Nhớ khói đồng

Chính mùi hương khói ngai ngái ngây ngấy của lửa rơm rạ bập bùng kia mới đủ sức tạo dựng lại cái thiên đường thơm thảo tuổi thơ tôi

"Sẽ chẳng bao giờ rơm rạ/Nghìn năm sau rơm vẫn rơm vàng". Có lẽ, kẻ "quê mùa" cuối cùng của nhân loại thuộc về những cây rơm vàng chất cao lềnh khềnh, như thách thức với từng trận mưa gió tả tơi thổi buốt qua làng tôi mỗi khi mùa mưa lũ tới. Gọi là cây rơm vì sau mùa màng thu hoạch đông xuân - hè thu, người ta gánh rơm về chất cao lên thành cây, làm "lương thực" dự phòng cho trâu bò vào những ngày mưa lũ thiếu cỏ. Cũng có nơi dùng làm chất đốt thay cho củi. Vùng quê lúa Thái Bình mênh mông rơm còn không đủ làm chất đốt, người ta phải lấy cỏ phơi phóng cho khô để phụ họa lửa củi với rơm, kiểu như độn khoai sắn vào gạo cho đủ cái ăn giáp hạt theo mùa. Ở nông thôn miền Bắc ngày xưa, rơm còn thay cho chiếu chăn để chống chọi lại những mùa đông lê thê, giá rét khắc nghiệt...

Không biết những tâm hồn phố thị từng bước ra từ những cánh đồng làng nhọc nhằn bao thời vụ, còn mấy ai nhớ về rơm? Hình như có vô số giấc mơ được sinh thành từ những cánh đồng lãng mạn khói rơm rạ chật cứng cả trời. Hình như cũng có không biết bao nhiêu con người được sinh nở từ những ổ rơm vàng, từa tựa như tổ chim chóc - quê hương của những tình yêu thầm kín... Rơm đẹp đẽ như thế, thi ca như thế, còn ai nhớ, ai quên.

Cái mùi ngai ngái ngây ngấy thơm tho của rơm rạ vừa thu hoạch xong trên những cánh đồng hay cái mùi ẩm ẩm khê khê của rạ cũ, rạ mục lâu ngày, không biết có thể gọi là "mùi hương" được không nhỉ? Hương đồng ấy mà. Tôi thì dứt khoát không thể nào quên cái "mùi hương" của những ngọn lửa đốt đồng bập bùng cháy lên từ rơm rạ. Cho dù đi bất cứ nơi nào, hễ ở đâu có thứ gió chất chứa khói rơm rạ ấy là tôi lại hình dung một trời xứ sở hiện ra!

Quê tôi, cả một vùng đất ba châu màu mỡ tằm tang và hoa trái, vụ lúa chỉ được gieo vào tháng mười. Lúa gieo, dường như là để chống lại sự hoang hóa của đất qua mùa mưa lũ chờ đến vụ xuân, bởi lúa tháng mười thất bát là chuyện thường, thu hoạch hầu như rơm rạ nhiều hơn hạt gạo. Có lẽ vì thế các viện nông nghiệp, các nhà khoa học giỏi giang tới đâu cũng chẳng ai dài hơi công phu nghiên cứu, lai giống ra hạt giống lúa gieo, chơi trò ú tim với lũ lụt hằng năm đổ về. Vậy là những tên gọi của bao nhiêu giống lúa xưa (truyền thống) như: lúa lốc, lúa mận (lúa chùm), lúa can, lúa đen, lúa đúc, lúa trì trì..., tất cả lần hồi biến ra khỏi cánh đồng tuổi thơ đầy phù sa tươi tốt tự bao giờ tôi chẳng hề hay biết. Bây giờ về làng khó có thể nghe các nhà nông trẻ nhắc đến tên những loại giống lúa xưa ấy.

Khói đốt đồng thường gợi nhớ nhiều kỷ niệm với làng quê. Ảnh: SONG ANH

Khói đốt đồng thường gợi nhớ nhiều kỷ niệm với làng quê. Ảnh: SONG ANH

Ai đã từng ăn chén cơm nấu bằng các thứ gạo đó cùng với cá rô chiên, cá tràu kho tộ, chắc chắn sẽ thấy cái ngon của cơm Tàu, cơm Tây chỉ xứng hàng em út... Cứ hỏi các cụ xưa thì khắc biết ngon đến nhường nào. Một cái nồi đất hoặc sang hơn là cái nồi đồng, đổ vào các loại gạo có màu nâu sẫm (lúa đen), màu hồng sẫm (lúa lốc), màu nâu sáng (lúa can)..., gạo màu nào thì cơm nấu ra màu ấy. Bới ra từng chén, ngồi ngắm không thôi, nghe hơi hướng từ khói bốc lên đã mê mẩn cả tâm hồn.

Ấy thế mà tôi còn nghe tên một loại giống lúa gieo, vua của tất cả lúa đồng gieo đồng cấy. Đó là giống lúa ngự. Cái giống lúa làm ra hạt gạo cho vua ăn chứ nào dễ gì. Vậy mà bây giờ ra đến tận Huế, thử một bữa hay mươi bữa cơm cung đình cũng không hề nghe mùi lai hạt gạo lúa ngự ấy nay lưu lạc những nơi đâu.

Bây giờ thì cơm niêu, cơm nồi, kể cả cơm lam tự mấy sơn khê cũng đình đám ở các khách sạn, nhà hàng. Nhưng mà thời thượng, mà cho kẻ trưởng giả học làm sang. Đi giữa hoang vắng của một làng quê đã di dời gần hết. Lại càng vắng hơn bởi đại dịch Covid-19 đang còn tiềm ẩn đâu đây. Hình như để lấp vào khoảng trống vắng ấy, mây khói lại nhiều hơn. Nhưng tôi lại thèm một thứ khói khác, khói đồng, khói rơm rạ. Chính mùi hương khói ngai ngái ngây ngấy của lửa rơm rạ bập bùng kia mới đủ sức tạo dựng lại cái thiên đường thơm thảo tuổi thơ tôi!

Văn hóa ẩm thực sau lũy tre làng

Từ cái sự khói rạ rơm hong ấm nỗi nhớ, tôi lại tưởng ra những mùa đông quây quần bên bếp mẹ, ngong ngóng cái bánh nậm, bánh xèo, bánh đúc... Những loại bánh trái chẳng lấy gì làm đẹp, đôi khi còn thô kệch vụng về, thế mà nhân hậu, mà nguyên chất bổ dưỡng không pha trộn tạp chất gì, nó góp phần làm nên văn hóa ẩm thực rực rỡ sau lũy tre làng. Có điều, bao bờ bãi nương dâu, bao gành cao nà cạn làng tôi giờ đây hầu như chẳng còn mấy nữa. Cùng với bao dịch chuyển, non dời bể lấp đổi thay, hàng trăm hecta đất đai màu mỡ ven sông đã theo từng mùa mưa lũ trôi biệt tích.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nho-khoi-dong-20200919205426425.htm