Những anh kép, chị đào tuồng gen Z

Để xây dựng được lớp diễn viên tuồng thế hệ gen Z, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mất gần 8 năm để tuyển chọn, gửi đi học và đào tạo. Đây là thế hệ được kỳ vọng 'giữ lửa' tuồng truyền thống xứ Quảng trong tương lai.

Những ngày nghỉ Tết Dương lịch, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) vẫn nhộn nhịp tiếng ca, tiếng đàn, tiếng sáo. Các nghệ sĩ khẩn trương dựng vở, tập luyện trích đoạn tuồng mới “Hùm thiêng Yên Thế” sẽ trình diễn trong chương trình Sân khấu học đường, đưa tuồng vào trường học trong năm 2024. Đặc biệt, đây là vở diễn có sự tham gia của nhiều “anh kép, chị đào” gen Z. Diễn chính vai Đề Thám, trên sân khấu tập, với sự hướng dẫn tỉ mỉ của NSƯT Phan Văn Quang, Lê Văn Tiện (25 tuổi, quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cẩn thận điều chỉnh từ câu ca, từ cái liếc mắt, đánh tay…

Trịnh Ký Vũ (bìa trái) tập diễn vai Đề Sặt trong trích đoạn tuồng Hùm Thiêng Yên Thế. Ảnh: Giang Thanh.

Trịnh Ký Vũ (bìa trái) tập diễn vai Đề Sặt trong trích đoạn tuồng Hùm Thiêng Yên Thế. Ảnh: Giang Thanh.

Chưa biết tuồng là gì…

Là một “anh kép” gen Z, Tiện bén duyên với nghệ thuật tuồng từ năm 17 tuổi. Thời điểm đó, vừa nghỉ học cấp 3, chưa biết định hướng tương lai ra sao, em được người anh họ đang là diễn viên của nhà hát gọi đi thi năng khiếu. Được người thân động viên, Tiện thi thử cho biết, vậy mà lại đỗ thật. Tiện ra Hà Nội theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, khoa Kịch hát dân tộc, chỉ vì để ba mẹ… vui lòng. “Học năm nhất, em vẫn chưa biết gì về tuồng. Đến năm 2, bắt đầu học vai, em mới biết tuồng là gì. Lúc đầu thì lạ lẫm lắm, vậy mà lại mê lúc nào không hay”, Tiện kể.

“Các diễn viên trẻ đang dần trưởng thành như một làn gió mới mang tuồng tới gần hơn những người trẻ. Đây cũng sẽ là thế hệ kế cận của nghệ thuật tuồng Quảng Nam – Đà Nẵng khi thế hệ nghệ sĩ gạo cội dần nghỉ hưu. Khi ấy, lớp trẻ sẽ đủ độ chín để tiếp tục giữ lửa nghệ thuật tuồng truyền thống, tiếp tục lan tỏa giá trị đặc sắc của tuồng xứ Quảng”.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Năm 2021, sau khi ra trường, Tiện vượt qua kỳ thi tuyển để về công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Thời gian đầu, Tiện có nhiều bỡ ngỡ khi những thứ học ở trường khác nhiều với trình diễn, làm nghề trong thực tế. Tiện cùng các bạn được các nghệ sĩ gạo cội của nhà hát chỉ dạy, hướng dẫn từ trang điểm, vẽ mặt đến cách hát, luyến láy, cách biểu diễn… để có thể đứng trên sân khấu.

Ở nhà hát, các “anh kép, chị đào” gen Z được các thế hệ nghệ sĩ đàn anh tận tình chỉ dẫn để trưởng thành mỗi ngày. Ảnh: Giang Thanh.

Ở nhà hát, các “anh kép, chị đào” gen Z được các thế hệ nghệ sĩ đàn anh tận tình chỉ dẫn để trưởng thành mỗi ngày. Ảnh: Giang Thanh.

Trò chuyện với Tiện, nghe em say sưa kể về tuồng, mới thấy tình yêu đối với tuồng truyền thống trong “anh kép” gen Z này nhiều như thế nào. “Nhiều bạn trẻ thế hệ của em chắc cũng không biết tuồng là gì, có lẽ cũng chưa bao giờ xem tuồng. Nhưng em tin rằng, nếu ai xem tuồng một lần đều sẽ phải lòng tuồng bởi đây là một môn nghệ thuật rất hay, rất đặc biệt”, Tiện trải lòng.

Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng được nhiều chương trình có dấu ấn như: Hồn Việt, Trầm tích Sông Hàn, Sắc Việt… Cuối năm 2022, Nhà hát phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) tổ chức chương trình Con đường di sản tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ du khách gây tiếng vang lớn. Trong năm 2023, Nhà hát diễn được 208 buổi, đồng thời, tiếp tục chuỗi chương trình Đưa tuồng xuống phố, Sân khấu học đường với sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ.

Cũng tình cờ tham gia khóa tuyển tài năng trẻ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh rồi lọt qua 3 vòng thi tuyển, Trần Thị Diệu (sinh năm 2001) cũng được cử đi học ở Đại học Sân khấu Điện ảnh rồi trở về cống hiến cho nhà hát. Gần 7 năm kể từ khi được nhà hát phát hiện, từ cô bé 15 tuổi ở vùng quê nghèo Nông Sơn (Quảng Nam) vốn chả biết gì về tuồng, Diệu trở thành diễn viên trẻ kế cận.

Khác với hai đồng nghiệp, Trịnh Ký Vũ (sinh năm 2000) vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba là tác giả viết dân ca bài chòi, mẹ là diễn viên hát kịch dân ca ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ, Vũ thường xuyên tham gia thi tiểu phẩm dân ca ở trường, ở huyện. “Lúc nhà hát về địa phương tuyển người, em có việc ngang qua nên ghé vào thi luôn. Thi thì đậu, lại nghe các cô chú nói được ra Hà Nội học nên em quyết chí đi, dù lúc đó, em cũng chưa biết tuồng là gì cả”, Vũ cười. Đi học 4 năm, Vũ được học các nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật tuồng ở cả ngoài Bắc, Bình Định, Đà Nẵng. Nhưng khi về nhà hát, Vũ lại “bỏ đi hết” để học lại từ đầu bởi tuồng miền Trung có nhiều nét riêng về bậc, về tông hát, nhạc, làn điệu…

“Anh kép” Lê Văn Tiện tham gia diễn vở tuồng “Nửa Cõi Sơn Hà” cùng các tiền bối ở Nhà hát

“Anh kép” Lê Văn Tiện tham gia diễn vở tuồng “Nửa Cõi Sơn Hà” cùng các tiền bối ở Nhà hát

Đến làn gió mới cho người trẻ

Tiện, Diệu, Vũ là 3 trong số 12 diễn viên trẻ được tuyển dụng về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Các em đều được đào tạo theo Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ VH-TT&DL. Theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ngay sau khi có đề án, nhà hát đã tổ chức đợt tuyển chọn tài năng ở Đà Nẵng và Quảng Nam để tìm kiếm các ứng viên vừa có thanh, vừa có sắc, đáp ứng tiêu chuẩn.

Kết quả, Đà Nẵng lựa chọn được 20 em, đều thuộc thế hệ gen Z và có năng khiếu nghệ thuật để gửi ra trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đào tạo. Các em được lo chi phí học tập, ăn ở trong 4 năm học, bên cạnh học năng khiếu, các em được tiếp tục học chương trình THPT. “Để đảm bảo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp, Nhà hát báo cáo với UBND thành phố để bổ sung 12 biên chế với phương án thi tuyển và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp để đảm bảo công bằng”, ông Tuấn cho hay.

Ngay sau khi trúng tuyển, 12 diễn viên trẻ được các bậc thầy của nghệ thuật tuồng xứ Quảng như NSND Trần Đình Sanh, NSND Nguyễn Thị Thu Nhân, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng… trực tiếp đứng lớp truyền nghề. Bên cạnh đó, họ cũng được các thế hệ diễn viên, nhạc công đang công tác ở nhà hát cầm tay chỉ việc, hướng dẫn để hoàn thiện mình trên sân khấu. Tham gia bất kỳ vở diễn, vai diễn nào được phân công dù là kép chính, kép phụ hay làm quân, làm lính, Trịnh Ký Vũ cũng không nề hà. “Sân khấu lớn hay nhỏ đều là để chúng em tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn mỗi ngày. Cũng nhờ những vai diễn nhỏ trong Ngược sóng, Nửa cõi sơn hà…, em rèn giũa kỹ năng, học hỏi từ các tiền bối để trau dồi kỹ năng trình diễn”, Vũ kể.

Tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 do Bộ VH-TT&DL tổ chức, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cử 5 diễn viên trẻ đi thi và giành được một giải Nhì và 3 giải “Diễn viên trẻ tài năng”. Trong đó, Trịnh Ký Vũ đoạt giải nhì với vai diễn Đổng Kim Lân trong trích đoạn “Đổng Kim Lân qua đèo”. “Những giải thưởng như vậy là sự ghi nhận và cũng là động lực to lớn để chúng em tiếp tục giữ lửa đam mê, tiếp bước các bậc cha chú trao truyền nghệ thuật truyền thống đến thế hệ trẻ”, Vũ nói.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-anh-kep-chi-dao-tuong-gen-z-post1604362.tpo