Nhớ anh Trần Khánh Chương!

Họa sĩ Trần Khánh Chương đã về cõi vĩnh hằng vào chiều 19-4-2020, hưởng thọ 78 tuổi. Ông ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp giới mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Trần Khánh Chương học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghệp, sau đó về công tác tại Nhà máy sứ Hải Dương (1971-1975). Ông tiếp tục học tại chức ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp khóa VI (1971-1976). Con đường nghệ thuật của ông phải đến giữa những năm 80 mới dần được bộc lộ. Sự ghi nhận đầu tiên là các tranh khắc thạch cao, được chọn đi dự Triển lãm đồ họa quốc tế năm 1984 tại Berlin (Đức). Nổi bật với các bức như: “Những cánh diều” (1983), thể hiện cảnh sinh hoạt làng quê của những chú bé chăn trâu thổi sáo, thả diều, với ý tưởng cánh diều mơ ước của tuổi thơ. Bức “Đồ chơi bột nặn” (1983) lấy cảm xúc về đồ chơi dân gian, do nghệ nhân dùng bột dẻo nhuộm phẩm màu, nặn những hình tượng nhân vật hay các con giống, tò he ngộ nghĩnh. Trong tranh thể hiện chú bé cưỡi ngựa, xung quanh là những con gà, đồ chơi dân gian hóm hỉnh. Bức “Tĩnh vật Tết” màu sắc tươi vui của Tết cổ truyền. Các tranh đó thể hiện sinh động, chất tạo hình mộc mạc, những nét khắc dày, kết hợp với cách in tạo nét vạch, làm giàu chất trang trí, vừa gần với chất chạm khắc cổ, vừa mang cách thể hiện hiện đại.

 Họa sĩ Trần Khánh Chương (thứ 2, từ phải sang) với các đồng nghiệp.

Họa sĩ Trần Khánh Chương (thứ 2, từ phải sang) với các đồng nghiệp.

Tiếp đà sáng tạo, Trần Khánh Chương tiếp tục phát triển sáng tác theo hướng kế thừa nghệ thuật dân gian truyền thống, phát huy theo tinh thần hiện đại. Ông tìm học các mô típ, hoa văn trên gốm cổ, học cách tạo hình ở nghệ thuật điêu khắc gỗ đình, chùa và tranh dân gian, để sáng tạo theo ngôn ngữ đồ họa với nội dung hiện đại. Từ đó, họa sĩ Trần Khánh Chương lại sáng tác tranh khắc, với những kết quả mới như các tranh: “Tắm ao sen”, “Chọi gà”, “Chọi trâu”... (1985), “Múa dâng hoa”, “Chèo sân đình”, “Xiếc”, “Chuốc rượu” (1986)… Ông đã kết hợp khéo léo những mảng hình kiến trúc, cảnh vật, con người, bố cục theo lối viễn cận giả định thuận mắt, truyền cảm cái đẹp tạo hình trong đời sống hiện đại. Sau năm 1986, Trần Khánh Chương chuyển sang sáng tác loạt tranh vẽ mực nho, thuốc nước trên giấy dó cổ truyền và tổ chức triển lãm. Rồi ông mạnh dạn sử dụng chất liệu tempera trên lụa, phản ảnh đề tài sinh hoạt mang nội dung cuộc sống, mang đến cho người xem lối tạo hình dung dị, thơ mộng, chứa đựng cảm xúc. Với chất liệu này, ông còn dùng vẽ tranh tĩnh vật, chú ý tìm cái đẹp ở hoa quả, đồ vật với các sắc màu lam tím, hồng, gợi tả cái tươi mát và cả sự rắn chắc của thể chất đồ vật. Ông còn vẽ các bức sơn dầu, sơn mài, đề cập các đề tài công nhân, bộ đội hay thiếu nữ mang cảm thức tạo hình chân thực về cuộc sống. Bên cạnh sáng tác tranh, Trần Khánh Chương còn thể nghiệm sáng tác gốm, sưu tập gốm cũng như miệt mài nghiên cứu về nghệ thuật gốm hoa nâu, hoa lam cổ truyền và đã xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật gốm Việt Nam.

Họa sĩ Trần Khánh Chương trau dồi rèn luyện trên hai lĩnh vực: Sáng tác và nghiên cứu mỹ thuật. Các công việc luôn kết hợp, đan xen mở ra những ý đồ thực hiện. Suy tư và cảm hứng trong đi tìm cái đẹp “chân, thiện, mỹ” theo hướng truyền thống và hiện đại. Họa sĩ Trần Khánh Chương có những tác phẩm trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập nước ngoài. Đã được các giải thưởng uy tín, được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (năm 2007). Những sáng tác và nghiên cứu của Trần Khánh Chương đã góp vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Giới họa sĩ luôn ghi nhận cống hiến của họa sĩ Trần Khánh Chương trong 20 năm (1999-2019) miệt mài, tận tâm giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Trần Khánh Chương luôn chăm lo đến hoạt động của hội, duy trì đều các triển lãm khu vực hằng năm trong cả nước. Chú trọng soạn thảo, in ấn nội dung tài liệu hoạt động của hội đến từng hội viên. Ông là người thẳng thắn, chân thực, gần gũi, chan hòa và được mọi người quý mến. Dù bận nhiều công việc nhưng Trần Khánh Chương luôn dành thời gian cho sáng tác, gửi gắm tài năng, cảm xúc cho cái đẹp nghệ thuật. Với những gì cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Trần Khánh Chương vẫn luôn sống trong lòng của bạn bè đồng nghiệp và gia đình.

Bài và ảnh: Họa sĩ, nhà phê bình NGUYỄN VĂN CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nho-anh-tran-khanh-chuong-615918