chỉ giữ trang phục, người Dao ở Khuổi Hỏi còn thành lập những câu lạc bộ hát Páo dung. Phó trưởng thôn Lý Mạnh Thắng tự hào, câu lạc bộ có đủ thành phần, từ người già đến người trẻ, Tết đến, xuân về, bà con được dịp khoe giọng hát, điệu múa của mình, ai cũng háo hức, phấn khởi lắm.

Trưởng xóm 25, xã Kim Phú (Yên Sơn) Phạm Quang Vinh hào hứng, xóm đã thành lập Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính với 10 thành viên là đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Từ trước Tết, bà con đã hăng say luyện tập những tiết mục hát Then, hát Cọi, đàn Tính… để giao lưu với các xóm, các xã khác.

Lẫn trong cái se lạnh, lẫn trong mùi trầm hương ngày Tết, thoảng đâu đây luyến láy của những điệu Then, Páo dung... giao duyên đợi chờ. Đồng bào tái định cư trên khắp địa bàn tỉnh, sau cả thập kỷ sống trên quê mới, đã giống như cây bén rễ, đâm chồi nảy lộc và cho trái ngọt. Dẫu vẫn còn đâu đó những khó khăn, vất vả, nhưng những điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh đã thực sự khoác lên mình một màu áo mới: Tươi sáng hơn, rộn rã hơn.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhip-song-moi-khu-tai-dinh-cu-127525.html