Những bức ảnh đằng sau cuộc chiến chống phát xít
Những bức ảnh của hai nữ nhiếp ảnh gia người Do Thái, những nhà hoạt động đằng sau tiền tuyến chống phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha sẽ được trưng bày tại Madrid sau 80 năm.
Khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1939, những người theo chủ nghĩa tự do chiến đấu ở Barcelona đã cố gắng bảo tồn tư liệu về cuộc đấu tranh và thành tựu của họ. Lo lắng về kết quả của cuộc chiến, họ đã niêm phong tài liệu, 2.600 bức ảnh và gần 5.000 tấm phim âm bản trong 48 thùng gỗ, rồi tuồn chúng ra khỏi thành phố tới Viện Lịch sử Xã hội Quốc tế (IISH) ở Amsterdam để tránh khỏi sự phá hoại của phát xít.
Nhiều năm sau, đi qua Paris, Harrogate và Oxford, những chiếc thùng, được gọi là thùng Amsterdam, đã đến nơi. Chúng vẫn bị niêm phong cho đến những năm 1980, hồ sơ văn bản bên trong đã được kiểm tra, thế nhưng tài liệu ảnh lại bị bỏ qua.
Giờ đây, nhờ công trình của nhà sử học nghệ thuật và quản lý triển lãm Almudena Rubio (người đã nghiên cứu kho lưu trữ IISH từ năm 2015), người ta đã có thể xác định được công trình của hai nhiếp ảnh gia nước ngoài, cả hai đều là phụ nữ Do Thái. Họ đã đến Tây Ban Nha để theo dõi chiến tranh: bà Margaret Michaelis, người gốc Ba Lan-Áo, và bà Kati Horna, đến từ Hungary.
Bà Michaelis đã học nhiếp ảnh ở Vienna vào những năm 1920 và tiếp tục làm việc ở Berlin cho đến khi bà và chồng, một người theo chủ nghĩa tự do bị Đức Quốc xã bắt giữ. Sau khi ông được trả tự do, cặp đôi chuyển đến Barcelona vào năm 1933, nơi bà thành lập studio của riêng mình và làm một nhiếp ảnh gia chân dung, quảng cáo và kiến trúc.
Sau khi nội chiến bùng nổ, bà Michaelis làm việc cho văn phòng tuyên truyền đối ngoại của phe chủ nghĩa tự do và đóng góp hình ảnh cho ban tuyên truyền với mục đích khích lệ tinh thần đồng thời ủng hộ chủ nghĩa chống phát xít.
Trong số các bức ảnh mới xuất bản của bà Michaelis là cảnh các chiến binh hành động trên đường phố ở Barcelona; quang cảnh cuộc sống hàng ngày ở thành phố Albalate de Cinca và Valencia; phóng sự từ chuyến thăm L’Alcora, một ngôi làng đã xóa bỏ việc sử dụng tiền; những bức ảnh hiếm hoi về Emma Goldman - người được mệnh danh là “người phụ nữ nguy hiểm nhất nước Mỹ”; và sự xuất hiện của Hội Chữ thập đỏ Anh ở thị trấn Portbou.
Hoạt động của phe cách mạng trên đường phố ở Barcelona, 1936. Ảnh: Margaret Michaelis
Bà cũng là một nhiếp ảnh gia được đào tạo và rời Đức vào năm 1933. Bà Horna đến Tây Ban Nha vào tháng 1/1937. Khi đến Tây Ban Nha, bà dấn thân vào cuộc cách mạng xã hội, làm việc cho văn phòng tuyên truyền đối ngoại của phe chủ nghĩa tự do. Công việc của bà Horna, giống như của bà Michaelis, nhằm để hỗ trợ cuộc cách mạng xã hội và chống lại chủ nghĩa phát xít Franco.
Trong tay là chiếc máy ảnh Rolleiflex, bà đến thăm một trại được thành lập để chăm sóc trẻ em vùng chiến sự; bà đã chụp lại một nhà tù ở Modelo, một nhà thờ tập thể ở Aragón được chuyển đổi thành một xưởng mộc; bà thấy dân làng đi cắt tóc miễn phí tại một tiệm hớt tóc; bà đã vượt qua một chiến hào trên mặt trận Aragón.
Trong chiến hào ở mặt trận Aragón, năm 1937. Ảnh: Kati Horna
Cô Rubio, người đã nghiên cứu miệt mài để khai quật các bức ảnh, không có nghi ngờ gì về tầm quan trọng của chúng. “Di sản của bà Michaelis và bà Horna là duy nhất, nó cho chúng ta thấy trải nghiệm của cách mạng ở hậu phương. Đồng thời, nó cho chúng ta thấy cuộc sống của hai nhiếp ảnh gia trong cuộc nội chiến, và cảm kích công việc của họ ở Tây Ban Nha thời kỳ chống phát xít”.
Cả hai nhiếp ảnh gia đều tin rằng tác phẩm của họ đã bị thất lạc hoặc bị phá hủy trong bom đạn của phát xít. Bây giờ, lần đầu tiên sau tám thập kỷ, chúng sẽ được nhìn thấy ánh sáng. Triển lãm “Những chiếc thùng Amsterdam: Kati Horna và Margaret Michaelis thời Nội chiến” đang ở viện bảo tàng Calcografía Nacional ở Madrid cho đến ngày 27/7. Sau đó triển lãm sẽ chuyển tới thành phố Huesca và Barcelona.