Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bài 3: Trả lại cho em nụ cười trẻ thơ

Đằng sau một vụ xâm hại tình dục là một tuổi thơ bị đánh cắp. Biết bao hậu quả đau lòng xảy ra khi một số em phải làm mẹ quá sớm, bị sang chấn tâm lý hay chịu dày vò bởi nỗi xấu hổ suốt thời gian dài. Đã đến lúc cần phải có những hành động mạnh mẽ để đấu tranh với tệ nạn này và có thêm nhiều hơn những biện pháp bảo vệ cũng như yêu thương, san sẻ để trả lại nụ cười trẻ thơ cho các em - những nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục.

* Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bài 1: Những nỗi đau dai dẳng

** Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bài 2: Khó khăn trong công tác điều tra, xét xử

 Trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ về trẻ em bị xâm hại tình dục -Ảnh: T.L

Trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ về trẻ em bị xâm hại tình dục -Ảnh: T.L

Tránh để “nỗi đau chồng nỗi đau”

Chị Lê Thị Thủy Ngân, trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Quảng Trị cho biết, hầu hết các nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD) mà chị tiếp xúc đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly dị, chưa quan tâm, giám sát con; bố mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà, họ hàng. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều trẻ em gái, nhất là các bé lớn tuổi đều có tâm lý sợ sệt, xa lánh, trầm cảm không dám khai báo với người ngoài nên trợ giúp viên gặp nhiều khó khăn trong việc lấy thông tin, nội dung vụ việc trực tiếp từ nạn nhân. Vì vậy, để trợ giúp pháp lý cho các em, trợ giúp viên phải là người hiểu tâm lý trẻ, có cách tiếp cận khéo léo để tránh khơi gợi lại nỗi đau trong lòng các em.

Nhìn nhận về góc độ tâm lý gia đình và xã hội, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Huy Tuyến, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chia sẻ: Trong gia đình có trẻ bị XHTD, cha mẹ và người thân cần thể hiện rõ vai trò là chỗ dựa tinh thần vô điều kiện để trẻ có thể chia sẻ nỗi đau đang phải chịu đựng. Muốn làm được điều đó, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, chấp nhận sự việc đã xảy ra để có thể tìm hướng giải quyết phù hợp; không nôn nóng, quát nạt, đổ lỗi cho con trẻ. Không nên quá lo sợ về những vấn đề như uy tín của gia đình, danh dự của con trẻ hay sự chê bai, dị nghị… của mọi người xung quanh mà gây thêm nỗi lo sợ cho các em và áp lực cho chính mình. Tiếp sau đó, cha mẹ cần gần gũi, gợi mở, bằng chính sự thương yêu của mình để gắng giúp trẻ bộc lộ được suy nghĩ, cảm xúc của mình. Từ đó, các em có thể chia sẻ được với mọi người nỗi đau của bản thân để vơi dần và có thể rũ bỏ vết thương tâm lý đang phải chịu đựng. Về lâu dài, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi những diễn biến cả về tâm lý và thể chất của trẻ để chữa trị kịp thời hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ những chuyên gia nếu cần. Trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày về sau không nên nhắc lại hoặc dọa dẫm, dùng chuyện cũ của trẻ như là sự răn đe, tránh để “nỗi đau chồng lên nỗi đau” trong tâm hồn con trẻ.

Hãy lên tiếng!

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị đã trợ giúp cho 11 trường hợp trẻ em gái từ 12 đến dưới 16 tuổi trên toàn tỉnh bị XHTD. Giám đốc trung tâm Hà Trung Thành cho biết: Ngoài điểm chính ở TP. Đông Hà, trung tâm có 2 chi nhánh tại huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, nơi có tỉ lệ trẻ bị XHTD khá cao, nhằm hỗ trợ kịp thời công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em không may bị XHTD. Mỗi khi được yêu cầu trợ giúp, trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, am hiểu tâm lý trẻ em, phù hợp tính chất vụ việc để tham gia nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ bị xâm hại.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vụ trẻ bị XHTD nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người trong cuộc đã không lên tiếng. Những trường hợp đó vô tình làm cho tình trạng XHTD trẻ em tiếp tục tiếp diễn bởi những kẻ phạm tội không bị trừng phạt nghiêm minh. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là khi phát hiện ra vụ XHTD, không chỉ người trong cuộc mà đối với bất cứ ai đều cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, khi cần sự trợ giúp, nạn nhân và gia đình có thể gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em qua số điện thoại 18001567 và 111.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty cho biết: Là địa bàn có số vụ trẻ bị XHTD khá lớn, thời gian qua, hội luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, kiên quyết đưa những trường hợp XHTD trẻ em ra ánh sáng để vừa kịp thời bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hoạt động của câu lạc bộ “Phòng chống XHTD trẻ em gái”, “Bà mẹ và trẻ em gái”, ‘Chống xâm hại tình dục”… để giúp trẻ em gái trên địa bàn có thêm kiến thức bảo vệ bản thân. Trong tuyên truyền, chúng tôi luôn nhấn mạnh thông điệp hãy lên tiếng và có thái độ quyết liệt hơn khi bị XHTD, không vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình mà không tố giác kẻ phạm tội và chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc hợp thức hóa bằng việc tổ chức đám cưới…

Chú trọng giáo dục kỹ năng

Không có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu ý thức về nguy cơ bị xâm hại và kỹ năng phòng tránh... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ XHTD trên địa bàn. Vì vậy, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc phòng chống XHTD trẻ em bằng cách trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết.

Nhà trường cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp với từng khối từ mầm non đến phổ thông như tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường vào các môn học, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Tăng cường công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình… Đối với ba mẹ, việc giáo dục giới tính và kỹ năng bảo vệ bản thân cho con cái cần được “cột” thành trách nhiệm để họ có thể theo sát con cái mình. Việc trò chuyện giữa phụ huynh với trẻ về giới tính rất hữu ích, từ kiến thức cơ bản về những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà người khác không được đụng tới, cho đến việc đối phó khi xảy ra tình huống hay nêu cao tinh thần cảnh giác kể cả với người quen. Với những đứa trẻ bị thiểu năng thì cần có kèm theo sách báo minh họa. Ở độ tuổi vị thành niên, phụ huynh phải có cách nói chuyện cụ thể hơn, có những câu chuyện cụ thể minh họa để dễ nói chuyện và gần gũi con một cách tự nhiên.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể cũng cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, tình dục và kỹ năng phòng vệ cho trẻ em dưới 16 tuổi. Theo Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ái Loan, thời gian tới cần chú trọng đổi mới các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật, vận động xã hội về công tác trẻ em, trong đó có công tác phòng chống XHTD trẻ em. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, qua đó góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị XHTD. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn; lắp đặt các biển báo cảnh báo nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em tại cộng đồng... nhằm đảm bảo cho trẻ em một môi trường an toàn nhất có thể.

Tú Linh - Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162099&title=nhuc-nhoi-nan-xam-hai-tinh-duc-tre-em-bai-3-tra-lai-cho-em-nu-cuoi-tre-tho