Những bất cập từ nhà văn hóa thôn tại Ðức Trọng

Ðược xây dựng cách đây mười đến mười lăm năm, nhưng một số nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện Ðức Trọng có dấu hiệu xuống cấp, các trang thiết bị hầu hết đã cũ kỹ hoặc thiếu hụt.

Nhà văn hóa thôn Phú Tân (xã Phú Hội) xuống cấp, trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân. Ảnh: T.T.H

Nhà văn hóa thôn Phú Tân (xã Phú Hội) xuống cấp, trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân. Ảnh: T.T.H

Nhà văn hóa thôn - hay còn gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn buôn là nơi thường diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời xây dựng những nếp sống lành mạnh. Thế nhưng, trên thực tế, một số nhà văn hóa thôn về cơ sở vật chất đã cũ, trang thiết bị còn nhiều hạn chế.

Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, từ năm 2003, Nhà văn hóa thôn Krèn (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) được xây dựng ở vị trí trung tâm của thôn và sử dụng từ đó đến nay. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên “ngôi nhà chung” của thôn bị hư hỏng và xuống cấp theo thời gian như tường bị nứt nẻ thành nhiều đường dài và tạo ra khe hở. Trong phòng, bàn ghế đã cũ kỹ, các khung cửa dần bị rỉ sét, bám nhiều bụi bặm, dấu hiệu đã lâu người dân chưa sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, ông K’Sáu - Trưởng thôn Krèn cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, do nhà văn hóa chật hẹp, thiếu thốn về trang thiết bị nên ngoại trừ các dịp lễ mới tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa, còn lại đa số là về nhà như tập văn nghệ cho bà con trong thôn chẳng hạn”.

Cũng theo ông K’Sáu, với diện tích nhà văn hóa thôn chỉ 40 m2 nhưng lại phục vụ tới 235 hộ dân đến sinh hoạt, trên thực tế đã không còn phù hợp.

Đó là chưa kể nhiều lúc mưa gió hay nắng gắt, người dân có đi họp đầy đủ cũng phải ngồi chen chúc nhau ra phía ngoài hành lang nhỏ. Trong khi bàn ghế không đầy đủ, loa máy và các trang thiết bị phục vụ thiếu thốn, tạo ra nhiều khó khăn trong việc truyền tải thông tin đến bà con.

Đáng chú ý hơn, nhà văn hóa thôn là nơi sinh hoạt tập thể nhưng phần lớn là chưa có công trình phụ. Ông Ha Thiên - Trưởng thôn Đarahoa chia sẻ: “Nhiều lúc ngồi hội họp lâu, vì không có nhà vệ sinh mà bà con cứ chạy về nhà xong rồi lại chạy đến hội trường thôn để tiếp tục họp. Điều đó làm mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng cũng như làm gián đoạn cuộc họp”.

Tương tự, Nhà văn hóa Phú Tân (xã Phú Hội) nhiều năm nay lại trở thành nơi người dân địa phương chăn giữ trâu, bò; còn xung quanh tường nhà bị ẩm, cỏ mọc um tùm, bên trong các cánh cửa chính và cửa sổ đều bị vỡ vụn. “Mặc dù đã được sửa chữa lại vào năm 2014, nhưng nhìn chung còn thiếu rất nhiều như: cổng chính, hàng rào, công trình phụ đều chưa có. Vì các trang thiết bị chưa có nên khi có cuộc họp thôn thì lại đi thuê loa kẹo kéo hoặc là mượn tạm để sử dụng của cán bộ trong thôn” - ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng thôn Phú Tân chia sẻ.

Bà Krã Jẵn K’Suynh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho hay, hiện nay trên địa bàn toàn xã 15/15 thôn đều có nhà văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, trên thực tế có 10/15 thôn đang trong tình trạng thiếu các trang thiết bị, chưa có công trình phụ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. Riêng Nhà văn hóa thôn Phú Tân vì đang chờ sáp nhập với thôn khác nên vài năm trở lại đây bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Trọng cho biết: Hầu hết các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng từ trước năm 2010 đều không có công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hàng rào, sân…

Số nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng từ trước năm 2006 hiện đã cũ, xuống cấp chiếm khoảng 30% tổng số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị nhiều nhà văn hóa thôn chưa có cán bộ chuyên trách.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Trọng, giai đoạn 2010 - 2017, trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng 90 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố với kinh phí 27 tỷ đồng. Trong đó, vận động Nhân dân đóng góp là 7,650 tỷ đồng (đối với các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước đầu tư 100%; đối với thôn, tổ dân phố khác, vốn đối ứng của Nhân dân 50-50).

Theo đó, UBND huyện cũng đã có kế hoạch, lộ trình bố trí vốn từng năm cho các xã, thị trấn để đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ và nâng cấp các nhà văn hóa thôn. Đồng thời, các xã, thị trấn cũng thường xuyên vận động nhân dân đối ứng, tranh thủ nguồn xã hội hóa từ các mạnh thường quân, nguồn tài trợ từ các dự án để nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa các thôn, xã trong thời gian tới.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/nhung-bat-cap-tu-nha-van-hoa-thon-tai-uc-trong-2961721/