Những bước đi cụ thể cho một thành phố thông minh

Những năm gần đây, tại Hà Nội, quá trình gia tăng dân số tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, môi trường đô thị... Để giải bài toán này một cách hiệu quả, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ, xây dựng Thành phố thông minh. Đó là xu thế tất yếu của một siêu đô thị như Hà Nội.

Xây dựng thành phố thông minh là xu thế tất yếu của “siêu đô thị” như Hà Nội.

Xây dựng thành phố thông minh là xu thế tất yếu của “siêu đô thị” như Hà Nội.

Hình thành nền tảng cơ bản

Xây dựng thành phố thông minh giúp giải quyết hiệu quả thách thức trong quá trình phát triển. Từ cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã triển khai một số yếu tố cơ bản của đô thị thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ chủ chốt. Chẳng hạn như việc triển khai một số ứng dụng hệ thống giao thông công cộng thông minh; triển khai giải pháp tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt cùng hệ thống vé điện tử, camera giám sát; hệ thống quan trắc môi trường không khí, chất lượng nước; mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm...

Thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử nhằm tạo tiền đề cho sự hình thành nền kinh tế số. Cùng với đó là triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Hà Nội quy hoạch, tạo thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại, an toàn với vùng phủ dịch vụ 4G, sắp tới là 5G rộng khắp; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử trong các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý đất đai, giao thông.

Trong lĩnh vực du lịch, Thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn VNPT triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phát triển du lịch (thông qua ứng dụng du lịch thông minh Smart Tourism). VNPT hỗ trợ Thành phố xây dựng Cổng thông tin du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; bản đồ số du lịch Hà Nội; hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho du khách...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Hà Nội nỗ lực từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị thế quan trọng trong khu vực và thế giới. Do vậy, Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định các tiêu chí xây dựng Thủ đô theo hướng “Văn hiến - văn minh - xanh - thông minh - hiện đại” đang được hoàn thiện để trình Thành phố.

Mô hình thành phố thông minh hình thành dựa trên sự kết hợp giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý và giải pháp công trình, với phương thức xây dựng và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, có sự tham gia của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Các hạng mục thông minh cho thành phố thông minh

Theo các chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành đô thị đáng sống, đô thị kết nối, đô thị cạnh tranh, đô thị hiện đại và có bản sắc, đô thị thích ứng. Một loạt giải pháp quan trọng hàng đầu đã được xác định: Quy hoạch không gian đô thị thông minh, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thông minh, quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin thông minh, phát triển dịch vụ tiện ích thông minh... Để làm tốt điều này, trước tiên Hà Nội cần hình thành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị hiện đại. Đây chính là công cụ để điều hành, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.

IOC của Hà Nội thực hiện cung cấp thông tin mọi lúc mọi nơi (cả phiên bản mobile) cho các cấp quản lý, bảo đảm việc ra các quyết định dựa trên dữ liệu, tiếp nhận thông tin từ các nguồn thuộc hạ tầng thông tin thành phố, đồng thời phục vụ cho công tác giao ban, các cuộc họp tập trung hay trực tuyến. Trung tâm có hệ thống theo dõi các nhiệm vụ, đề án, dự án theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND các cấp theo phân công, phân cấp; có hệ thống báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu; có chức năng đôn đốc báo cáo, bảo đảm dữ liệu định lượng được thu thập và tổng hợp, phân tích theo thời gian thực để phục vụ cho việc ra quyết định công tác hằng ngày. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã có quy mô dân số và kinh tế lớn cũng có thể cần IOC của riêng mình, tuy nhiên, chỉ nên trang bị phân hệ hiển thị thông tin liên quan đến ngành mình hay địa phương nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo đảm IOC thành phố được tập trung.

Tiếp theo là đầu tư cho hạ tầng dữ liệu dùng chung. Các chuyên gia cho rằng, điểm khởi đầu cho thành phố thông minh là quản lý và sử dụng dữ liệu thu thập được theo cách hiệu quả và phù hợp nhất. Do đó, điều quan trọng là những dữ liệu này phải phù hợp với một số danh mục chính, và mỗi danh mục được xử lý khác nhau. Cụ thể, cần phân loại dữ liệu theo: Dữ liệu cá nhân đóng; dữ liệu tổ chức đóng; dữ liệu nhạy cảm hoặc có giá trị thương mại nhưng có thể được chia sẻ trong các điều kiện nghiêm ngặt; dữ liệu mở. Cùng với đó, xác định hạ tầng dữ liệu gồm: Hệ sinh thái dữ liệu mở, dùng chung do chính quyền thành phố quản lý để người dân, doanh nghiệp có quyền khai thác, sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp theo một cơ chế công khai, minh bạch.

Việc xây dựng mô hình hạ tầng dữ liệu của thành phố thông minh có vai trò tương tự cấu trúc ADN, bảo đảm “cấy gene thông minh” cho hạ tầng dữ liệu của thành phố. Mô hình này được quản lý, cập nhật, bổ sung, mở rộng thường xuyên cùng với quá trình trưởng thành của thành phố thông minh.

Để bảo đảm các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không tạo thành các “silo dữ liệu” (silo được ví như ốc đảo), yếu tố tiên quyết là mô hình thông tin đô thị phải được thống nhất và tuân thủ triệt để trong các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dữ liệu. Mặt khác, cần có công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) thích hợp để liên tục khai thác dữ liệu. Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu dùng chung phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa, bắt đầu từ việc hợp nhất các cơ sở dữ liệu hiện có, đồng thời thống kê các dữ liệu số đã có và kết chuyển vào hệ thống cơ sở dữ liệu.

Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, giữ vững vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, hội nhập quốc tế, Hà Nội đã, đang triển khai những bước đi cụ thể để xây dựng thành phố thông minh. Những thành công bước đầu cho phép hy vọng về một Thủ đô - thành phố thông minh bền vững.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhung-buoc-di-cu-the-cho-mot-thanh-pho-thong-minh-680829.html