Như Thanh: Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND, ngày 23/4/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt Chương trình 1719); Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 4/5/2024 của UBND huyện Như Thanh về triển khai thực hiện Chương trình 1719 năm 2024 trên địa bàn huyện, trong đó có nội dung Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN và kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình 1719, huyện Như Thanh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, thu được những kết quả rõ nét.

UBND huyện Như Thanh tổ chức hội nghị tập huấn nội dung số 3, Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình 1719 tại xã Phú Nhuận năm 2024.

UBND huyện Như Thanh tổ chức hội nghị tập huấn nội dung số 3, Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình 1719 tại xã Phú Nhuận năm 2024.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 về “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia” thuộc Dự án 10, UBND huyện Như Thanh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, giao Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp thực hiện nội dung số 1 về “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín” và nội dung số 2 “PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS"; Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp thực hiện nội dung số 3 “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS”.

Ông Phạm Văn Sang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Như Thanh cho biết: Năm 2023, Phòng Dân tộc đã tham mưu với UBND huyện tổ chức Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN với 156 đại biểu tham dự; tham mưu cho huyện ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND, ngày 8/6/2023 về việc tổ chức thực hiện, phát huy vai trò người có uy tín, PBGDPL, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền. Trong đó, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL tại các xã thuộc vùng dự án; tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, gặp mặt lãnh đạo huyện với người có uy tín. Năm 2024, Phòng Dân tộc tiếp tục chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, địa phương, tham mưu với UBND huyện triển khai thực hiện các nội dung số 1, nội dung số 2 của Dự án 10 như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín; học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh; các tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, XDNTM, đảm bảo an ninh, chính trị; một số kinh nghiệm về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục trong đồng bào DTTS trong và ngoài tỉnh. PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bằng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn, phát tờ rơi. Xây dựng cụm pa-nô tuyên truyền tại các xã (Cán Khê, Xuân Du, Phượng Nghi, Mậu Lâm, Xuân Khang, Xuân Phúc, Xuân Thái, Yên Lạc).

Hiện nay huyện Như Thanh đã tổ chức xong 12 hội nghị tuyên truyền cho 1.550 đại biểu (bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện các tổ chức đoàn thể thôn, đại diện các hộ nghèo là người DTTS và đại diện 30% hộ cận nghèo là người DTTS) tại 12 xã vùng DTTS&MN. Thông qua hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đồng thời làm tốt công tác an ninh chính trị, tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; XDNTM; giúp đỡ Nhân dân phát triển KT-XH bằng các mô hình kinh tế nhỏ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; hòa giải cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng ý thức tự giác học tập và tuân thủ, chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân, đặc biệt là người dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Xuân Thái là 1 trong 12 xã vùng DTTS&MN được UBND huyện Như Thanh lựa chọn tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL thuộc nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình 1719 năm 2024. Theo đó, vào đầu tháng 10/2024, Hội nghị tập huấn “PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS&MN” diễn ra tại trung tâm văn hóa xã Xuân Thái đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đại diện lãnh đạo UBND xã; công chức phụ trách công tác dân tộc; bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, đại diện các tổ chức đoàn thể thôn, an ninh viên, các hộ nghèo là người DTTS, người Kinh sống lâu năm trên địa bàn xã và đại diện hộ cận nghèo là người DTTS.

Ông Lê Trung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái cho biết: Xã có 1.006 hộ, 4.059 khẩu, 3 dân tộc (Thái, Mường, Kinh) cùng nhau sinh sống, phát triển kinh tế KT-XH, trong đó dân tộc Thái chiếm 40,03%; dân tộc Mường chiếm 33,06%. Là xã miền núi, diện tích rộng, địa hình đi lại khó khăn, dân số sinh sống thưa thớt, không tập trung, tỷ lệ người đi làm ăn xa trong độ tuổi lao động không nhiều, đồng bào DTTS chiếm số đông. Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động luôn được địa phương xác định là giải pháp quan trọng. Từ đó, đồng bào tích cực thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa, XDNTM. Trên tinh thần cán bộ, đảng viên đi trước, nhiều phong trào thi đua XDNTM được các tầng lớp Nhân dân thực hiện như phong trào hiến đất, hiến tường rào, góp công, góp của để làm đường bê tông; phong trào trồng cây xanh, đường hoa dọc các tuyến đường; phong trào nhà đẹp, ngõ sạch, khuôn viên vườn hộ gọn gàng; phong trào khuyến học, khuyến tài; phong trào làm kinh tế giỏi... Đến nay, Xuân Thái đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM.

Tăng cường trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tư pháp trên địa bàn huyện Như Thanh, phòng Tư pháp đã tham mưu với UBND huyện thực hiện tốt công tác góp ý dự thảo văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... được chú trọng. Phòng tham mưu với Hội đồng đánh giá Tiếp cận pháp luật huyện hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định công nhận 14 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Năm 2023, tổ chức 6 hội nghị tập huấn thực hiện nội dung số 3, Tiểu dự án 1 của Dự án số 10, Chương trình 1719: “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN” thuộc Chương trình 1719 tại 6 xã: Cán Khê, Xuân Du, Phượng Nghi, Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Thái, với tổng 589 đại biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người DTTS tham dự.

Đồng bào dân tộc Thái xã Xuân Thái biểu diễn khua luống, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

Song song với triển khai thực hiện nội dung số 1, nội dung số 2, huyện Như Thanh tích cực triển khai thực hiện nội dung số 3, Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình 1719 năm 2024. Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện nội dung số 3, phòng Tư pháp huyện Như Thanh đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động tại nội dung số 3; ban hành quyết định về việc mở lớp tập huấn “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN” tại 5 xã: Mậu Lâm, Xuân Khang, Phú Nhuận, Xuân Phúc, Yên Lạc. Các lớp tập huấn với số lượng hơn 800 người tham gia, gồm: Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS&MN, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan. Hiện nay, 5 lớp tập huấn tại 5 xã đã triển khai thực hiện xong, giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Thời gian tới, huyện Như Thanh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực hòa giải cơ sở cho hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ làm công tác tư pháp. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ đầu, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến phức tạp, kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhu-thanh-nang-cao-hieu-qua-pho-bien-giao-duc-phap-luat-nbsp-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-228506.htm