Nhớ về ông – người truyền cho tôi ngọn lửa sống

Trong suốt hơn 10 năm học tập và sinh sống tại thành phố Ivanovo-thành phố cô dâu của nước Nga, tôi đã có rất nhiều trải nghiệm thực tế thú vị, nhiều kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Tuổi trẻ, tình yêu của tôi đều bắt đầu từ nơi đây, nơi dạy cho tôi trưởng thành từng ngày, nơi cho tôi kiến thức và bản lĩnh, cho tôi nền tảng vững chắc để tự tin vững bước trên con đường phía trước.

Khi tôi sinh ra (năm 1986) cũng là lúc ông ngoại, ông nội tôi đều lần lượt rời cõi trần về với miền đất yên bình bên một thế giới khác. Tôi lớn lên với tình yêu thương bao la, sự chăm sóc ân cần của bố mẹ, của gia đình nhưng thiếu vắng tình ông cháu. Tất nhiên tôi không hề để ý đến những cảm giác thiếu hụt đó khi còn quá nhỏ….30 năm sau (năm 2016) khi tôi mất đi người ông mà tôi có được may mắn gắn bó, chăm sóc suốt 6 tháng ngắn ngủi, tôi mới hiểu được những điều tưởng chừng như đơn giản như vậy và hiểu như thế nào là tình cảm ông cháu.

 Cô Irina và tôi cầm ảnh của ông tham gia vào Lễ diễu hành “Binh đoàn Bất tử” tại thành phố Ivanovo ngày 9 tháng 5 năm 2016.

Cô Irina và tôi cầm ảnh của ông tham gia vào Lễ diễu hành “Binh đoàn Bất tử” tại thành phố Ivanovo ngày 9 tháng 5 năm 2016.

Tôi đặt chân đến nước Nga vào ngày 23 tháng 9 năm 2005 khi mới tròn 19 tuổi, mới rời khỏi ghế trường phổ thông để bước những bước chân đầu tiên vào giảng đường đại học. Những tháng ngày đẹp nhất của thời “thanh niên sôi nổi” tôi đã được rèn luyện, được trau dồi chính tại xứ sở Bạch Dương, nơi đã vẽ lên “trang giấy trắng” là tôi những nét đầu tiên về cuộc sống tự lập, về một nền văn hóa mới lạ. Những khó khăn ban đầu trong sinh hoạt, giao tiếp, trong khác biệt về ngôn ngữ đã cho tôi nhiều hiểu biết về cuộc sống của sinh viên du học, cũng như những trải nghiệm thực tế rất hữu ích về cuộc sống sinh hoạt thường ngày ở nước Nga, tính cách con người Nga. Tôi đã bắt đầu gắn bó với nước Nga từ khi đó, mùa thu năm 2005…

Mùa hè 2011, tôi hoàn thành xong chương trình học, tưởng rằng đó sẽ là những ngày hè cuối cùng của tôi tại thành phố nhỏ bé Ivanovo, nhưng có lẽ duyên với nước Nga chưa hết các bạn ạ. Một lần nữa mùa thu năm 2011 tôi lại tiếp tục quay lại Nga để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình với một vai trò mới là nghiên cứu sinh. Mới có mấy tháng xa nhau, khi mà gặp lại bạn bè, thầy cô gắn bó với mình suốt 6 năm học đại học, tất cả cứ mừng vui khôn xiết như kiểu xa nhau lâu lắm rồi. Thật bồi hồi biết bao khi nhớ lại.

Tôi bắt đầu những ngày tháng đầu tiên của những năm tháng nghiên cứu sinh, với sự dìu dắt của cô giáo Irina – người đã dạy tiếng Nga cho tôi suốt 5 năm học đại học. Người cô mà tôi rất kính trọng và thương yêu. Cô không có chồng và con, cô chọn ở vậy để sống bên bố cô và chăm sóc ông hằng ngày. Người thân thứ hai của cô đó chính là một chú mèo xinh xắn được cô đặt với cái tên rất đỗi thân thương “Mushka”.

Lần đầu tiên được cô mời đến nhà chơi và được làm quen với bố của cô – ông Vasilevich, trong tôi đã có những ấn tượng, cảm giác thật khó tả, bởi thấy ông rất gần gũi, thân thiện và lạc quan yêu đời. Hơn 90 tuổi nhưng ông vẫn được cô con gái của mình phân công rửa bát bữa sáng, nấu món chính bữa chiều. Ông bảo được như vậy ông thấy mình sống còn ý nghĩa với con, với đời nên thích lắm. Có lẽ cũng chính những điều tưởng chừng nhỏ bé và giản dị đến vậy lại nuôi sống tâm hồn ông và cho ông nhiều cảm hứng để viết thơ, bởi ông đã xuất bản 7 tập thơ do chính mình sáng tác. Những bài thơ cho tôi nhiều động lực và nhiệt huyết để tiếp tục nghiên cứu và chờ đợi đến ngày bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau chặng hành trình không dễ dàng từ thành phố Ivanovo lên tận Moscow xa lạ để tìm Hội đồng bảo vệ....

 Ông Vasilevich tại lễ ra mắt một tập thơ của ông tại Trường đại học năng lượng thành phố Ivanovo năm 2012.

Ông Vasilevich tại lễ ra mắt một tập thơ của ông tại Trường đại học năng lượng thành phố Ivanovo năm 2012.

Có lẽ đều là duyên số các bạn ạ! Tôi và ông gắn bó với nhau hơn khi tôi chuyển hẳn từ ký túc xá đến nhà cô giáo để tiện chăm sóc ông bởi lúc đó sức khỏe của ông đã rất yếu rồi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là những ngày thu tháng 9 năm 2015. Suốt 6 tháng cuối đời đó của ông, ba chúng tôi đã sống cùng nhau như một gia đình nhỏ với những bữa sáng rất sớm, những bữa cơm trưa, chiều tràn đầy tiếng cười. Những câu chuyện của tôi về gia đình và cuộc sống ở Việt Nam, những buổi tối ấm áp ông, tôi và cô cùng xem tivi, cùng thảo luận sôi nổi về 1 nhân vật trong phim hay những lúc hai ông cháu ngồi gọt, cắt nấm để cô hong khô chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, những ngày đưa ông đi ra mắt tập thơ cuối cùng của cuộc đời mình, rồi còn được ông dạy nấu các món ăn Nga… những ngày tháng thật ý nghĩa biết bao trong cuộc đời du học sinh của tôi ở xứ sở Bạch Dương.

Tôi không những chỉ được học kiến thức giúp cho mình trang bị hành trang tự tin bước vào đời, được rèn luyện “bản lĩnh chiến đấu” qua những câu chuyện của ông kể về những gian nan trong cuộc chiến ác liệt những năm 1941 tại Nga để dũng cảm đương đầu với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mà tôi còn được sống trong tình yêu thương của ông và cô trên xứ sở Bạch Dương như tình yêu thương của chính người thân gia đình mình.

Tôi không thể nào quên được ngày 23 định mệnh đó của tháng 3, mùa tuyết tan năm 2016. 5 giờ sáng cô và tôi túc trực bên ông, xoa bóp tay và chân cho ông. Ông cầm chặt tay tôi, gọi tôi bằng tên Nga thân mật và nói với tôi: “Sonya, ông đi đây, ông rất cảm ơn cháu vì cháu đã ở bên ông suốt những tháng ngày cuối của cuộc đời, ông rất hạnh phúc và đã có thể thanh thản ra đi vì ông đã đợi được đến những ngày mà ông được nghe người cháu như cháu gọi ông bằng hai từ thân thương “ông ơi” mà suốt hơn 90 năm cuộc đời ông chưa một lần hạnh phúc khi được nghe thấy đến vậy. Hãy gắng lên nhé, chỉ còn 1 chút nữa thôi là cháu sẽ сhiến thắng trở về 1 cách vẻ vang như ông trước đây sau trận đánh…”. Hơi thở của ông yếu dần yếu dần…

Ngày tôi và người thân tiễn ông về bên kia thế giới là một ngày nắng đẹp, những tràng súng chỉ dành cho lễ tang của những người anh hùng vang lên như chào đón ông tôi về với đất, về với đồng đội của mình.

Cũng chính ngày đó 6 tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 2016 tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình tại Trường Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga. Trước ngày rời xa nước Nga tôi đã mua hoa đến thăm ông, mua món bánh ông thích, rót 1 ly trà mời ông và 1 ly trà cho mình, ngồi đó nói chuyện với ông. Trong tôi vẫn có cảm giác như ông đang ở bên rất gần rất ấm áp. Những cơn gió se se lạnh của mùa thu 11 năm trước như đang quay trở lại ôm trọn lấy tôi lần cuối trước khi tôi chào tạm biệt ông, chào tạm biệt nước Nga để về nước….

 Phần mộ của ông Vasilevich (vòng hoa trắng).

Phần mộ của ông Vasilevich (vòng hoa trắng).

Xa nước Nga đã tròn 3 mùa thu. Những ngày thu mùa thứ 4 đã bắt đầu và trong tôi lại tràn đầy hoài niệm về vùng đất với những con người gắn bó nơi đó. Dạo quanh Bờ Hồ một vòng trước khi vào cơ quan, lang thang chậm rãi lặng ngắm phố phường, ngắm người qua lại, trên môi hơi ấm pha vị đắng nhẹ của những giọt cafe, tôi cảm nhận rõ chút se lạnh của thu Hà Nội, nỗi nhớ nước Nga, nhớ ông lại trào dâng trong lòng. Những ngày tháng bên ông hiện lên trong tâm trí tôi, trước mặt tôi và tôi như thấy ông đang mỉm cười hạnh phúc với tôi vậy. Chỉ may mắn được chăm sóc ông trong những năm tháng cuối đời nhưng những tháng ngày đó đã cho tôi thêm biết bao kỷ niệm đẹp về tình ông cháu, về “tinh thần chiến đấu” với khó khăn trong cuộc sống, về sự lạc quan, yêu đời và cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho đam mê ở ông thậm chí khi đã hơn 90 tuổi. Nhờ những tháng ngày đong đầy tình mến thương đó mà tâm hồn tôi được nuôi dưỡng thêm khí chất của “tâm hồn Nga”.

“Cảm ơn ông – người đã truyền cho cháu ngọn lửa sống, yêu ông rất nhiều!”.

Cảm ơn nước Nga đã cho tôi được học, được sống, được trưởng thành, được yêu thương, lưu luyến và trân trọng suốt cuộc đời mình. Những kí ức đẹp của năm tháng sống trên nước Nga luôn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho tôi trong công việc và cuộc sống hiện tại, nhắc nhở tôi cần sống và làm việc thật tốt để có thể góp phần nhỏ bé của mình vun đắp hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

ĐẶNG THỊ HUẾ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/nho-ve-ong-nguoi-truyen-cho-toi-ngon-lua-song-635141