Những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009. Là đơn vị trực tiếp triển khai thi hành luật, theo Bộ Công an, quá trình thực thi đến nay, Luật đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Nhiều vướng mắc, bất cập vì quy định 2 lĩnh vực khác nhau trong một đạo luật
Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật. Đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ATGT).
Do một đạo luật cùng điều chỉnh 2 lĩnh vực khác nhau nên dẫn đến các quy định của Luật hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực này, hoặc là chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực khác nên trong nhiều trường hợp đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn các quy định phù hợp để áp dụng thi hành.
Mặt khác, do được quy định trong cùng một đạo luật nên việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng chưa đúng, chưa rõ ràng, rành mạch và dẫn đến chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện, không có Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính.
Nhiều nội dung của Luật còn quy định chung, lồng ghép và để triển khai thực hiện được thì phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhiều quy định tồn tại ở văn bản dưới Luật.
Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang triển khai thực hiện và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không thể điều chỉnh tổng thể, bao quát hết các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 10, Điều 16, Luật CAND năm 2018 đã giao lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ quản lý về trật tự, ATGT.
Đây cũng là nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đã được khẳng định trong Kết luận 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư.
Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác chấp hành quy định của pháp luật.
Các vi phạm diễn ra phổ biến như người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý của người thi hành công vụ… Tình trạng người tham gia giao thông coi thường pháp luật, không chấp hành thậm chí chống lại người thi hành công vụ còn diễn ra ở nhiều nơi.
Trong 10 năm từ năm 2009 đến tháng 6-2019, trên toàn quốc xảy ra 528 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ làm 7 cán bộ hy sinh, 166 cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương, bắt giữ 507 đối tượng.
Thực tiễn, nhiều loại tội phạm xảy ra trên các tuyến giao thông đường bộ trong đó CAND là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT đường bộ, bảo đảm an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định cụ thể về phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an trong công tác quản lý về an ninh, trật tự, ATGT đường bộ, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.
Ở Việt Nam, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh…
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát đảm bảo sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, từ đó dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy đang không thể kiểm soát được tốc độ gia tăng phương tiện giao thông đường bộ, cơ cấu, chủng loại phương tiện, chưa kiềm chế được tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân và chưa có cơ chế bảo đảm cho việc phát triển phương tiện giao thông.
Nhiều quy định của Luật chưa phù hợp
Cũng theo Bộ Công an, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn chậm. Một số quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa phù hợp. Cụ thể, khoản 4, Điều 10 Luật quy định biển báo hiệu đường bộ gồm 5 nhóm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã phát sinh thêm nhóm biển mới “Nhóm biển sử dụng trên các tuyến đường đối ngoại”.
Nhóm biển này tuân thủ theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khoản 2, Điều 37 của Luật chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc vi phạm quản lý; không quy định trách nhiệm tham gia tổ chức giao thông cho lực lượng CSGT trong khi lực lượng CSGT là lực lượng chủ yếu thực hiện chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, lực lượng CSGT lại là đơn vị chủ động đề xuất phối hợp với các đơn vị của ngành Giao thông, Ban An toàn giao thông các địa phương để tiến hành khảo sát, kiến nghị về công tác tổ chức giao thông.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT có thẩm quyền trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, khám nghiệm, điều tra giải quyết tai nạn giao thông nhưng các ý kiến tham gia của CSGT không được các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục theo thẩm quyền, nhiều kiến nghị không được tiếp thu, khắc phục kịp thời.
Luật cũng không quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ về các nội dung như nơi cho phép chuyển làn đường, độ tuổi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, cấm lùi xe trên đường một chiều hoặc đường đặt biển cấm đi ngược chiều, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ…
Ngoài ra, sự phân công, phân cấp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn những mặt chưa hợp lý như: Cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý về lao động (sử dụng lái xe) là Bộ GTVT và cơ quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lái xe là Bộ Công an chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin về việc cấp, cấp lại giấy phép lái xe và việc xử lý lái xe vi phạm. Công tác đào tạo, sát hạch và quản lý lái xe sau khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn bị buông lỏng. Công tác quản lý về an toàn của phương tiện cũng bất cập.
Trong khi Bộ Công an thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, Bộ Quốc phòng thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phong thì Bộ GTVT thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thực hiện việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe máy chuyên dùng.
Giữa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Công ước Viên 1968 cũng có những mâu thuẫn cần phải khắc phục như Luật quy định xe ôtô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn nhưng Công ước Viên 1968 lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.
Hay, Luật quy định người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn điều khiển ôtô không quy định. Tuy nhiên, Công ước Viên 1968 bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển.
Bên cạnh đó, Luật quy định người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe thô sơ không được đi dàn hàng ngang và phải đi theo hàng một. Tuy nhiên, việc đi hai hàng hay nhiều hàng sẽ không cần quy định đối với các tuyến đường dành riêng cho loại phương tiện khi đó nếu tình trạng bề mặt đường rộng đủ điều kiện sẽ tổ chức giao thông phù hợp theo hình thức này. Do đó, trong trường hợp kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đạt đến mức độ nhất định sẽ không cần quy định này nữa.
Ngoài ra, một số nội dung khác chưa phù hợp giữa Luật với Công ước Viên 1968 như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, ký hiệu quốc gia trên xe rơ mooc…