Nhóm vũ trang đòi lập quốc gia riêng ở Mỹ

11 thành viên của nhóm vũ trang hạng nặng 'Rise of the Moors' đã bị bắt tại bang Massachusetts vào ngày 3/7. Nhóm này tự tuyên bố rằng họ ''không cần tuân theo luật Mỹ'.

1h sáng 3/7, cảnh sát Massachusetts ở thị trấn Wakefield nhìn thấy hai chiếc xe hơi đậu trên lề xa lộ Interstate 95. Những người đàn ông, được trang bị vũ khí nặng và mặc quần áo chiến thuật kiểu quân đội, đang tiếp nhiên liệu cho xe của họ.

Khi cảnh sát yêu cầu xem đăng ký mua vũ khí, những người này nói rằng họ không mang theo giấy phép sử dụng súng và nhóm của họ không công nhận luật của tiểu bang, theo Washington Post.

Nhóm người này tự coi mình là những người thành lập quốc gia có chủ quyền riêng.

Cảnh sát đã đóng tuyến cao tốc gần thị trấn Wakefield, cách phía Bắc của Boston khoảng 22,5 km, trong khoảng 9 tiếng, đồng thời kêu gọi cư dân địa phương trú ẩn tại chỗ.

Một vài thành viên của nhóm đối thoại với cảnh sát gần xe của họ trong khi những người còn lại tiếp tục ẩn náu trong rừng.

Trong buổi họp báo vào lúc 7h ngày 3/7, cảnh sát bang Massachusetts cho biết họ đang đàm phán với "Rise of the Moors" để khuyên nhóm này đầu hàng.

Đến khoảng 10h, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 11 người, tuổi từ 17 đến 40, trong đó có 8 người đã xác định được danh tính. Theo Văn phòng Ủy viên công tố Quận Middlesex, các nghi phạm đã bị buộc tội sở hữu trái phép vũ khí và đạn dược, cùng nhiều tội danh khác.

 Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt SWAT ở khu vực Wakefield, vào ngày 3/7. Ảnh: Boston Herald.

Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt SWAT ở khu vực Wakefield, vào ngày 3/7. Ảnh: Boston Herald.

Họ được xác định là thành viên của nhóm "Rise of the Moors", một nhóm "công dân có chủ quyền người Moor".

Tại Mỹ, cụm từ “công dân có chủ quyền” (sovereign citizen) thường được dùng để chỉ người phản đối việc đóng thuế, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của chính phủ. Những người theo chủ nghĩa này nói rằng họ là một phần của quốc gia có chủ quyền của riêng họ và do đó không phải tuân theo bất kỳ luật pháp nào của Mỹ.

"Rise of the Moors"

Theo trang web của nhóm, "Rise of the Moors" có trụ sở tại Pawtucket, bang Rhode Island, và là một trong 25 nhóm chống chính phủ đang hoạt động, được Trung tâm Luật Nghèo đói miền Nam (SPLC) xác định vào năm 2020.

Dù số lượng thành viên của "Rise of the Moors" là không rõ ràng, trang Facebook của nhóm có hơn 1.000 người theo dõi tính đến ngày 3/7. Trên Instagram, nhóm có hơn 5.000 người theo dõi và kênh YouTube có hơn 1 triệu lượt xem.

 Một trong những thành viên của "Rise of the Moors". Ảnh: WBZ.

Một trong những thành viên của "Rise of the Moors". Ảnh: WBZ.

Freddy Cruz, một nhà phân tích nghiên cứu của SPLC, cho biết: “Họ tin rằng họ có thẩm quyền về cơ bản để tự tách mình ra khỏi Mỹ. Vì vậy, họ làm những việc như từ chối nộp thuế, không lấy bằng lái xe, không đăng ký súng, và kêu gọi các thành viên của mình thách thức các luật liên bang đó”.

Phong trào “công dân có chủ quyền của người Moor” nổi lên vào giữa những năm 1990, có mối liên hệ với Moorish Science Temple, một giáo phái tôn giáo có từ năm 1913.

Năm 2016, Mark Pitcavage, thuộc Trung tâm Liên đoàn chống phỉ báng về Chủ nghĩa cực đoan, đã viết rằng các nhóm "chủ quyền người Moor" tuân thủ “quan điểm cho rằng người Mỹ gốc Phi có các quyền đặc biệt nhờ hiệp ước từ những năm 1780 với Morocco. Họ có niềm tin rằng người Mỹ gốc Phi là hậu duệ của người Moor gốc Phi, cũng như thường tin rằng người Mỹ gốc Phi là một dân tộc bản địa ở châu Mỹ”.

Trên trang web của mình, nhóm cho biết “chủ quyền và quốc tịch có thể được coi là đồng nghĩa với nhau”, và họ coi người Mỹ gốc Moor là “thổ dân” của châu Mỹ.

Trong một video vào ngày 3/7, một thành viên không rõ danh tính của nhóm nói: “Chúng tôi không chống chính phủ. Chúng tôi không chống cảnh sát, chúng tôi không phải là ‘công dân có chủ quyền’, chúng tôi không phải là những kẻ cực đoan da đen”.

Hiện vẫn chưa thể xác định rõ liệu "Rise of the Moors" có mối liên hệ với các nhóm “công dân có chủ quyền người Moor” khác hay không.

Ông Cruz nói: “Chúng tôi không biết đó có phải là một nhóm dân tộc hay không. Khó có thể theo dõi mối liên hệ giữa nhóm này với các tổ chức khác, vì họ có xu hướng hoạt động rất riêng”.

 Cảnh sát truy tìm các thành viên của nhóm "Rise of the Moors" đang ẩn nấp trong rừng. Ảnh: AP.

Cảnh sát truy tìm các thành viên của nhóm "Rise of the Moors" đang ẩn nấp trong rừng. Ảnh: AP.

Theo SPLC, các “công dân có chủ quyền người Moor” tự nhận thấy mình không cần phải tuân theo luật pháp địa phương, tiểu bang và liên bang. Nhiều nhóm nói rằng năm 1787, giữa Mỹ và Morocco đã ký một hiệp ước trao cho họ quyền miễn trừ này.

Trong cuộc giáp mặt với cảnh sát ngày 3/7, các thành viên của nhóm cho biết họ đang đến Maine để “huấn luyện” trên “đất riêng”. Vẫn chưa rõ nhóm này thực sự định đi tới đâu. Tuy nhiên, các nhóm “công dân có chủ quyền” thường đến các địa điểm xa xôi, nông thôn để huấn luyện bán quân sự.

Ông Cruz nói: “Rất nhiều trong số những nhóm này tổ chức các khóa huấn luyện kéo dài hai hoặc ba ngày cho thành viên của họ. Chúng tôi biết rằng họ đã tham gia khóa huấn luyện bán quân sự, nhưng không rõ nơi diễn ra. Có thể họ đến Maine”.

Trong một tuyên bố trên trang web của nhóm, Jamhal Talib Abdullah Bey, được xác định là "Người đứng đầu cơ quan lãnh sự Moor tại Mỹ", viết: "Tôi thực sự tin rằng hầu hết kỹ năng mà các bạn đã được rèn giũa qua khóa huấn luyện quân sự giúp nâng cao tinh thần dân tộc chúng ta và tất cả người Mỹ gốc Moor”.

“Danh dự, dũng cảm và trách nhiệm là giá trị của thủy quân lục chiến. Những giá trị tương tự mà mọi thủy quân lục chiến đều phải tuân theo hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cao cả về tình yêu, sự thật, hòa bình, tự do và công lý mà nhà chủ trương của chúng ta, El Hajj Abdul Ali đã hướng dẫn chúng ta sống theo”, người này nói thêm.

Những “người có chủ quyền Moor” tự xưng khác đã tham gia vào bạo lực trong những năm gần đây, thường nhắm vào các quan chức chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật.

 Cảnh sát bang Massachusetts chặn xa lộ Interstate 95 sau khi phát hiện nhiều đối tượng trang bị vũ khí. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát bang Massachusetts chặn xa lộ Interstate 95 sau khi phát hiện nhiều đối tượng trang bị vũ khí. Ảnh: Reuters.

Năm 2017, Markeith D. Loyd, tự xưng là “người có chủ quyền Moor”, đã bắn một cảnh sát Orlando khi bị truy nã vì tội giết bạn gái. Loyd đã bị kết tội giết người vào tháng 10/2019 và sẽ phải đối mặt với phiên tòa trong vụ giết chết sĩ quan Orlando trong năm nay.

Năm 2016, Gavin Eugene Long, được cho là thành viên của Washitaw Nation, một nhóm có "chủ quyền của người Moor", đã phục kích 6 cảnh sát, giết chết 3 người bằng súng trường ở Baton Rouge và đã chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.

Luận điệu mời gọi

"Rise of the Moors" đã khẳng định mối liên kết giữa các thành viên của nhóm và các dân tộc bản địa ở châu Mỹ.

Ông Cruz nói: “Đặc biệt, những nhóm ‘có chủ quyền người Moor’ này tin rằng dân tộc của họ bắt nguồn từ các nền văn minh cổ đại như người Aztec, người Olmecs, người Inca. Họ tin rằng chính phủ Mỹ không có quyền thực thi hoặc tạo ra luật ở các lãnh thổ mà họ cho là thuộc về mình, vì vậy họ tự coi mình là những người thành lập quốc gia có chủ quyền của riêng họ”.

Năm 2020 chứng kiến số lượng các nhóm chống chính phủ giảm, nhưng theo SPLC, số lượng hoạt động của các nhóm này đã tăng lên.

Ông Cruz nói: “Sự gia tăng hoạt động cho thấy rằng những nhóm ‘công dân có chủ quyền’ như 'Rise of the Moors' đang cố chiêu mộ người da đen và da nâu. Nhóm này nhấn mạnh rằng xã hội không công bằng và săn đón những người có thể tự cảm thấy mình thiếu may mắn, bằng cách hứa hẹn một xã hội công bằng và bình đẳng hơn”.

Hồng Ngọc

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhom-vu-trang-doi-lap-quoc-gia-rieng-o-my-post1234873.html