Những ca ghép tạng đặc biệt trong lịch sử y học Việt Nam
Từ sau ca ghép thận đầu tiên năm 1992, các bác sĩ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong hành trình hồi sinh bệnh nhân giữa ranh giới sự sống và cái chết.
Ghép tạng là kỹ thuật khó. Thậm chí, sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân đối mặt nhiều nguy hiểm nếu cơ thể thải ghép, tạng mới không tương thích. Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên muộn so với thế giới nhưng đã có những bước tiến đáng ghi nhận.
Ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội. Bệnh nhân là thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi (thời điểm ca phẫu thuật diễn ra), bị suy thận giai đoạn cuối. Ông được ghép thận từ người tặng là em trai ruột Vũ Mạnh Toàn (28 tuổi).
Ca phẫu thuật do các thầy thuốc, y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện cùng sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài. Sự kiện này đã đánh dấu mốc son phát triển mới của nền y học Việt Nam, mở ra cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân đứng trên bờ vực sống - chết.
Tháng 11 cùng năm, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ca ghép thận thứ hai cũng được thực hiện. Liên tiếp sau đó, nhiều ca phẫu thuật tương tự thành công, cho thấy nỗ lực của y, bác sĩ Việt Nam trong ngành ghép tạng.
Tháng 7/1993, GS.TS Lê Thế Trung và các y bác sĩ của Học viện Quân y, thực hiện ca ghép thận cho anh Lê Thanh Nghiêm (33 tuổi, ở Tuy Hòa, Phú Yên) - bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Người hiến tạng là chị ruột của bệnh nhân - bà Lê Thị Như (42 tuổi).
Ca phẫu thuật đánh dấu kỷ lục lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép tạng mà không có sự trợ giúp từ chuyên gia nước ngoài. 27 năm trôi qua, ông Nghiêm đã bước sang tuổi 40, còn bà Như 49 tuổi. Sức khỏe của hai người đều ổn định. Ông Nghiêm còn có thêm một người con gái.
Kể từ những ca ghép tạng trên, bác sĩ Việt Nam thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật hồi sinh cho bệnh nhân viêm, suy thận. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (VNCCHOT), Bộ Y tế, từ năm 1992 đến 2012, các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện 933 ca. Trong đó, nước ta chỉ có Bệnh viện Quân y 103 thuộc Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế và một vài cơ sở khác đủ khả năng thực hiện các cuộc phẫu thuật ghép tạng khó khăn.
16 tiếng ghép gan cho cô bé 9 tuổi
Sáng 31/1/2004, y học Việt Nam ghi nhận thêm kỷ lục mới đó là ca ghép gan đầu tiên. Bệnh nhân là Nguyễn Thị Diệp (sinh năm 1995, ở Nam Định). Cô bé bị bệnh teo đường mật bẩm sinh và gặp biến chứng. Nếu không ghép gan, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch. Người bố 31 tuổi - ông Nguyễn Văn Phòng - tình nguyện hiến một phần lá gan cho con gái.
Ca ghép tạng được tiến hành tại khoa Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y 103, dưới sự giúp đỡ của bác sĩ người Nhật Masatoshi Makuuchi cùng ê-kíp 12-14 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam từ Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
Người chỉ huy ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam chính là GS.TS Lê Thế Trung. Thời điểm đó, ê-kíp hơn 100 người gồm chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật, y tá, thức liên tục hàng chục giờ, túc trực cho ca đại phẫu. Theo giáo sư, tiến sĩ thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - toàn bộ ê-kíp sẵn sàng từ 5h và thức trọn đêm mới hoàn thành xong ca phẫu thuật. Sau đó, họ không ngơi nghỉ dù chỉ một phút, theo dõi bệnh nhân để kịp thời xử lý.
"Nếu mệt quá, chúng tôi chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một lúc. Ghép gan không giống thận. Chúng tôi không được sử dụng máy hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi liên tục túc trực để đảm bảo ổn định cho người cho - nhận. Gần như không ai dám ngủ và đều bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn", GS.TS Đỗ Tất Cường nhớ lại.
Sau 16 giờ cân não, Nguyễn Thị Diệp đã được hồi sinh. Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỷ đồng. Cô gái 25 tuổi sau đó có sức khỏe ổn định, tốt nghiệp Trung cấp Quân y và công tác tại nơi đã hồi sinh mình.
Tuy nhiên, một năm gần đây sức khỏe của Diệp chuyển biến xấu, bị xơ hóa toàn bộ gan. Rạng sáng 29/11, Nguyễn Thị Diệp đã qua đời.
Ca ghép tim đầu tiên
Trên thế giới, ca ghép tim đầu tiên được thực hiện vào năm 1967. Bệnh nhân là Louis Washkansky, 53 tuổi. Ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Groote Schuur, Cape Town, Nam Phi.
Tuy nhiên, chỉ sau 18 ngày, bệnh nhân qua đời vì chứng viêm phổi kép. Vào những năm 1970, các loại thuốc chống thải ghép tạng tốt hơn ra đời, giúp việc phẫu thuật trở nên khả thi hơn.
Tại Việt Nam, đến năm 2010, các y bác sĩ mới thực hiện thành công kỹ thuật khó khăn này. Đơn vị thực hiện ca phẫu thuật phức tạp và cũng rất nhiều rủi ro đó là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.
Sáng 17/6/2010, ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam lấy từ người cho chết não đã thực hiện thành công. Bệnh nhân là ông Bùi Văn Nam, 48 tuổi (thời điểm ghép tim), ở Nam Định.
Trải qua gần 2 tiếng trong phòng mổ, ê-kíp bác sĩ đã hồi sinh cho người đàn ông này. Trái tim người mất đã một lần nữa đập nơi lồng ngực của ông Nam và giúp Việt Nam viết tên mình lên bản đồ số ít nước trên thế giới ghép thành công cơ quan này trên người.
Để có được thành tựu đó, hơn 20 bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã lên đường sang tu nghiệp tại nước ngoài, tìm cách đưa kỹ thuật này về Việt Nam. Trong thời gian chờ tạng cho bệnh nhân, ê-kíp chuyên gia phải thực hành ghép trên 3 con lợn - động vật có cấu tạo gần giống người nhất. Cả 3 ca phẫu thuật đều thành công. Ca sống lâu nhất sau ghép tim là 72 giờ.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột từ người cho sống
Ngày 31/10, Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép ruột từ người sống đầu tiên tại Việt Nam. Đó là bệnh nhân L.V.T. (26 tuổi) được ghép ruột từ mẹ đẻ và N.V.D. (42 tuổi) nhờ anh trai hiến ruột. Cả hai trường hợp này đều thuộc tình trạng nghìn cân treo sợi tóc, cơ hội sống rất mong manh nếu không được ghép tạng.
Thế giới hiện chỉ có 20 quốc gia thực hiện được kỹ thuật ghép ruột từ người cho sống. Trong đó, ca đầu tiên được thực hiện vào năm 1988 và là tạng cuối cùng được ghép thành công cho đến nay.
Ca phẫu thuật ghép ruột thành công một lần nữa cho thấy bước tiến của ngành ghép tạng tại Việt Nam. Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y: "Đến nay, chúng tôi có thể ghép thành công tạng thứ 6. Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 nước với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công. Đây là thành tựu trong ghép tạng cũng như đem lại tương lai tươi sáng cho bệnh nhân".
Tháng 9, y học Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới trong ngành ghép tạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ 13 ngày (từ 30/8 đến 12/9), các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện tới 23 ca ghép tạng, gồm 3 tim, 4 gan và 16 thận. Trong đó, 15 tạng từ người cho chết não. Tất cả ca ghép đều có kết quả thuận lợi.
Những con số trên cho thấy thành tích đáng nể của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam, như giáo sư, tiến sĩ Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, từng khẳng định: "Chúng ta đã theo kịp kỹ thuật ghép tạng thế giới".