Nhọc nhằn hành trình duy trì sự sống
Mang trong mình căn bệnh suy thận mãn tính, nhiều người phải gắn liền cuộc đời với những chiếc kim tiêm, máy lọc thận ở Khoa Nội - Thận - Khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với họ, duy trì sự sống là một hành trình đầy nhọc nhằn, nhưng họ vẫn luôn có niềm khát khao được sống, nỗ lực, kiên trì, chưa bao giờ có ý định từ bỏ…
Chồng chất những khó khăn
Có mặt tại Khoa Nội - Thận - Khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn mà hàng ngày người bệnh gặp phải. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, sức khỏe suy kiệt phải lọc máu 3 lần/tuần, liên tục nhiều năm để kéo dài sự sống. Khuôn mặt ai cũng teo tóp, ốm yếu, nước da xám xịt và mệt mỏi khiến mọi người không khỏi chạnh lòng. Từ là lao động chính trong gia đình, họ phải sống phụ thuộc vào người khác vì sức khỏe suy giảm, kinh tế gia đình dần suy kiệt.
Sau khi kiểm tra trọng lượng, huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, cán bộ y tế bắt đầu dùng hai cây kim lọc cắm vào tĩnh mạch của chị Mã Thị Nhung, 37 tuổi, xã Kim Quan (Yên Sơn). Dòng máu chảy nhanh trong ống dẫn nối vào những chiếc kim lớn để bắt đầu làm nhiệm vụ. Chị Nhung nằm yên trên giường bệnh, mong 3 tiếng rưỡi lọc máu trôi qua thật nhanh. Hơn 11 năm về trước, chị Nhung bị ho, mệt mỏi, ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Khi nhận được kết quả suy thận giai đoạn cuối, mọi thứ dường như sụp đổ với chị. Ở tuổi tràn đầy sức sống cùng bao hoài bão chưa kịp thực hiện, chị bắt đầu chuỗi ngày gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Thứ 2 - 4 - 6 hằng tuần, chị tự mình đến bệnh viện lọc thận để duy trì sự sống. Nhưng điều chị mặc cảm và thấy khổ tâm nhất là mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Ước mơ về một mái ấm gia đình cho riêng mình cũng là điều mà chị không dám nghĩ đến.
Anh Lương Văn Tám, xã Lực Hành (Yên Sơn) với dáng người gầy gò, làn da sạm đen, tay anh được cắm đầy ống truyền đỏ thẫm, cánh tay nổi nhiều u cục sau nhiều năm chạy thận. Nhà cách bệnh viện hơn 40 km lại không thuận tiện xe khách, nên đều đặn 3 lần mỗi tuần, dù trời mưa hay nắng, gió hay bão vợ lại chở anh đến bệnh viện lọc thận để duy trì sự sống. Anh là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, từ ngày phát bệnh đã 4 năm nay, sức khỏe anh suy giảm nhiều, mọi công việc gia đình đều do vợ anh gánh vác. Để chữa bệnh, tài sản trong gia đình cứ vơi đi dần…
Cũng chạy thận như chị Nhung, anh Tám, bà Triệu Thị Sơn, 67 tuổi, thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện (Sơn Dương) mặc dù được BHYT hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh, nhưng mỗi tháng vẫn phải gồng gánh nhiều khoản chi khác. Gần 3 năm chạy thận cũng là từng ấy năm vợ chồng bà phải ở trọ tại khu trọ của bệnh viện để tiện cho công tác chữa trị. Ông Phạm Văn Cường, chồng bà Sơn kể, để tiện chữa bệnh hai vợ chồng phải thuê nhà trọ ở. Tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống của hai vợ chồng cũng ngót gần 2 triệu đồng/tháng, rồi tiền thuốc men phát sinh cũng tầm 2 triệu đồng… Khoản tiền này, nếu không nhờ các con đóng góp mỗi đứa một ít hàng tháng thì không biết lấy đâu ra để chữa bệnh. Còn nước còn tát, bệnh của bà giờ chỉ mong ngày mai... như ngày hôm nay.
Quyết không bỏ cuộc
Căn bệnh quái ác đã vắt kiệt sức của họ. Thế nhưng, họ vẫn từng ngày cố gắng giành lấy sự sống, vẫn lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Anh Phạm Văn Trường, 29 tuổi, ở xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) phát hiện mắc bệnh viêm thận cấp khi đang nuôi ước mơ trở thành thợ làm bánh chuyên nghiệp. Chạy chữa, thuốc men nhưng không có kết quả. Đã 7 năm nay, anh Trường phải gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Bỏ đi ước mơ, tương lai và việc lập gia đình, anh mở một lò bánh mỳ nhỏ để phụ giúp gia đình, kiếm tiền chạy thận.
Ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, đáng lẽ được sống hết mình với những ước mơ, đam mê và cống hiến thì anh Nguyễn Trung Thành, 28 tuổi, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) lại từng ngày chống chọi với những cơn đau, bệnh tật. Anh Thành tâm sự, trong thời gian điều trị anh đón nhận tin vui khi biết mình có đứa con thứ hai. Niềm vui đi cùng lo lắng khi bài toán kinh tế đặt ra. Anh bàn với vợ, còn sức khỏe phải cố gắng lao động, nặng không làm được thì làm thuê những việc nhẹ nhàng để kiếm tiền nuôi con. Giờ anh làm thêm nghề Shipper (giao hàng). Chịu khó chắt bóp thì cũng đủ chi phí cho hai đứa đang đi học và hỗ trợ chi phí điều trị cho bản thân.
Hầu hết những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đều có hoàn cảnh khó khăn, thấu hiểu điều đó, các y, bác sỹ trong khoa luôn động viên, chia sẻ để người bệnh có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Theo bác sỹ Lý Thị Thơ, Trưởng Khoa Nội - Thận - Khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện tại Phòng Đơn nguyên thận nhân tạo có 16 máy chạy thận, đang thực hiện điều trị cho 146 bệnh nhân bị suy thận mãn, buộc phải chạy thận thường xuyên. Mỗi ngày có 73 bệnh nhân đến lọc máu. Hầu như ngày nào, khoa cũng hoạt động từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 12 giờ đêm. Bệnh nhân suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ từ 1 - 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3,5 - 4 giờ và phải điều trị suốt đời. Tuy 100% bệnh nhân chạy thận đã có BHYT, nhưng vẫn cần thêm thuốc bổ, thuốc tạo hồng cầu, thuốc trợ tim… trung bình mỗi bệnh nhân mất thêm 1,2 - 2 triệu đồng/tháng. Do phải điều trị lâu năm nên đối với các bệnh nhân thì đây vẫn là một khoản tiền không nhỏ.
Đối với các cán bộ, y bác sỹ trong khoa, mỗi người bệnh đều như người thân trong gia đình. “Ở đây, khi chia tay mọi người luôn muốn nói “Hẹn gặp lại”. Vì nếu còn gặp lại tức là bệnh nhân vẫn còn sống” - bác sỹ Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng Khoa Nội-Thận - Khớp chia sẻ.
Chia tay các bệnh nhân chạy thận khi nắng chiều đã tắt, chúng tôi vẫn nhớ mãi những khuôn mặt suy tư, nụ cười hiếm hoi hay hình ảnh cánh tay bệnh nhân đầy những u cục là vết tích của việc điều trị suy thận. Quá trình điều trị bệnh còn dài, sẽ còn nhiều khó khăn bệnh nhân phải vượt qua, nhưng mỗi người đều mang trong mình niềm tin vào sự sống, bởi bên cạnh họ còn có sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và các y, bác sỹ.