Những cái chết cô độc ở châu Á

Với nhiều người sống một mình trong xã hội hiện đại, dù là trẻ hay già, điều đáng sợ nhất là việc qua đời mà không được ai phát hiện.

Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền câu chuyện về ông cụ Ma Lin (88 tuổi, Thượng Hải) tặng ngôi nhà trị giá hơn 450.000 USD cho người hàng xóm tên Xiaoyou (35 tuổi).

Ông Ma vốn là công nhân nghỉ hưu, vợ đã qua đời, để lại cậu con trai duy nhất bị tâm thần. Bình thường, những người họ hàng chẳng bao giờ đến thăm ông, chỉ hối thúc ông sớm viết di chúc, theo Sohu.

Năm 2016, khi con trai ông Ma đột ngột qua đời tại nhà, từ việc lo lễ truy điệu đến chôn cất chỉ có người hàng xóm gia cảnh khó khăn giúp đỡ ông. Không chỉ vậy, một lần ông Ma bị ngã bất tỉnh ở nhà, chính Xiaoyou là người phát hiện, đưa ông đến bệnh viện và chăm sóc đến khi ông bình phục.

Sau đó, ông Ma quyết định mời gia đình Xiaoyou đến sống cùng, để anh làm người giám hộ và thừa kế ngôi nhà sau khi ông mất.

Ông Ma để Xiaoyou là người giám hộ và thừa kế ngôi nhà khi ông mất.

Ông Ma để Xiaoyou là người giám hộ và thừa kế ngôi nhà khi ông mất.

Khi được chia sẻ trên mạng, nhiều người nhận định ngoài cảm kích tấm lòng của Xiaoyou, điều khiến ông Ma quyết định như vậy còn là vì ông muốn có người giúp lo liệu sau khi mình qua đời.

Trong xã hội hiện đại, “cái chết cô độc” là điều đáng sợ bậc nhất đối với những người sống một mình. Dù là thanh niên độc thân hay người già neo đơn, viễn cảnh bản thân qua đời mà không ai biết thậm chí đôi khi còn đáng sợ hơn cái chết.

Sống lặng lẽ, chết âm thầm

Những cái chết cô đơn, đặc biệt là ở các thành phố của Trung Quốc, Nhật Bản đã trở thành vấn đề đáng lo ngại những năm gần đây. Những người ngoài 50, 60 tuổi sống một mình đã bắt đầu lo về việc dành tiền làm tang lễ vì không muốn hoặc không thể cậy nhờ con cái.

Wang Ming (57 tuổi) là một trường hợp như vậy. Sau khi trải qua cơn nhồi máu não, ông đã nhờ chủ nhà làm người giám hộ cho mình.

Ra tù sau 23 năm thụ án tội giết người, cha mẹ đều đã qua đời, Wang may mắn được chủ nhà hiện tại thông cảm, cho thuê trọ. Đổi lại, ông giúp bà dọn dẹp khu nhà cho thuê.

Về việc giám hộ, yêu cầu của Wang không cao, chỉ cần bà chủ nhà thi thoảng đến kiểm tra tình hình của ông, đưa đến bệnh viện nếu ông bị bệnh hoặc chôn cất ông nếu ông qua đời, theo The Paper.

Dù có nhiều hay ít tài sản, ông Ma hay ông Wang đều có điểm chung là những người sống một mình, không còn người thân thích, quyết định tìm đến sự trợ giúp của những người xa lạ vì sợ cái chết cô độc trong xã hội hiện đại.

 Nhiều người già Trung Quốc, Nhật Bản qua đời tại nhà trong nhiều ngày nhưng không được phát hiện. Ảnh: Reuters.

Nhiều người già Trung Quốc, Nhật Bản qua đời tại nhà trong nhiều ngày nhưng không được phát hiện. Ảnh: Reuters.

Theo Washington Post, chính sách một con và mức sống ngày càng tăng đã khiến dân số Trung Quốc suy giảm nhanh chóng. Năm 2018, nước này có 15% dân số trên 60 tuổi. Đến năm 2040, tỷ lệ này sẽ là 25%.

Bên cạnh đó, vào năm 2016, có hơn 20 triệu người cao tuổi sống một mình ở Trung Quốc. Theo The Paper, con số này vào năm 2020 là 30 triệu người.

Năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật bắt buộc con cái phải thăm nom cha mẹ thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều người già vẫn phải sống cảnh neo đơn, không người chăm sóc.

Tương tự ở Nhật Bản, một nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu NLI ước tính có 30.000 người trên khắp nước này đã qua đời trong cô độc, không ai hay biết.

Tình trạng này phổ biến đến mức khiến ngành dịch vụ làm sạch căn hộ của những người đã khuất phát triển. Thậm chí một số công ty bảo hiểm còn bắt đầu áp dụng những chính sách bảo vệ chủ nhà nếu như người thuê chết trong khu nhà của họ.

Ai cũng sợ “chết một mình”

Đi cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng là áp lực cô đơn đến mức gần như khủng hoảng trong xã hội hiện đại.

Ở đó, nhiều người trẻ áp lực công việc, gánh nặng tài chính, chọn cuộc sống độc thân để cống hiến cho sự nghiệp.

Cái chết cô đơn không chỉ xảy ra với người già, những trường hợp thanh niên khỏe mạnh tưởng như không liên quan đến tình trạng này cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Áp lực cuộc sống và sự đa dạng hóa các phương thức giải trí khiến không ít người ngày càng sẵn sàng khép mình với xã hội và có xu hướng sống cô đơn, lẻ loi, điều này cũng tạo ra “cơ hội” cho cái chết cô độc.

 Không chỉ người già, nhiều người trẻ cũng đối mặt khả năng qua đời không ai hay khi lối sống một mình ngày càng phổ biến. Tháng 9 vừa qua, diễn viên Đài Loan Hoàng Hồng Thăng qua đời tại nhà do tai nạn ở tuổi 36. Ảnh: Chinatimes.

Không chỉ người già, nhiều người trẻ cũng đối mặt khả năng qua đời không ai hay khi lối sống một mình ngày càng phổ biến. Tháng 9 vừa qua, diễn viên Đài Loan Hoàng Hồng Thăng qua đời tại nhà do tai nạn ở tuổi 36. Ảnh: Chinatimes.

Thống kê cho thấy vào năm 2018, hơn 77 triệu thanh niên độc thân ở Trung Quốc sống một mình và dự kiến con số này tăng lên 92 triệu vào năm 2021. Con số những người có khả năng đối mặt với sự cô đơn khi qua đời là không nhỏ.

Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu về các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau không còn quá mạnh mẽ. Dù chủ động hay bị động, họ đều chọn cách sống một mình, nhưng kiểu kiểm soát cuộc sống này sớm muộn gì cũng sẽ bị bệnh tật và cái chết đánh bại, The Paper nhận định.

Rõ ràng, chúng ta không thể dựa vào bản thân để làm mọi thứ. Có lẽ, ngoài trông chờ vào những chính sách hỗ trợ từ chính phủ, điều duy nhất mỗi người có thể làm là không ngần ngại cung cấp sự giúp đỡ và lòng tốt của bản thân cho những người xung quanh, để ít nhất giúp họ vơi bớt nỗi sợ hãi trước sự cô độc trong những ngày cuối đời.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cai-chet-co-doc-o-chau-a-post1155228.html