Nhóm bất động sản, chứng khoán tăng trần, VN-Index sát mốc 1.090 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch đầy hưng phấn với thanh khoản tăng mạnh và VN-Index tiến gần mốc 1.090 điểm.

VN-Index tăng gần 28 điểm, nhóm chứng khoán, bất động sản đua nhau tăng trần trong phiên 20/2. Ảnh: BNEWS/TTXVN

VN-Index tăng gần 28 điểm, nhóm chứng khoán, bất động sản đua nhau tăng trần trong phiên 20/2. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 20/2, VN-Index tăng 27,38 điểm lên 1.086,69 điểm. Khối lượng đạt hơn 682,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 11.705 tỷ đồng. Toàn sàn có 383 mã tăng giá, 42 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,88 điểm lên 215,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 91,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.444,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 50 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm nhẹ 0,11 điểm xuống 78,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 42,4 triệu đơn vị, tương ứng trên 527,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 213 mã tăng giá, 79 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.

Sắc tím ngập tràn tại nhóm cổ phiếu bất động sản, tạo đà bứt phá cho chỉ số VN-Index. Cụ thể, các mã AMD, API, CEO, DIG, DRH, DTA, DXG, FIT, HQC, LDG… tăng hết biên độ.

Sắc xanh lan tỏa ra các nhóm ngành, đáng chú ý nhất là nhóm chứng khoán với hàng loạt mã tăng kịch trần như: APG, APS, BSI, CTS, HCM, VIG, VND, VCI… Các mã trụ cột như SSI tăng tới 6,7%, SHS tăng 8,3%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn 2 mã là EIB và VBB giảm giá, SGB đứng ở tham chiếu. Tất cả 24 mã ngân hàng còn lại đều ở chiều tăng giá; trong đó có nhiều mã tăng mạnh như VPB tăng 5,8%, SBT tăng 5,3%, MBB tăng 4,4%, MSB và SHB đều tăng 4%...

Rổ cổ phiếu VN30 chỉ còn duy nhất VJC đứng ở tham chiếu, 29 mã còn lại ở chiều tăng giá; trong đó, NVL và PDR tăng kịch trần. Nhóm dầu khí không còn mã nào ở chiều giá đỏ, các mã BSR, OIL, PLX, PVB, PVD, PVC, PVS, PTV, POS tăng mạnh.

Thị trường tăng mạnh, nhưng hôm nay khối ngoại bán ròng nhẹ với hơn 90 tỷ đồng trên HOSE và 3,85 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 7,87 tỷ đồng trên HNX.

Theo báo cáo chiến lược về triển vọng thị trường chứng Việt Nam tháng 2/2023, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, trong ngắn hạn, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng thị trường đã xoay chiều sau khi giảm xuống mức đáy hai năm vào giữa tháng 11 năm ngoái, nhưng đà phục hồi này bị thách thức bởi một số trở ngại, bao gồm kết quả lợi nhuận thấp của các công ty niêm yết trong quý IV/2022 làm tăng mức định giá thị trường.

ACBS cũng cho biết, gần đây, Bộ Tài Chính đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đang trong quá trình phê duyệt, điều này sẽ hỗ trợ thị trường.

Mặc dù triển vọng kinh tế có một số dấu hiệu xấu đi khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy yếu, nhưng có một số tín hiệu tích cực thể hiện qua Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam và các quốc gia khác trên toàn cầu. Cùng đó, các điều kiện chung của nền kinh tế cho đến nay vẫn ổn định và được kỳ vọng sẽ sôi động hơn nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Định giá thị trường vẫn khá thấp so với mức trung bình trong lịch sử, có thể mang đến cho các nhà đầu tư dài hạn cơ hội tích lũy các vị thế ở mức định giá hấp dẫn.

Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng thị trường cổ phiếu niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết; làn sóng các hành động chống tham nhũng được thực hiện trên thị trường gần đây, mặc dù có đem lại một số khó khăn trong ngắn hạn, nhưng sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.

Việt Nam cam kết phát triển thị trường vốn và ACBS tin rằng việc tổ chức xếp hạng MSCI nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.

Cùng đó, các vấn đề vĩ mô toàn cầu đã tàn phá thị trường trong phần lớn thời gian của năm 2022 đang có xu hướng lắng xuống. Tỷ lệ lạm phát cao đang bắt đầu có dấu hiệu ổn định, giá các mặt hàng chính đang giảm từ mức cao vào đầu năm 2022 và kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023.

Theo chuyên viên phân tích từ ACBS, bà Nguyễn Thị Hòa, đồng USD suy yếu đã tạo lợi thế cho VND và giảm bớt áp lực tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Rủi ro lớn nhất hiện nay là lo ngại suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam và kéo lợi nhuận của các công ty liên quan đi xuống.

Bà Hòa cho biết, ACBS đang thận trọng theo dõi các số liệu công nghiệp và thương mại cũng như lạm phát, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023, nếu các điều kiện xấu đi đáng kể và cản trở sự phục hồi của thị trường chứng khoán./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhom-bat-dong-san-chung-khoan-tang-tran-vn-index-sat-moc-1-090-diem/281593.html