Nhu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012: Đáp ứng cung, cầu thị trường vàng

Vàng SJC bản chất là một loại vàng tiền tệ và vận hành trên cơ sở cung, cầu.

Vì sự mất cân đối, cung thấp và cầu gia tăng cho nên dẫn đến độ cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới.

Vì sự mất cân đối, cung thấp và cầu gia tăng cho nên dẫn đến độ cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới.

Do vậy, phải kiểm soát tốt thị trường vàng tiền tệ bằng các công cụ hiện có, cả những công cụ mới.

Chuyển động theo cung, cầu

Giá vàng miếng SJC thời gian qua tăng cao bất thường. Có thời điểm, giá vàng trong nước chênh hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng. Trước thực tế trên, mới đây Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định.

Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính, trước khi Nghị định 24/2012 ra đời thì hiện tượng đô la hóa và vàng hóa rất lớn trong nền kinh tế. Có nghĩa là người dân nhiều khi sử dụng ngoại tệ và vàng để mua bán các hàng hóa có giá trị lớn thay vì dùng tiền đồng. Chưa kể xuất hiện các hiện tượng đầu cơ, sốt nóng trên thị trường vàng.

Sau khi Nghị định 24/2012 được ban hành, thị trường vàng đã không còn những biến tướng trên và tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối. Hiện, đồng Việt Nam đã nâng cao vị thế.

Mục tiêu chống vàng hóa, đô la hóa đã hoàn thành cũng như đã thiết lập được trật tự thị trường vàng thì NHNN có thể xem xét giảm bớt việc độc quyền vàng miếng SJC. Bởi, NHNN đã độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và trong 10 năm qua gần như không tăng nguồn cung vàng miếng.

Một số ý kiến cho rằng, vàng không phải là mặt hàng bình ổn, không cần Nhà nước can thiệp mà nên để biến động theo cung cầu thị trường. Chuyên gia Lê Thanh Vân phân tích, nếu để giá vàng SJC tăng đột biến và hơn giá thế giới 16 - 20 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua có thể gây ra hiện tượng “sốt vàng”, kích thích nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, vì tâm lý “mua chỉ có tăng”. Về lâu dài, việc này có thể gây bất ổn chính sách tiền tệ, tỷ giá… Do đó, việc can thiệp bằng biện pháp thị trường để ổn định giá vàng SJC là cần thiết.

Nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng cung - cầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sửa cơ chế cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vừa để bình ổn thị trường vừa hạn chế tình trạng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang thu gom vàng trôi nổi, vàng lậu vốn nhiều rủi ro và gây thất thoát thuế.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định và quan trọng là tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm nhiều so với trước đây. Do đó, việc thay đổi chính sách quản lý vàng là cần thiết. NHNN nên gia tăng nguồn cung vàng miếng SJC hoặc NHNN là phía mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng.

Quy định phù hợp theo thị trường

Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, NHNN quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song Nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC.

Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, sau hơn 10 năm tồn tại thì Nghị định 24 cần sửa đổi, vì không còn phù hợp với diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại. Theo đó, VGTA đã kiến nghị NHNN sửa đổi các quy định quản lý thị trường vàng cho phù hợp hơn trong bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi.

Theo ông Khánh, VGTA đã có kiến nghị về việc sửa đổi Nghị định 24, để không thể còn độc quyền thương hiệu, đẩy giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng.

“VGTA mong muốn sớm được sửa đổi Nghị định 24, song phải có sự cho phép từ Chính phủ và NHNN, do còn phải dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi, sau đó trình lên các bộ ngành, Thủ tướng..., nên cũng phải cần có thời gian”, ông Khánh nói.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VGTA cũng cho hay, về hành lang pháp lý cần đổi mới chính sách quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng: Thay đổi Nghị định 24, chính sách thuế và sửa đổi luật đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước mắt, các doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.

Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương có các giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng; ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Cũng tại công điện, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.

Trước sự chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN cũng khẳng định sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 24.

“NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, cần thiết sẽ có phương án can thiệp. Trong tháng 1/2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý thị trường phù hợp với diễn biến trong tình tình mới”, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà thông tin.

NHNN cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng với giao dịch vàng để tránh rủi ro. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan khác để tăng cường quản lý thị trường vàng, tránh những xáo trộn gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhu-cau-sua-doi-nghi-dinh-242012-dap-ung-cung-cau-thi-truong-vang-post667297.html