Như Thụy phát huy lợi thế phát triển dịch vụ, thương mại

Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Như Thụy, huyện Sông Lô như được khoác lên mình tấm áo mới. Nhiều nhà tầng được xây dựng, đời sống của người dân ngày càng nâng cao rõ rệt. Nhờ nỗ lực phát huy lợi thế sẵn có, hiện nay Như Thụy đã không còn là “vùng trũng” của huyện Sông Lô.

Khách hàng tới mua sắm tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hằng, xã Như Thụy. Ảnh Hải Nam

Khách hàng tới mua sắm tại cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hằng, xã Như Thụy. Ảnh Hải Nam

Chia sẻ về sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Như Thụy cho biết: Trước kia, Như Thụy được biết đến là “vùng trũng” về phát triển kinh tế của huyện do địa hình không bằng phẳng, đồng chiêm trũng chiếm 2/3 diện tích toàn xã nên việc phát triển kinh tế của người dân địa phương gặt rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, người dân trong xã chủ yếu lấy sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai nên thu nhập rất thấp. Từ khi có công nghiệp “về làng”, tận dụng lợi thế gần trung tâm huyện, có tuyến đê tả Sông Lô chạy qua, đã tạo cơ hội cho Như Thụy phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại.

Xã luôn xác định muốn nâng cao thu nhập, đời sống người dân thì phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và coi đó là ngành nghề mũi nhọn của địa phương. Nhờ có tuyến đường sông, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, xã đã định hướng cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại với các ngành nghề như vận tải đường sông, kinh doanh hàng hóa, đa dạng hóa các ngành nghề.

Xã cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tín chấp với ngân hàng để các hộ kinh doanh được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Tiêu biểu như Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH ủy thác vay vốn cho hội viên với tổng dư nợ trên 8,9 tỷ đồng; phối hợp ủy thác với Ngân hàng Đông Á cho hội viên vay vốn trên 500 triệu đồng…

Ngoài ra, xã cũng luôn tạo môi trường thuận lợi để người dân mở rộng sản xuất cùng với những cơ chế khuyến khích lao động nhàn rỗi tại địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động dịch vụ, thương mại của địa phương có bước phát triển nhanh, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo thống kê, năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ của xã đạt trên 66 tỷ đồng. Dịch vụ lao động phát triển mạnh, số lượng người xuất khẩu lao động, đi làm trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong nước tăng, từ đó thu nhập người lao động tăng lên. Tổng giá trị thu nhập từ dịch vụ lao động đạt trên 92 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,16 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những cơ chế khuyến khích các hộ dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang buôn bán hàng hóa, xã Như Thụy cũng tạo điều kiện cho các hộ dân trồng cây Dó Bầu. Đây là loại cây tạo ra nhựa thơm làm trầm hương, một loại tinh dầu quý làm dược phẩm, hương liệu quý. Tiến tới khuyến khích các DN mở xưởng sản xuất ngay tại địa phương.

Trên trục đường chính của xã Như Thụy, đã xuất hiện nhiều cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng bề thế với hoạt động buôn bán diễn ra sôi động.

Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng cho biết: “Việc buôn bán của gia đình hiện nay đã thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường trong xã được cứng hóa, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang kinh doanh buôn bán hàng hóa.

Nhờ mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh, hiện nay thu nhập của gia đình đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Công việc kinh doanh thuận lợi, sắp tới gia đình sẽ mở rộng kinh doanh thêm vật tư nông nghiệp để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương".

Để loại hình dịch vụ, thương mại tương xứng với tiềm năng sẵn có, góp phần nhanh chóng thúc đẩy kinh tế, thời gian tới, Như Thụy sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cấp hạ tầng giao thông; đặc biệt là mở rộng tuyến trục chính của xã để đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Cùng với đó là có cơ chế khuyến khích các hộ dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại; tìm kiếm ngành nghề mới phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75882/nhu-thuy-phat-huy-loi-the-phat-trien-dich-vu-thuong-mai.html