Nhớ về người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Anh Lê Thanh Nghị ra đi đã hơn 30 năm nhưng hình ảnh người lãnh đạo tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống mãi trong lòng tôi.

Đồng chí Vũ Oanh nhận định đồng chí Lê Thanh Nghị là một đảng viên luôn trung kiên và nêu gương cần, kiệm

Đồng chí Vũ Oanh nhận định đồng chí Lê Thanh Nghị là một đảng viên luôn trung kiên và nêu gương cần, kiệm

Tôi gặp anh Lê Thanh Nghị lần đầu cách đây 85 năm vào một ngày giữa năm 1936. Hồi ấy, anh mới ở Côn Đảo về, trên đường tìm lại đồng chí, anh em. Anh đến thăm gia đình và bàn việc cách mạng với anh trai tôi. Lúc đó, tôi còn là một học sinh trường huyện. Hôm ấy, trời mưa to, nhà còn ít gạo nấu cơm không đủ, mẹ tôi nấu bánh đúc cho anh Nghị và cả nhà ăn.

Lần thứ 2, tôi gặp anh Nghị vào đầu tháng 8.1945. Hôm ấy trên đường đi họp hội nghị Tân Trào qua Bắc Giang đến vùng giải phóng Hiệp Hòa nơi anh đang phụ trách. Anh hỏi han sức khỏe và dặn dò việc đi lại sao cho an toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi công tác ở Hà Đông cũng có dịp gặp lại anh. Năm 1948, được điều động về công tác ở Liên khu 3, tôi được làm việc với anh, đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ mà oanh liệt. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công và cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra, anh tham gia Bộ Chính trị, tôi trở về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lại có dịp làm việc, gần gũi anh.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, đi vào xây dựng hòa bình, anh Lê Thanh Nghị được phân công làm Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là thời kỳ đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, tôi đã có dịp làm việc với anh để cùng tìm tòi, khẳng định những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở, nhất là việc thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng tới từng gia đình và người lao động.

Gặp anh khi còn là một thiếu niên và những năm tháng sau này được làm việc với anh, hình ảnh của anh đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng và phong cách lãnh đạo của anh luôn là tấm gương sáng đối với tôi. Tôi thấy ở anh Lê Thanh Nghị là con người mẫu mực, bình dị, hiền từ, trầm tĩnh. Khi phát biểu ý kiến anh không nói dài như nhiều đồng chí khác. Khi nói, anh chậm rãi, giản dị, thiết thực và rất cụ thể. Trước những tình huống khó khăn, phức tạp, là một cán bộ lãnh đạo cấp cao anh luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, xuống cơ sở, đi sát thực tế nghiên cứu để chỉ đạo, đề ra chủ trương, phương sách sát hợp, đúng đắn. Anh chú trọng khêu gợi, lắng nghe những ý kiến khác nhau và mạnh dạn quyết đoán những chủ trương lớn để chuyển khó khăn thành thắng lợi. Trên cương vị lãnh đạo trong nhiều công việc lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, anh thực sự được đồng chí, quần chúng, bạn bè yêu mến và tin tưởng. Anh Lê Thanh Nghị cũng là một người hiếu học, có tinh thần tự học, tự nghiên cứu rất cao. Từ người thợ chỉ có văn hóa cấp 1, anh đã khổ công học tập, rèn luyện để có kiến thức chế tạo được vũ khí, khí tài trong kháng chiến. Anh cũng tự học nâng cao trình độ tiếng Pháp vốn có để có thể đọc sách kỹ thuật và viết báo, tranh luận...

Là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, trải qua các nhà tù của đế quốc, anh Lê Thanh Nghị có liên tục hơn 60 năm chiến đấu dưới cờ Đảng, khi công khai, lúc bí mật. Ở cương vị nào anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho, từ Bí thư Chi bộ, Tỉnh ủy viên đến Bí thư Liên khu ủy, Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Nghị đã có những năm tháng sống và chiến đấu ở vùng duyên hải đầy sóng gió. Khi Liên khu 3 được thành lập bao gồm hầu hết vùng đồng bằng Bắc Bộ, anh Lê Thanh Nghị, một người đứng đầu Đảng, chính quyền, quân đội của Liên khu luôn có mặt ở những nơi gay go, quyết liệt nhất. Anh đã tổ chức sản xuất vũ khí và chỉ đạo toàn quân khu, toàn chiến trường giành nhiều thắng lợi. Anh trở thành linh hồn của cuộc chiến đấu anh dũng của Liên khu 3.

Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, hòa bình lập lại, anh Lê Thanh Nghị được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách công nghiệp và kinh tế, tổ chức vận động thi đua yêu nước. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, anh đã có mặt ở những nơi bom đạn ác liệt của Vĩnh Linh, Quảng Bình... cùng các địa phương khắc phục khó khăn, tăng cường sức chiến đấu, chi viện miền Nam. Anh có mặt trên khắp các nẻo đường của thế giới để tiếp nhận sự chi viện về vũ khí, lương thực, trang thiết bị cần thiết cho cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng gay go, quyết liệt. Anh Lê Thanh Nghị trở thành một nhà ngoại giao xử trí linh hoạt, tế nhị, biết chờ đợi, kiên trì tranh thủ sự đồng tình của bè bạn. Anh đã từng giờ, từng phút tranh thủ sự ủng hộ của cả thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Viện trợ về quân sự, về kinh tế đã kịp thời đến với chúng ta. Bom đạn Mỹ không đẩy lùi được Việt Nam trở về thời đại đồ đá mà người thất bại là đế quốc Mỹ. Công của anh Lê Thanh Nghị rất to lớn.

Sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn, anh được phân công làm Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Anh đã góp phần rất quan trọng trong bước đầu đổi mới kinh tế nông nghiệp của đất nước. Cuộc đời anh Lê Thanh Nghị là một cuộc đời thanh bạch, giản dị theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Anh Lê Thanh Nghị đã đi xa nhưng lòng tôn kính, thương mến trong anh em, đồng chí và nhân dân vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ anh, một đảng viên trung kiên trong hoàn cảnh nào cũng kiên cường, bất khuất, luôn nêu gương cần, kiệm. Anh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

VŨ OANH
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nho-ve-nguoi-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-160779