Những 'bếp cơm' cộng đồng nơi 'tâm dịch' Covid-19 Đà Nẵng
Hàng trăm nghìn suất ăn miễn phí từ những 'bếp cơm' cộng đồng đã được gửi đến các bệnh viện, các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP. Đà Nẵng 'tiếp sức' cho tuyến đầu chống dịch, chia sẻ khó khăn với người dân. Tại các 'bếp cơm' cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Tình người nơi tâm dịch Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 với tâm dịch tại TP. Đà Nẵng. Hơn 1 tháng qua, bên cạnh việc chính quyền, người dân, các lực lượng tuyến đầu “căng mình chống dịch”, thì ở nơi tâm dịch Đà Nẵng tình người đã tỏa sáng. Trong đó, nổi bật nhất là sự ra đời cùng lúc không hẹn trước của hàng chục “bếp cơm” cộng đồng do những nhóm các cá nhân, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện đang sinh sống, làm việc, học tập, cũng có người bị mắc kẹt lại TP. Đà Nẵng do dịch Covid-19 cùng góp sức lại với nhau nấu những suất ăn miễn phí để cung cấp, hỗ trợ cho bệnh viện, các khu cách ly, khu phong tỏa, cho những người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Bếp cơm Vạn Tình đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều người nghèo tại TP. Đà Nẵng trong dịch Covid-19 đợt 1 (hồi tháng 3, tháng 4/2020). Thông qua sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, bếp cơm Vạn Tình đã hỗ trợ 140.000 suất ăn dành cho người nghèo với trị giá 2,8 tỷ đồng. Dịch Covid-19 lần 2 tái bùng phát, tâm dịch tại TP. Đà Nẵng. Các hội viên của bếp cơm Vạn Tình lại tiếp tục “vác tù và” để kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung sức hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch.
Anh Hồ Ngọc Thanh - Chủ nhiệm nhóm từ thiện bếp cơm Vạn Tình - cho biết, trong 2 đợt Covid-19, từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, mỗi ngày nhóm đã nấu 1.800 suất cơm miễn phí. Trong đợt Covid-19 lần thứ 2 này, 54.440 suất cơm miễn phí được chuyển đến các bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Trung tâm cấp cứu thành phố, các chốt kiểm dịch…. Để đảm bảo dinh dưỡng và nguồn rau tươi xanh cho các suất ăn, nhóm đã vận động và nhận được sự giúp sức rất nhiệt tình từ bà con các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các loại rau, củ tươi.
Ngoài ra, nhóm còn tổ chức chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng tiếp tế, chi viện đồ y tế cho các bệnh viện ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, đưa 2.000 người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người có hoàn cảnh khó khăn của các tỉnh miền Trung về nhà an toàn trong thời gian dịch bệnh. “Thông qua những suất cơm, chuyến xe, Chúng tôi muốn gửi lời tri ân đến những người ở tuyến đầu chống dịch và hi vọng Đà Nẵng sẽ bình yên trở lại”, anh Hồ Ngọc Thanh chia sẻ.
Mặc dù phải nghỉ bán do dịch Covid-19, nhưng trong hơn 1 tháng qua, bếp nấu tại quán ăn Hiếu Hạnh (51 Triệu Nữ Vương, Đà Nẵng) không lúc nào vắng người, và luôn đỏ lửa. Bà Nguyễn Trà Liên, Trưởng nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh, cho biết: Khi Đà Nẵng bước vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, quán ăn phải nghỉ bán cũng là lúc nhóm Hiếu Hạnh cùng với các nhóm bếp cơm Vạn Tình, nhóm tình nguyện Trẻ Đà Nẵng bắt tay vào kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch. Đều đặn cả tháng qua, mỗi ngày nhóm từ thiện Hiếu Hạnh nấu hơn 1.000 suất ăn trao cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng.
Nhóm bếp cơm Vạn Tình và nhóm Hiếu Hạnh là 2 trong số hàng chục nhóm thiện nguyện thông qua sự hỗ trợ, góp sức của cộng đồng đã nấu cơm tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch. Ước tính đã có khoảng hơn 300.000 suất ăn miễn phí từ những “bếp cơm” cộng đồng được chuyển đến các bệnh viện, cơ sở cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong 2 đợt dịch Covid-19.
Đảm bảo an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu
Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa, TP. Đà Nẵng đã yêu cầu Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định ATTP tại các bếp cơm thiện nguyện.
Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, đến từng cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, cơ sở hỗ trợ suất ăn từ thiện (miễn phí) để kiểm tra về các điều kiện đảm bảo ATTP gồm các các thủ tục hành chính, điều kiện chế biến, nguyên liệu, lưu mẫu….
Theo chân đội ATTP số 4 (Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng) đến Resort Fusion Maia Đà Nẵng kiểm tra việc đảm bảo ATTP trong chế biến suất ăn hỗ trợ cho Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ông Lê Văn Dũng - Bếp trưởng Resort Fusion Maia Đà Nẵng - cho biết, đơn vị này mỗi ngày thực hiện khoảng 400 suất ăn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. “Ngoài việc thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vấn đề ATTP luôn được đặt lên hàng đầu”, ông Dũng nói và cho biết, vốn đã là một bếp ăn chuyên nghiệp nên đơn vị có lợi thế về nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định, cơ sở vật chất bếp ăn hiện đại đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về ATTP.
Theo bà Hồ Thị Thúy Linh - Đội trưởng Đội ATTP số 4 - qua kiểm tra, các cơ sở cung cấp suất ăn miễn phí lớn đều cơ bản đáp ứng được các quy định đảm bảo ATTP. Đối với các nhóm thiện nguyện là các nhà hàng, khách sạn, nơi cung cấp suất ăn công nghiệp thì các cơ sở vật chất, nguyên liệu, quy định lưu mẫu…. đều thực hiện chuyên nghiệp, bài bản. Đối với các hội thiện nguyện, từ thiện khác, mặc dù hội viên từ nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, không chuyên về cung cấp suất ăn nhưng các nhóm cũng ý thức được việc đảm bảo ATTP nên đều có các đồ bảo hộ lao động cần thiết như mang khẩu trang, tạp dề bảo hộ lao động, rửa tay diệt khuẩn. Nơi chế biến, thức ăn được nấu có quy trình, khu sơ chế riêng, khu thực phẩm chín riêng và để trên cao so với mặt đất.
Tuy nhiên, các đơn vị này cơ sở vật chất không thể bài bản, chuyên nghiệp như quy định. “Đối với những đơn vị này, nếu còn khâu nào chưa đảm bảo thì đoàn kiểm tra sẽ nhắc nhở, hướng dẫn, và sẽ quay lại kiểm tra việc khắc phục các nhược điểm trên”, bà Linh cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng - cho biết, việc kiểm tra ATTP tại các cơ sở cung cấp suất ăn từ thiện sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục cho đến khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị cũng lồng ghép kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 tại các đơn vị.