Như đóa sen tỏa ngát hương đời

Như đóa sen tỏa ngát hương đời

“Cuộc đời dâu bể mênh mông

Các con ngụp lặn giữa dòng sông xô

Chữ tài thánh lối con về

Chữ tâm chữ đức song kề đời con

Nghe con, lời mẹ dạy khuyên

Thế là con đã đền ơn mẹ rồi”

Những dòng lưu bút gan ruột thấm đẫm triết lý nhân sinh từ người mẹ vừa khuất núi được con cháu chia sẻ sau tang lễ đã đưa tôi tìm về cuộc đời bà Nguyễn Thị Liên - nữ cán bộ hưu trí hơn 65 năm tuổi Đảng, người đồng chí thân thiết của Tổ dân phố cơ khí Yên Viên và Đảng ủy chính quyền xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Sôi nổi, lạc quan và nhiệt huyết

Bà là tiêu biểu cho mẫu phụ nữ Việt Nam bình dị mà cao quý, tuổi cao trí bền, luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, thông minh, năng động, sáng tạo, nhân ái, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp to lớn vào phong trào chung của xã hội.

Xuất thân từ gia đình trí thức dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Can Lộc - Hà Tĩnh nổi tiếng có truyền thống văn hiến. Những năm 60 đế quốc leo thang đánh phá miền Bắc, các thế hệ cán bộ công nhân phải đi sơ tán những nơi rừng thiêng nước độc. Chồng công tác xa, bà Liên vừa đảm đương công việc, vừa nuôi dạy hai con, vừa học tập nâng cao trình độ. Đó có lẽ là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất nơi đất khách quê người. Nỗ lực không ngừng vươn lên của bà là tấm gương sáng cho các em, các con noi theo.

 Những đồng nghiệp, hàng xóm nhiều năm gắn bó đồng hành, khi nhắc tới bà Nguyễn Thị Liên đều ấn tượng với sự sôi nổi, vui vẻ, lạc quan và nhiệt huyết của bà

Những đồng nghiệp, hàng xóm nhiều năm gắn bó đồng hành, khi nhắc tới bà Nguyễn Thị Liên đều ấn tượng với sự sôi nổi, vui vẻ, lạc quan và nhiệt huyết của bà

Trước khi nghỉ hưu, bà Liên công tác tại trạm y tế nhà máy cơ khí Yên Viên. Trưởng thành từ y tá lên y sĩ và học nâng cao trở thành bác sĩ, từng giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm y tế chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho một trong những cái nôi của ngành công nghiệp Việt Nam - Nhà máy đã có thời điểm quản lý hàng ngàn cán bộ, công nhân lao động, quy mô Trạm xá Nhà máy có giường điều trị lưu trú và phòng khám riêng biệt. Với thế hệ phụ nữ sinh ra, trưởng thành cùng những năm tháng trường kỳ kháng chiến của dân tộc, trình độ bác sỹ như bà Liên thật sự rất có giá trị.

 Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng đồng nghiệp Nhà máy cơ khí Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng đồng nghiệp Nhà máy cơ khí Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Đối với một số người làm việc là hạnh phúc và lạc thọ, cấm họ làm việc là họ sẽ thấy rất khổ”. Điều đó lý giải vì sao bà Liên luôn say mê với những công tác xã hội đến khi tuổi rất cao. Những đồng nghiệp, hàng xóm có nhiều năm gắn bó đồng hành, khi nhắc tới bà Liên điều ấn tượng nhất với họ đó là sự sôi nổi, vui vẻ, lạc quan và nhiệt huyết của bà. Hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi vẫn giữ được một phom dáng cao ráo thanh thoát, nhanh nhẹn hoạt bát trong tất cả các hoạt động đoàn thể của khu dân cư như bà Liên sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân khu phố.

Đi tới đâu là thấy lời chào, tiếng cười thân thiện vui vẻ vang lên ở đó.

Luồng gió mát trong lành thổi tràn trong xóm nhỏ

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đang là chiến lược trọng tâm của Quốc gia nhằm ổn định an sinh xã hội, sự có mặt của đội ngũ những tình nguyện viên, cộng tác viên đồng hành với chính quyền xã vô cùng quan trọng. Vừa là người năng nổ nhiệt tình, lại có chuyên môn y tế, bà Liên cùng Chi hội phụ nữ lăn lộn với cơ sở, đến từng nhà, vận động từng người không nề hà mưa nắng, trong khi không có chế độ phụ cấp gì. Thời gian rảnh, bà quy tụ chị em bạn hữu trong khu dân cư phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi từ chơi bóng chuyền đến tập khí công dưỡng sinh.

 Bà Nguyễn Thị Liên phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi

Bà Nguyễn Thị Liên phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi

Bà Vũ Thị Sinh - 73 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố bồi hồi nhớ lại: “Bà Liên là người đa tài và nhiều đam mê. Với chiếc xe đạp cũ, bà cần mẫn theo các nhóm tập dưỡng sinh ở xã, huyện về hướng dẫn lại cho chị em trong khu. Bà tập rất khéo và nắm bắt rất nhanh các động tác mới”.

Bà Liên như luồng gió mát trong lành thổi tràn trong xóm nhỏ. Những phụ nữ cao niên tìm thấy niềm vui và nụ cười yêu đời trong các hoạt động phong trào, đoàn kết gắn bó hơn. Tính bà Liên thẳng thắn, ôn hòa, ai cần giúp đỡ là sẵn sàng giúp trong khả năng của mình, luôn san sẻ, vun đắp dành cho người khác những gì tốt đẹp nhất.

 Bà Nguyễn Thị Liên phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi

Bà Nguyễn Thị Liên phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao sôi nổi

Hơn 30 năm trước, ông Nguyễn Hữu Kế là người đàn ông góa vợ nuôi 2 con nhỏ sống trong khu tập thể dưới sự đùm bọc giúp đỡ của bà con láng giềng. Bà Nguyễn Thị Nhẫn công tác ở cơ quan khác, sống gần khu tập thể và chưa có gia đình. Nhận thấy ông Kế là người tốt bụng, chịu thương chịu khó, bà Nhẫn hiền lành đôn hậu, bà Liên đã “vén tay” tác thành cho hai người. Bà Nhẫn về góp gạo thổi cơm chung cùng ông Kế, hai người không có con chung nhưng cùng nhau chăm sóc dạy dỗ con riêng của ông Kế trưởng thành, ai cũng hiếu thuận với bố mẹ. Mặc dù tất bật chăm sóc cho ông Kế bị tai biến nhưng khi tôi hỏi “Bây giờ cho làm lại cô có lấy chú Kế nữa không?” Bà Nhẫn không ngần ngại gật đầu: “Tôi rất hạnh phúc với cuộc hôn nhân này, tôi biết ơn chị Liên đã vun vén tác thành cho tôi”.

Bà Liên là thế! Bà đi tới đâu là thấy lời chào, tiếng cười thân thiện vui vẻ vang lên ở đó.

 Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng các Đảng viên Đảng bộ xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng các Đảng viên Đảng bộ xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Viên, ông Nguyễn Văn Kỷ bồi hồi khi nhắc đến nữ cán bộ cơ sở ấy. Hơn ai hết, ông Kỷ là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn và có nhiều năm gắn bó với chính quyền xã Yên Viên. Nhắc tới bà Liên, ông Kỷ xúc động: “Sự ổn định và phát triển của Đảng bộ chính quyền xã Yên Viên huyện Gia Lâm sẽ không thể đạt thắng lợi nếu thiếu đi vai trò của những cán bộ dân vận như bà Liên. Họ là những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn được dân tín nhiệm, cán bộ yêu quý và kính trọng”.

Ông Kỷ vẫn nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ đảm đang, nhiệt huyết với chiếc xe đạp cũ luôn có mặt đúng giờ trong các cuộc họp, tập huấn hay các sự kiện của xã. Lần nào lên xã họp, bà cũng ghé qua phòng Chủ tịch hỏi thăm công việc, gia đình và động viên tinh thần để cán bộ trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Người xây “tổ ấm”

Khi hỏi chuyện về bà Liên, người chị, người bạn lớn đã khuất, bà Sinh cố nén giọt nước mắt lăn dài khi nhớ lại mấy chục năm là hàng xóm thân thiết tối lửa tắt đèn, vui buồn có nhau. “Bà Liên giỏi tính toán, thu vén lắm nên những năm tháng ông đi công tác xa nhà liên miên, bà vẫn bảo đảm được cho hai người con trai được ăn học đầy đủ. Bà liêm khiết, thanh sạch không muốn vay mượn làm phiền ai cả” – Bà Sinh kể lại.

 Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng người thân trong gia đình

Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng người thân trong gia đình

Anh Vũ Thành Long, con trai cả của bà Liên nhớ lại: “Sinh thời có lần ngồi nói chuyện về sự nghiệp mẹ hỏi tôi: Con có biết vì sao người ta tín nhiệm bầu mẹ làm Trưởng trạm y tế không? Vì mẹ có trình độ, là người giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ chuyên môn học nâng cao - anh Long tự hào trả lời. Bà Liên mỉm cười độ lượng: Không phải. Họ bảo với mẹ rằng “Tôi ủng hộ bà vì một lần cơ quan được chia đàn gà, trong khi nhiều người còn chần chừ chưa nhận thì bà đã nhanh ý chọn ngay cho mình con nhỏ nhất, nhường phần hơn cho người sau”.

Anh Long kể: “Có những việc mẹ tôi làm khi còn trẻ tôi không thể hiểu được thì giờ ngẫm lại mới thấm. Nhớ những năm bao cấp nhà nhà thiếu ăn, mẹ tôi cũng chật vật áo cơm như bao người, thậm chí đến giờ bà vẫn nổi tiếng là người chắt chiu, tiết kiệm. Nhưng trái với hoàn cảnh, bà đối xử với mọi người rất tốt bụng. Có lần mẹ mua được con cá tươi cắt khúc nấu nồi canh rất ngon. Tôi khi ấy tuổi mới lớn, đi học về thấy mâm cơm ngon quá liền sà vào. Mẹ từ tốn múc 1 bát canh có khúc cá ngon nhất bảo tôi: “Con bê bát canh này mang biếu bác T. Bác sống 1 mình ăn uống chắc cũng khó mà chu đáo được”.

Tôi không dám cãi lời, phụng phịu bê bát canh vừa đi vừa ấm ức. Cái bụng đói sôi réo, bát canh tỏa mùi thơm phức hấp dẫn, con đường dốc lên nhà người đồng nghiệp của mẹ sao mà xa thế??? Thực sự lúc đó tôi giận mẹ lắm. Nhưng sau này anh em chúng tôi đi học, đi làm… luôn may mắn được mọi người giúp đỡ, đó là giá trị từ những việc làm nhỏ mà mẹ làm hàng ngày với mọi người”.

 Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng người thân trong gia đình

Bà Nguyễn Thị Liên chụp ảnh cùng người thân trong gia đình

Anh Minh Hiệp - người bạn học thuở thiếu thời của anh Long (con trai cả bà Liên) đồng thời là hàng xóm sống chung khu tập thể với bà Liên cũng khẳng định, bà Liên sống nhường nhịn, tiết kiệm lắm! Bà nghiêm khắc và rèn dạy con thì không ai bằng, dù lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng có uy lực.

Anh Long nhớ lại: “Hồi đó tôi học cấp 2, thông minh nhưng ham chơi và liều lĩnh. Một lần tôi phạm lỗi, mẹ gọi tôi “Long muốn nghe chuyện không để mẹ kể cho nghe nha!”.

Đó là câu chuyện về Thành Thật và Thông Minh cùng đi ngao du trên 1 chiếc thuyền thì gặp nạn và được chiếc thuyền khác cứu giúp, nhưng cơ hội chỉ dành cho 1 người. Thông Minh giành ngay cơ hội, đẩy Thành Thật xuống nước, Thành Thật bị sóng cuốn trôi dạt vào hoang đảo. Ở đó, Thành Thật đã lần lượt thấy thuyền của Sung Sướng, Địa Vị, Cạnh Tranh đi qua nhưng tất cả đều từ chối cứu cậu. Vào lúc nguy nan và tuyệt vọng nhất thì chợt nghe thấy một âm thanh vừa đôn hậu vừa thân thiết: “Cậu bé! Hãy lên thuyền đi!”

Thành Thật nhìn lên thì nhận ra đó chính là ông lão Thời Gian, bèn hỏi: “Vì sao ông lại cứu tôi?” Ông lão Thời Gian mỉm cười đáp: “Chỉ có thời gian mới có thể chứng minh được thành thật là quan trọng đến mức nào!”

Trên hành trình trở về nhà, ông lão Thời Gian chỉ vào những con thuyền bị sóng đánh lật mà trên đó có chở Thông Minh, Sung Sướng, Địa Vị, Cạnh Tranh rồi trầm mặc nói: “Đã không còn Thành Thật, thì Thông Minh sẽ chỉ làm hại chính mình, Sung Sướng sẽ không được lâu dài, Địa Vị chỉ là thứ giả tạo và Cạnh Tranh cũng sẽ thất bại mà thôi!”.

Đó là bài học triết lý đầu đời khắc sâu trong tâm khảm của doanh nhân Vũ Thành Long có ảnh hưởng đến quan điểm kinh doanh của anh trong sự nghiệp sau này.

Những phẩm hạnh bình dị mà cao quý

Bà Liên là đại diện cho thế hệ những người phụ nữ truyền thống trong đời sống hàng ngày bình dị mà cao quý. Dù mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, suy nghĩ về vẻ đẹp của người phụ nữ có thể không đồng điệu, nhưng những phẩm chất làm nên cốt cách tâm hồn người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn hiện diện, tỏa sáng ở mọi thời đại và đáng được tôn vinh.

Tôi hỏi bà Sinh, người bạn gần gũi nhất với bà Liên: “Cô và hàng xóm láng giềng có biết nhiều về những người con trai, con dâu bà Liên không? Theo cháu biết họ là những doanh nhân thành đạt và có những đóng góp tích cực cho xã hội”.

Bà Sinh lắc đầu: Chúng tôi chỉ mừng cho chị ấy vì con cái phương trưởng tự lập, có thời gian để sống với đam mê nhiệt huyết của mình, giúp đỡ gần gũi người xung quanh. Ngoài ra, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của ông bà ấy cũng bình dân như chúng tôi. Hàng ngày, bà tự tay cơm nước cho ông và dọn dẹp nhà cửa. Bà Liên là bác sĩ, giữ thói quen ăn uống sinh hoạt rất điều độ chừng mực. Bữa cơm của ông bà thường đơn giản.

Bà Sinh khẳng định, các con trai con dâu bà Liên rất hiếu thuận, quan tâm chăm sóc mẹ chu đáo và bà Liên rất hài lòng về con cháu. Nhưng dường như bà tách biệt cuộc sống của mình khỏi các con để con cái tự do, tự chủ. Bà từ chối mọi sự xa xỉ tiện lợi, ngay cả việc thuê người dọn nhà cũng chỉ đến khi ốm mệt không kham nổi nữa bà mới chịu. Lúc nào cũng chỉn chu sạch sẽ nhưng giản dị lắm.

Anh Vũ Thành Long nghẹn ngào kể: “Cho đến những ngày cuối đời tuổi cao bệnh trọng, mẹ tôi vẫn chủ động tài chính từ tiền tiết kiệm mà con cái chưa phải lo gì cả! Ngoài ngôi nhà tập thể được phân nơi ông bà sống ổn định bao năm, thời trẻ mẹ tôi cũng tiết kiệm chắt chiu mua được một mảnh đất ở trung tâm xã. Lúc trước đó là nguồn thu nhập thêm thắt vào cuộc sống của hai ông bà. Còn giờ là món quà ông bà tặng lại cho anh em chúng tôi. Mẹ tôi luôn công bằng như vậy”.

Với cuộc đời bà sôi nổi, nhiệt huyết bao nhiêu thì trong lòng, bà trầm tư sâu lắng bấy nhiêu. Cả đến chuyến đi xa vĩnh viễn tạm biệt mọi người bà cũng chuẩn bị chu đáo. Bà có một cuốn sổ nhỏ trong đó ghi lại những lời dặn dò con cháu, dạy đối nhân xử thế, dạy lẽ sống, dạy sự thuận hòa được bà chuyển hóa thành thơ cho dễ nhớ, dễ đọc.

Từng lời tri ân, cảm ơn dành cho mọi người trong giờ phút tiễn biệt cũng được bà soạn sẵn cho con. Bà không thể biết được đã có những lãnh đạo cấp quốc gia đến viếng bà, nhưng bà trân trọng tấm lòng của bà con lối xóm, chính quyền đoàn thể và đồng nghiệp, họ hàng thân quyến nên bà vẫn trọn vẹn đến từng chi tiết.

Có ai đó nói rằng: “Đời người ta giống như tấm cửa kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng. Nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự chỉ hiển lộ nếu có ánh sáng hắt ra từ bên trong”. Cả đến khi rời xa cõi tạm nhẹ như lá rụng về cội, người phụ nữ can trường và mạnh mẽ, người Đảng viên ưu tú ấy vẫn tặng lại cho đời một ký ức đẹp đáng để lan tỏa, suy ngẫm.

Xin mượn lời nhà văn Anh Khang từng chia sẻ với giới trẻ để kết thúc bài viết này: “Sống đẹp nghe có vẻ hoặc có thể nghĩ là to tát nhưng nó có thể xuất phát từ những điều rất bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta biết trân trọng và biết ơn từng hơi thở, từng khoảnh khắc mà ta đang nhận được đã là khoảnh khắc đầu tiên chúng ta sống đẹp rồi. Tâm hồn mỗi người chúng ta là mảnh vườn thuần chất và nguyên sơ nhất. Nếu chúng ta biết gieo trồng sự tử tế từ những điều nhỏ nhặt nhất mỗi ngày thôi thì nó sẽ nở ra những điều bác ái, bao dung”.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhu-doa-sen-toa-ngat-huong-doi-post395568.html