Nhu cầu sụp đổ, Covid-19 đe dọa hơn 4 triệu việc làm ngành dệt may ở châu Á
Châu Á là thị trường chủ chốt của hoạt động sản xuất hàng dệt may và rất nhiều việc làm trong khu vực bị đe dọa, có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội ở những nước dựa vào xuất khẩu như Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc.
Ngành dệt may đang chứng kiến lượng cầu sụp đổ do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đặt hàng triệu việc làm trên khắp châu Á vào thế hiểm nguy.
"Trên khắp cả ngành, các cửa hàng đóng cửa, các thương hiệu và nhà bán lẻ đang ở trong tình trạng dư cung với mọi mặt hàng. Họ lo sợ rằng sẽ không thể bán được hàng, do đó có rất nhiều đơn hàng bị hủy hoặc hoãn nhận hàng", Stanley Szeto, Chủ tịch của Lever Style, 1 doanh nghiệp ở Hồng Kông cho hay.
Trong số các khách hàng của Lever Style có Hugo Boss và Everlane.
Châu Á là thị trường chủ chốt của hoạt động sản xuất hàng dệt may và rất nhiều việc làm trong khu vực bị đe dọa, có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội ở những nước dựa vào xuất khẩu như Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc, Szeto phát biểu trên chương trình "Squawk Box" của CNBC.
"Rất nhiều nhà máy ở châu Á sẽ không có đơn hàng trong vài tuần nữa", ông nói.
Ví dụ, ngành dệt may của Bangladesh đã bị rút lượng đơn hàng tổng trị giá 2,6 tỷ USD, và con số sẽ còn tang lên. Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Hơn 4.600 nhà máy ở Bangladesh sản xuất áo sơ mi, áo phông, áo khoác, áo len và quần âu. Hầu hết các mặt hàng được xuất sang châu Âu, Mỹ và Canada. Đây là nguồn cung cho nhiều nhà bán lẻ ở những quốc gia này.
"Tình trạng khẩn cấp hiện nay rất, rất khó đối phó bởi vì mỗi ngày họ đều nhận được tin hủy đơn hàng gần như là mỗi phút", Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội dệt may và xuất khẩu Bangladesh nói.
Theo hiệp hội, hàng dệt may gia công chiếm tới 84,21% tổng kim ngạch xuất khẩu 40,5 tỷ USD của Bangladesh trong năm tài khóa 2018-2019. Bà Hug cho biết nhiều công ty thậm chí không có đủ tiền để trả lương tháng 3.
"Thứ tôi lo ngại là điều gì sẽ xảy ra với 4,1 triệu nhân công của ngành này". Tuần trước bà đã làm 1 video kêu gọi các thương hiệu thời trang quốc tế sớm thanh toán tiền hàng và vẫn tiếp nhận các đơn hàng đã lỡ sản xuất.
Đại dịch đã khiến toàn bộ hệ thống logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Và giờ sau khi các nhà máy ở Trung Quốc đã có thể hoạt động trở lại, giải nguy phần nào cho chuỗi cung ứng thì ngành dệt may lại phải đối mặt với vấn đề khác: lực cầu.
"Cách đây 1 tháng chủ đề nóng bỏng là gián đoạn chuỗi cung ứng… nhưng ở thời điểm hiện tại, vấn đề đó đã bị lãng quên", ông Szeto nói.