Nhóm cựu quan chức Mỹ bí mật thảo luận với Nga về Ukraine?
Một nhóm quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ được cho là đã tổ chức các cuộc thảo luận bí mật với những nhân vật Nga thân cận với Điện Kremlin nhằm mục đích đặt nền móng cho các cuộc đàm phán chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Tờ NBC News dẫn lời bốn cựu quan chức và hai quan chức đương nhiệm cho biết trong một ví dụ điển hình về ngoại giao ở hậu trường, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov “đã gặp các thành viên của nhóm Mỹ trong vài giờ vào tháng 4 tại New York”. Cuộc gặp diễn ra trong chuyến thăm hiếm hoi và ngắn ngủi của ông Lavrov tới Mỹ khi Nga trở thành chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hai bên “đã thảo luận về một số vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm tương lai vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ mà Ukraine có thể không bao giờ giành lại được, và việc tìm kiếm một con đường ngoại giao có thể được cả hai bên chấp nhận”.
Nguồn tin cho biết ông Lavrov đã gặp Richard Haass, một cựu quan chức ngoại giao và là chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Nhóm Mỹ cũng bao gồm chuyên gia châu Âu Charles Kupchan và chuyên gia về Nga Thomas Graham. Cả hai đều là cựu quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Haass và Kupchan đã viết một bài báo dài trên tờ Foreign Affairs trình bày những gì họ mô tả là “một kế hoạch để từ chiến trường đến bàn đàm phán”.
Trong tác phẩm có tiêu đề “Phương Tây cần một chiến lược mới ở Ukraine”, Haass và Kupchan dự đoán thế bế tắc rất có thể sẽ xuất hiện sau cuộc phản công của Ukraine và khuyến nghị Mỹ nên bắt đầu đặt nền móng để đề xuất một lệnh ngừng bắn trong đó cả Nga và Ukraine sẽ rút lực lượng khỏi tiền tuyến, “tạo ra một khu vực phi quân sự”.
“Một tổ chức trung lập - có thể là Liên Hợp Quốc hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu - sẽ cử các quan sát viên đến giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn và rút quân”, các cựu quan chức Mỹ viết. “Giả sử một lệnh ngừng bắn được duy trì, các cuộc đàm phán hòa bình sẽ diễn ra sau đó.”
Các cựu quan chức Mỹ có liên quan đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tất cả các nguồn đều từ chối nêu tên vì các cuộc đàm phán vốn được giữ bí mật.
Họ cho biết, một trong số các mục tiêu của cuộc gặp là giữ cho các kênh liên lạc với Nga luôn mở khi có thể và tìm không gian cho đàm phán, thỏa hiệp và ngoại giao trong tương lai về việc chấm dứt xung đột.
Hai trong số các nguồn tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đã biết về các cuộc đàm phán, nhưng không trực tiếp chỉ đạo. Các cựu quan chức tham gia cuộc họp với ông Lavrov sau đó đã “báo cáo với Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng”.
Các cuộc thảo luận được giới ngoại giao gọi là “ngoại giao kênh hai”, một hình thức gặp gỡ không chính thức liên quan đến các công dân chứ không phải chính phủ. Hoặc trong trường hợp cuộc gặp với ông Lavrov, có thể gọi là “ngoại giao kênh 1,5”, vì một bên tham gia đối thoại là quan chức chính phủ. Các cuộc gặp cấp cao, chính thức giữa chính phủ Mỹ và Nga về Ukraine rất hiếm.
Về phía Mỹ, các cuộc thảo luận có sự tham gia của một số cựu quan chức Bộ Quốc phòng, bao gồm Mary Beth Long, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng có kinh nghiệm về các vấn đề của NATO, theo hai nguồn thạo tin.
Ít nhất một cựu quan chức Mỹ đã tới Nga để thảo luận về xung đột Ukraine, hai trong số những nguồn tin cho biết.
Ngoài ông Lavrov, về phía Nga, các cuộc thảo luận còn có sự tham gia của các học giả, lãnh đạo từ các nhóm chuyên gia cố vấn hoặc viện nghiên cứu lớn, và những người khác trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của Nga được coi là thân cận với Tổng thống Nga Putin hoặc thường xuyên liên lạc với những người ra quyết định ở Điện Kremlin.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và Đại sứ quán Nga tại Washington từ chối bình luận về thông tin này.
Phản ứng của Ukraine
Một quan chức trong văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng họ sẽ không bình luận về các thông tin dựa trên các nguồn giấu tên, nhưng quan điểm chung của họ vẫn giữ nguyên.
“Lập trường của chúng tôi không thay đổi, tương lai của Ukraine không thể được quyết định nếu không có Ukraine. Nhiều lần tổng thống và các quan chức của chúng tôi đã nói về điều đó. Khá cụ thể và công khai”, quan chức này nói.
Các dấu hiệu đang gia tăng cho thấy Mỹ và các đồng minh của họ mong muốn Mátxcơva và Kiev tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình vào mùa thu sau khi cuộc phản công hiện tại của Ukraine kết thúc.
Trong một chuyến đi bí mật tới Kiev vào tháng 5, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã nghe các quan chức Ukraine nói về triển vọng thúc đẩy Mátxcơva tham gia các cuộc đàm phán hòa bình vào cuối năm nay.
Tuần tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thủ đô của Lithuania gặp gỡ các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những người đang báo hiệu rằng họ vẫn chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine vào liên minh. Và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần đã làm tăng tính cấp bách trong bối cảnh lo ngại đảng Cộng hòa sẽ giảm sự ủng hộ đối với Ukraine nếu giành chiến thắng.
Một câu hỏi quan trọng là liệu các cựu quan chức Mỹ có tiếp tục đàm phán sau cuộc nổi loạn hồi tháng trước của tập đoàn Wagner hay không. Các cuộc thảo luận cũng diễn ra song song với các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Nga về nhà báo Mỹ bị giam giữ Evan Gershkovich.
Các cuộc đàm phán dưới dạng “kênh hai” từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong ngoại giao Mỹ. Năm 1994, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tới Bình Nhưỡng (Triều Tiên) với tư cách là một công dân đang tìm cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chuyến đi đã trở thành vấn đề đau đầu đối với chính quyền Bill Clinton. Cuộc đàm phán “kênh hai” giữa người Israel và người Palestine cũng được ghi nhận là đã tạo điều kiện dẫn đến Hiệp định Oslo năm 1993.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Ukraine, việc các cựu quan chức Mỹ tiếp xúc không chính thức với Nga đã thu hút quan điểm trái chiều trong cộng đồng các nhà ngoại giao Mỹ, các học giả chính sách đối ngoại và các chuyên gia an ninh quốc gia.
“Tôi lo lắng về những thông điệp được truyền tải và tín hiệu ngầm cho thấy chúng tôi đang khao khát một thỏa thuận”, Bradley Bowman, cựu sĩ quan quân đội và trợ lý Thượng viện Mỹ nói. “Ngay bây giờ, những gì chúng tôi thực sự muốn làm là cô lập và gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.”
Michael McFaul, người từng là Đại sứ Mỹ tại Nga dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama, tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các kênh ngoại giao hậu trường trong bối cảnh hiện tại. Việc thảo luận về các giải pháp cho cuộc xung đột mà không có sự tham gia của Ukraine có thể làm suy giảm niềm tin vào tuyên bố của chính quyền Mỹ rằng “tương lai của Ukraine sẽ không được quyết định bởi các thỏa thuận ngầm giữa các cường quốc”.
“Nếu bạn đang có các cuộc thảo luận kênh hai về cách kết thúc xung đột, thì người Ukraine phải ở đó”, ông McFaul nói.
Matt Dimmick, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng thảo luận về các thỏa thuận tiềm năng với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine cuối cùng có thể làm giảm đòn bẩy của Kiev.
Dimmick nói: “Ukraine không cần và không muốn các bên trung gian tham gia và đưa ra các giải pháp ngừng bắn, sau đó lôi kéo châu Âu và Mỹ thúc ép Ukraine theo hướng đó. Ukraine nhận ra rằng con đường dẫn đến một tương lai an toàn của họ là vượt qua hàng rào phòng thủ của Nga và khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm ra con đường riêng của họ để rời khỏi Ukraine.”