Nhịp sống ở thôn Văn Lâm 3 sau những ngày cách ly
Hiện tại, người dân đã thích nghi dần với nếp sống không đi lại ra ngoài thôn.
Đã ba ngày trôi qua kể từ khi thôn Văn Lâm 3 (Thuận Nam, Ninh Thuận) với hơn 5.000 dân được chính quyền địa phương cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 do thôn này có hai ca nhiễm. Đến nay, người dân dường như đã thích nghi dần với cuộc sống hiện tại.
Người dân tin tưởng vào cán bộ
Đi từ đường chính qua các chốt chặn, chúng tôi quan sát các hẻm trong thôn Văn Lâm 3 hầu như vắng bóng người.
Theo quy định, người dân ở trong khu cách ly ai ở nhà nấy, chỉ những người có việc thật cần thiết mới được ra ngoài và trừ những người trong diện F2, F3.
Một phụ nữ đang trong khu cách ly liên lạc qua điện thoại với PV thông tin: “Người dân trong thôn vẫn bình thường. Khác là gần như ai ở nhà nấy. Tâm lý của người dân ban đầu cũng hơi sợ hãi, nhất là khi công bố ca thứ hai, tuy nhiên được chính quyền tuyên truyền, rồi mọi người tự thông tin cho nhau nên mới ba ngày thôi, tâm lý ổn rồi”.
Cũng theo người này, trong mỗi gia đình hiện tại còn đông như tết, vì trước đó nếu không cách ly, cứ vào thời gian này là người lớn đi làm, trẻ em đi học hết cả. Người dân bây giờ cũng có ý thức ra đường đều mang khẩu trang, khi về rửa tay xà phòng hay rửa tay khô bằng dung dịch sát khuẩn.
"Trong khuôn viên từng gia đình, sinh hoạt dần trở nên bình thường. Các công việc như dệt vải, chăm sóc cây trồng, vật nuôi diễn ra bình thường, không một ai tỏ ra quá hoang mang hay lo sợ” - người phụ nữ này nói thêm.
Người phụ nữ này còn cho PV biết mọi người bên trong biết khuyên nhau không chủ quan, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường. Nhưng còn vài hộ thiếu khẩu trang, xà bông, nước diệt khuẩn.
Theo ghi nhận bên ngoài các khu chốt chặn, loáng thoáng ngoài đường có vài phụ nữ nhờ người thân đi chợ mua lương thực về rồi đưa qua hàng rào cách ly.
Một người dân đang chờ nhận thực phẩm của người nhà mua giùm nói: “Nhà nước và mọi người đã quan tâm đến Văn Lâm 3 nhiều hơn. Người dân chúng tôi chỉ mong không ai bị nhiễm thêm để nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường và cũng sắp tới lễ Ramuwan của người Hồi giáo chúng tôi rồi”.
Cắt cỏ chăn nuôi bình thường
Theo thống kê của UBND xã Phước Nam, tổng số đàn gia súc (cừu, bò, dê) của thôn Văn Lâm 3 là hơn 11.000 con. Trong đó dê chủ yếu được bà con chăn nuôi trong núi. Riêng bò và cừu thì một phần vẫn còn trong thôn, một phần đã được đưa ra ngoài từ trước khi cách ly.
“Gia súc ở ngoài thôn thì có người ra nuôi trước khi cách ly, ra xong người này không về thôn nữa để cách ly, còn một ít được nuôi bên trong thì chúng tôi ra đi cắt cỏ nè” - một người đàn ông vừa lái xe chở cỏ vào thôn vừa cho biết.
Theo ghi nhận, trong ba ngày qua, một số người dân không nằm trong danh sách thuộc diện cách ly nhưng vẫn sống trong thôn được xem xét cho ra vào. Công an, dân quân, người của địa phương nhận dạng, kiểm tra, ghi sổ nhật ký ra vào cho những người này. Sau đó nhân viên y tế sẽ tiếp tục đo thân nhiệt, sát khuẩn.
Tại các chốt, trong số người dân ra ngoài vì trường hợp khẩn cấp như ốm đau, bệnh tật thì một số người hiện đang nuôi gia súc nhỏ lẻ ở hộ gia đình vẫn ra ngoài để cắt cỏ mang về cho bò ăn. Một số hộ chăn nuôi còn nhờ người thân ở ngoài vùng cách ly mang rơm khô và cắt cỏ chuyển qua chốt để cho bò ăn.
Ngoài ra, một phụ nữ bên trong khu cách ly trao đổi qua điện thoại với PV, cho biết một số hộ dân bên trong còn chia sẻ rơm khô với nhau để duy trì đàn gia súc, tạo nên khung cảnh ấm tình người trong đợt cách ly.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Nam, xã đã chỉ đạo cán bộ ngoài việc chăm lo cho người dân trong vùng cách ly còn phải thống kê, theo dõi và hướng dẫn các hộ dân chăm sóc đàn gia súc của mình, làm vệ sinh môi trường, không để chúng đói ăn hoặc dịch bệnh.
Làng Chăm chủ yếu nhờ nông nghiệp
Thôn Văn Lâm 3 chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, thôn có gần 1.000 hộ với hơn 5.000 dân, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp.
Thu nhập của người dân là chăn nuôi và trồng trọt. Cả làng làm lúa thì “ăn nước trời”, có nghĩa là nếu năm nào trời mưa nhiều thì làm ruộng được, còn không mưa như năm nay thì cánh đồng trống trơn, đất vàng chạch gốc rạ từ mấy tháng trước, những vết nứt nẻ mỗi ngày một rộng hơn.
Chăn nuôi bò, dê, cừu chủ yếu được chăn dắt theo kiểu du mục ở chân núi. Năm nay hạn hán, trên núi không có nước, gia súc được đưa về gần làng, có nước thì lại không có cỏ. Bò thì chủ yếu ăn rơm khô và được cắt cỏ ngoài vào lay lắt chờ mùa mưa.