Nhọc nhằn chống dịch vùng cao

Những ngày qua, dịch Covid-19 hoành hành tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đối với các địa phương vùng cao, công tác phòng, chống dịch càng trở nên khó khăn.

Cùng người dân vượt qua dịch bệnh

Tháng 2, hoa đào, hoa mận vẫn còn lưu luyến khoe sắc xuân trước khi nhường chỗ cho mầm non đâm chồi nảy lộc. Các bản làng vùng cao thời gian này luôn được bao phủ bởi lớp sương mờ đục, dày đặc và buốt giá. Sương muối độc lắm, luồn qua áo xống, ngấm vào tận xương cốt, nhức buốt. Nhưng có những người ngày ngày vẫn phải cặm cụi rẽ màn sương đến các thôn, bản vùng cao.

Tuyên truyền cho người dân trước khi tiêm chủng.

Tuyên truyền cho người dân trước khi tiêm chủng.

Con đường độc đạo nối liền thôn Bản Pẩy đến trung tâm xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) chỉ có núi rừng mênh mông, hun hút. Trận mưa cách đây không lâu khiến con đường vốn đã khó đi càng thêm khó, đất sạt lở tứ tung, nước đọng thành vũng lớn kéo dài trên nền đường trơn trượt, có những chỗ nước chảy ngang đường, bào mòn từng vệt dài. Tiếng xe máy ga khét lẹt, khi trồi lên, lúc hụp xuống, khiến những người ngồi sau xe máy như tôi căng thẳng đến tột độ, vì tôi biết rằng trên con đường một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ cần sơ suất một chút là xảy ra tai nạn. Anh Trần Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố xuýt xoa: May cho phóng viên là hôm nay trời không mưa, chứ mưa như hôm qua thì anh em mình xác định đi bộ cho nhanh. Anh cũng khâm phục các cán bộ y tế thật, con đường này đàn ông đi còn vất vả, thế mà chị em trong trạm vẫn đi phăng phăng để đến với người dân trong thôn.

Sau quãng đường gian nan, hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà lợp ngói proximăng nằm cheo leo trên triền núi. Điều đặc biệt hơn là những ngôi nhà đó đều có một sợi dây buộc ngang trước cổng và một biển màu đỏ thông báo: “Gia đình có người đang thực hiện cách ly”. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thôn có 106 hộ nhưng có đến 10 trường hợp là F0 và 68 trường hợp F1. Với một thôn có 96% là hộ nghèo và cận nghèo, trình độ dân trí thấp, thì việc phòng, chống dịch khó khăn biết nhường nào. Chị Đoàn Linh Chi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Thu Phố chia sẻ với chúng tôi: Có nhiều người cả đời chỉ sống quanh quẩn trong thôn bản, họ không biết Covid-19 là gì, không biết F0 là gì. Đến khi biết mình mắc Covid-19, họ chỉ biết phó mặc cho cán bộ chống dịch. Những lúc như vậy, chúng tôi lại huy động lực lượng đưa họ đi cách ly, hỗ trợ bữa ăn cho họ.

Không chỉ thôn này mà hầu hết các thôn trong xã Hoàng Thu Phố cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ ban, ngành, đoàn thể trong xã như công an, dân phòng, văn hóa, đoàn thanh niên… đã khắc phục những khó khăn, chia sẻ công việc cùng lực lượng y tế đến từng nhà tuyên truyền, vận động và trấn an người dân vượt qua những nỗi sợ hãi để thực hiện tốt công tác phòng dịch.

Nhờ sự tận tâm, không ngại gian khó, đồng hành với người dân lúc họ cần mình nhất mà xã Hoàng Thu Phố từng bước khống chế được dịch bệnh trên địa bàn.

Người dân được khỏe mạnh là chúng tôi an lòng

Khi trời còn chưa sáng hẳn, sương mù chưa kịp tan, nhưng anh Vùi A Đình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cán Cấu (Si Ma Cai) cùng đồng nghiệp đã lên đường đến những hộ có người chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Những người này đa phần là người già neo đơn, hoặc tàn tật, họ không đủ sức khỏe để đến trạm y tế tiêm. Anh lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những người dân chưa được tiêm chẳng may mắc bệnh thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, ngoài việc triển khai tiêm tại Trạm Y tế xã, anh Đình quyết định cùng đồng nghiệp đến tận nơi tiêm phòng cho họ. Anh Đình tâm sự: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn xã, công việc của chúng tôi tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước. Có những hôm xuống thôn, bản tiêm phòng cho người dân, trở về đến nhà đã là nửa đêm.

Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà.

Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà.

Cũng như anh Đình, chị Sùng Thị Tám công tác tại Trạm Y tế xã Nàn Sán (Si Ma Cai) vất vả không kém. Mặc dù nhà gần trạm nhưng chị rất ít có thời gian về nhà, đặc biệt là sau tết, khi dịch bùng phát mạnh trên địa bàn xã thì thời gian chủ yếu của chị là ở trạm.

Ở vùng cao này, để thực hiện công tác chống dịch, đối với những cán bộ y tế là nam đã vất vả rồi, thì với những cán bộ y tế là nữ còn vất vả gấp bội phần. Trên những con đường quanh co, gập ghềnh sỏi đá, ngày ngày chị Tám lặn lội đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm phòng vắc-xin. Cũng có trường hợp người dân không hợp tác do chưa hiểu hết. Ở xã Nàn Sán có bao nhiêu thôn, có bao nhiêu hộ, hoàn cảnh của họ ra sao, chị đều nắm rõ. Chị bộc bạch: Mình không ngại khó khăn, vất vả, chỉ cần người dân được tiêm phòng đầy đủ, người dân được khỏe mạnh là mình thấy vui rồi.

Để bảo vệ sức khỏe cho người dân trước làn sóng dịch bệnh, những cán bộ y tế ở Si Ma Cai nói riêng, ở khắp nơi nói chung đều nỗ lực hết mình để mỗi người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Chị Hoàng Thị Hường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai tâm sự: Mặc dù công việc của cán bộ y tế thời gian qua rất vất vả, nhưng mọi người vẫn luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, vì họ biết người dân vùng cao cuộc sống vốn đã khó khăn, xảy ra dịch bệnh thì cuộc sống của họ vất vả gấp bội.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay cũng là một năm không quà, không hoa và những lời chúc không trọn vẹn, vì mối quan tâm lớn nhất của họ bây giờ là tập trung các biện pháp chống dịch. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ của cán bộ y tế ngày càng nặng nề, vất vả hơn. Cho dù là như vậy nhưng họ vẫn nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dịch bệnh sớm được dập tắt là món quà to lớn mà họ cần nhất lúc này.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353409-nhoc-nhan-chong-dich-vung-cao