Nhọc nhằn nghề đúc tượng

Theo nhiều thợ làm nghề đúc tượng xi măng chia sẻ thì mỗi bức tượng dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua rất nhiều công đoạn mới thành phẩm. Đến với nghề bằng nhiều lý do nhưng để gắn bó với công việc này lâu dài, đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, chịu cực, tìm tòi, học hỏi.

Ở cái tuổi 66, ông Lê Khánh Long vẫn miệt mài với công việc, mọi người trong nghề thường gọi ông với cái tên thân thương là “Chú Năm Ve Keo”

Ở cái tuổi 66, ông Lê Khánh Long vẫn miệt mài với công việc, mọi người trong nghề thường gọi ông với cái tên thân thương là “Chú Năm Ve Keo”

Theo nghề phải yêu nghề

Trời nắng gắt, chúng tôi tìm đến một xưởng làm đồ mỹ nghệ tại ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Lúc này, xưởng có gần chục người thợ đang miệt mài với công việc của mình: Người thì trộn hồ, người thì lên khuôn, người thì chà nhám,...

Ở cái tuổi 66, ông Lê Khánh Long, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, vẫn nhanh nhẹn và tháo vát, một mình ông đẩy cát, xi măng, trộn hồ, đổ khuôn, chà nhám. Được biết, ông là thợ đúc tượng có nhiều năm kinh nghiệm nhất tại xưởng. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 10 tuổi, ông theo mẹ lên TP.HCM sinh sống, nơi ông ở cạnh nhà của ông Lê Văn Chánh - một trong những người làm nghề đúc tượng nổi tiếng lúc bấy giờ.

 Ông Lê Khánh Long vẫn nhanh nhẹn và tháo vát, một mình ông đẩy cát, xi măng, trộn hồ

Ông Lê Khánh Long vẫn nhanh nhẹn và tháo vát, một mình ông đẩy cát, xi măng, trộn hồ

Ông Long tâm sự: “Hồi nhỏ, gia đình tôi sinh sống ở xóm làm tượng Phật gần chùa Giác Hải (quận 6, TP.HCM), tôi ở cạnh nhà của thầy Lê Văn Chánh, thầy là một trong những người đúc tượng nổi tiếng nhất lúc đó. Hiện nay, con cháu của thầy vẫn tiếp tục nối nghiệp. Hàng ngày, sau giờ đi học, tôi sang nhà thầy để coi mọi người làm tượng, coi riết ghiền rồi đâm ra mê luôn. Năm 15 tuổi, tôi xin mẹ theo thầy học nghề, thấy tôi mê quá nên mẹ đồng ý. Theo nghề này, ai sáng dạ, siêng năng thì 2-3 năm là đúc tượng được. Tôi đã gắn bó với công việc này được 51 năm”.

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, ông Đỗ Văn Vũ (48 tuổi) hiện là thợ đúc tượng ở xưởng đồ mỹ nghệ tại ấp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức. Ông Vũ bộc bạch: “Vì hoàn cảnh khó khăn nên mười mấy tuổi, tôi lên TP.HCM theo thầy Chín Tài học nghề. Đến nay, tôi theo nghề cũng hơn 20 năm, đây là công việc gắn bó với tôi từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Làm nghề nào cũng vậy, chỉ cần mình có tâm với nghề thì nghề sẽ không phụ mình”.

Công việc này thường xuyên phải làm ngoài trời nắng

Công việc này thường xuyên phải làm ngoài trời nắng

Công việc lắm nhọc nhằng

Theo những người làm nghề cho biết, mỗi bức tượng dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua rất nhiều công đoạn mới thành phẩm, giá thành tượng dao động từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy vào kiểu dáng, kích thước và độ tinh xảo.

Ông Long cho biết: “Tùy theo từng loại tượng mà người thợ sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng. Đúc tượng từ xi măng thường có khuôn sẵn, sau đó sẽ tiến hành lên khuôn, làm nguội, gắn tay, chà giấy nhám, vẽ mặt, sơn màu cho tượng. Tôi phụ trách đúc tượng đến khi thành hình; công đoạn vẽ, phủ màu sẽ do bộ phận khác phụ trách. Đúc tượng chân dung là khó nhất, để tạo ra một bức tượng đẹp, ngoài sự cân đối về hình thể thì gương mặt quyết định sự thành bại của tác phẩm. Đối với tượng Phật Quan Âm thì mình phải làm cho gương mặt phúc hậu, tà áo bay có cảm giác mềm mại; Phật Di Lặc thì gương mặt tươi cười, hiền hòa; riêng đối với các tượng về các nhân vật lịch sử thì phải làm ra cái cốt cách, hào khí của người đó. Làm nghề này chủ yếu “nghề dạy nghề” là chính”.

Công việc này thường xuyên làm ngoài trời nắng, tiếp xúc nhiều với bụi, cát, xi măng

Công việc này thường xuyên làm ngoài trời nắng, tiếp xúc nhiều với bụi, cát, xi măng

Còn đối với ông Đỗ Văn Vũ, để làm được một bức tượng đẹp thì cảm xúc của người làm được xem là yếu tố quan trọng nhất. Ông Vũ cho biết: “Khi bắt tay vào việc, người thợ phải có tâm trạng tốt nhất, thoải mái nhất thì mới lột tả được cái “hồn” của bức tượng. Làm nghề này ngoài tỉ mỉ, khéo léo thì người thợ phải có niềm đam mê, tự tìm tòi, học hỏi thêm. Đặc biệt, phải có sức khỏe và chịu cực vì công việc này thường xuyên làm ngoài trời nắng, tiếp xúc nhiều với bụi, cát, xi măng,…”.

Phải tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra những bức tượng bằng xi măng mới biết đằng sau những sản phẩm đẹp mắt ấy là mồ hôi, công sức của biết bao người. Tuy nhiên, hiện nay, do sự cạnh tranh của các loại chất liệu khác nên cuộc sống của những người làm nghề đúc tượng xi măng cũng gặp không ít khó khăn. Đến với nghề là “duyên” nhưng để “trụ” được với nghề thì đòi hỏi những người thợ phải có niềm đam mê thật sự mãnh liệt với công việc này./.

Hoài An

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nhoc-nhan-nghe-duc-tuong-a101957.html