Những cái chết ngầm dưới chân người lao động
Thời tiết đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm khiến nguy cơ cháy nổ ở nhiều nơi rất cao trong đó có các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sau những vụ cháy không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Báo động nguy cơ cháy nổ tại khu công nghiệp, khu chế xuất
Nhiều vụ cháy nổ diễn ra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an (Cục Cảnh sát PCCC), riêng năm 2019, cả nước xảy ra 26 vụ cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều vụ cháy quy mô lớn, để lại nhiều thiệt hại về tài sản và cả tính mạng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới thiêu rụi hàng chục nhà xưởng.
Những vụ cháy xảy ra tại các khu công nghiệp thường lan nhanh, ngọn lửa bùng phát mạnh và gây thiệt hại nhiều về tài sản. Ngày 22/5/2019, một vụ cháy đã xảy ra tại khu vực nhà kho rộng 270m2 và nhà xưởng 4 tầng (mỗi tầng rộng 2.000m2) thuộc Công ty TNHH Jonh Technology (100% vốn Đài Loan, sản xuất băng keo) ở KCN Việt Hương I, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sau khi lực lượng chữa cháy của công ty không thể dập lửa, Công an tỉnh Bình Dương đã phải huy động 19 xe chữa cháy và nhiều phương tiện khác tham gia chữa cháy. Do đám cháy quá lớn, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã chi viện 5 xe chữa cháy, 1 xe thang; lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai cũng đã chi viện 3 xe chữa cháy và Đội PCCC để dập lửa. Vụ hỏa hoạn tại KCN này đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Bước vào mỗi nhà máy trong các KCN, hình ảnh phổ biến vẫn là những kho, nhà xưởng rộng, ngổn ngang nguyên vật liệu, sản phẩm…Một trong số đó không ít những vật phẩm, hóa chất dễ cháy.
Còn nhớ vụ cháy “ám ảnh” vào ngày 28/8/2019 tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Vụ cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2, sau đó lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy. Hàng trăm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy với 50 xe cứu hỏa đã làm việc trắng đêm để khống chế đám cháy.
Gần đây nhất, khoảng gần 18 giờ cùng ngày, khói lửa bốc ra từ Công ty CP CX Technology VN, ở cuối đường 20 (KCX Tân Thuận) khiến nhiều người qua đường hoảng hốt. Khu chế xuất Tân Thuận nằm tại quận 7, với diện tích hơn 300ha và có khoảng 100 nhà máy đang hoạt động với hàng chục nghìn công nhân.
Vụ cháy xảy ra, Công an TP đã huy động hơn 21 xe chữa cháy chuyên dụng cùng 137 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp dập lửa. Hơn 30 cán bộ đã bị thương trong quá trình dập tắt đám cháy. Một lần nữa, cảnh báo cho chúng ta về những nguy cơ cháy nổ đang tìm ẩn ở những khu công nghiệp quy mô lớn.
Cháy, nổ tại các KCN xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu vẫn là do quy trình PCCC chưa được quan tâm đúng mức, vẫn dựa trên hình thức hoặc không đủ khả năng chữa cháy. Bên cạnh đó, các nhà xưởng trong KCN thường sử dụng các vật liệu dễ cháy làm trần nhà chống nóng, hay chứa nhiều vật liệu dễ gây cháy nổ… nhưng không có các biện pháp chống cháy an toàn và phù hợp.
Liên tiếp các vụ cháy nổ tại các khu công nghiệp, xưởng sản xuất khiến chúng ta cần đặt một dấu hỏi lớn về mức độ an toàn của công nhân tại nơi làm việc. Tài sản, tính mạng của họ sẽ ra sao khi hằng ngày ngồi trên “bà hỏa” đang chực chờ “bốc cháy”.
Lửa cháy dưới chân
Vụ việc tại Tân Thuận thời gian gần đây khiến nhiều người dân hoang mang khi có người thân của họ đang hằng ngày mưu sinh tại khu công nghiệp này. Bản thân những người lao động, họ vẫn phải ngậm ngùi đối mặt với những mối nguy hiểm tiềm ẩn ngay chính nơi làm việc của mình hằng ngày.
Sau mỗi vụ cháy nổ, không chỉ thiệt hại về tài sản, nhiều vụ việc đã cướp đi sinh mạng của người lao động. Vụ cháy vào 12/4/2019 tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn thiêu rụi 4 nhà xưởng, gồm: Xưởng kho lạnh của Công ty CP cơ điện lạnh; Xưởng làm hạt chống ẩm của Công ty TNHH Phương Lan; một kho chứa đồ gỗ mộc thành phẩm và xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79.
Tổng diện tích bị cháy gần 1.000m2. Đau đớn hơn là 8 công nhân đã tử vong trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng này. Có những sự ra đi mãi mãi của cả một gia đình, có công nhân còn rất trẻ, còn người còn chưa kịp thấy mặt con. Sự việc khiến ai nấy đều xót xa phận người công nhân, đi làm ăn xa quê hương, bán sức lao động kiếm sống. Họ ra đi mãi mãi chỉ vì một ngọn lửa hung ác.
Còn sau vụ cháy tại Nhà máy Rạng Đông, nhiều hàng quán đã phải đóng cửa, người dân sơ tán không dám về nhà, lo sợ bị nhiễm độc nên vẫn chưa dám về nhà. Nhưng, đó chỉ là những thiệt hại kinh tế, còn những ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của công nhân nhà máy thì ít được quan tâm.
Tại KCN Tân Thuận, vào giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân chen chúc nhau ra về. San sát giữa các nhà máy, khói bụi mù mịt, kề cạnh đó là đủ loại vật tư, nguyên liệu, hóa chất phục vụ sản xuất. Mà không ít trong số đó là kẻ tiếp tay cho “bà hỏa”.
Giờ đây, những người lao động không chỉ có nỗi lo mưu sinh cơm áo gạo tiền, mà họ còn thêm nỗi sợ về sự mất an toàn nơi làm việc. Khi liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại các khu chiết xuất, đang đe dọa “tính mạng” của hàng nghìn người công nhân. Dẫu vậy, chắc hẳn ai cũng đều phải “nhắm mắt cho qua” vì họ cần kiếm tiền, cần tài chính nuôi gia đình.
Anh Vũ Văn Tú (27 tuổi, công nhân tại KCN Phố Nối A) chia sẻ: “Lương công nhân cũng không phải là cao, ngày làm 8-10 tiếng nhưng đành phải cố để lo cuộc sống gia đình vợ con. Dù biết còn nhiều nguy hiểm như môi trường độc hại, cháy nổ cận kề vì tôi làm tái chế đồ nhựa... nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”.
Đó có lẽ là tâm lý chung của nhiều người công nhân, họ chấp nhận đánh đổi đối mặt nguy hiểm để kiếm sống. Vì vậy, hằng ngày họ vẫn “thản nhiên” làm việc trên những cái bẫy hỏa hoạn trực cháy lúc nào không hay.
Khi những tai nạn hỏa hoạn càng nhiều, nỗi lo càng lớn. Nỗi lo về sự an toàn lao động của công nhân trong các nhà máy. Trong khi, một số doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, lỏng lẻo trong quy trình phòng chống cháy nổ. Hay chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc tạo môi trường an toàn cho công nhân làm việc.
Còn nhớ tại Hà Nội, tháng 6/2019 đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) khiến 8 người tử vong. Tại xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, đồ gỗ nên đã cháy lan và nhanh chóng thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng gồm: xưởng kho lạnh của Công ty Cổ phần cơ điện lạnh; xưởng làm hạt chống ẩm của Công ty TNHH Phương Lan; một kho chứa đồ gỗ mộc thành phẩm và xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79.
Qua những vụ cháy đã phần nào nhận thấy được những bất cập trong công tác phòng chống cháy nổ tại các khu nhà xưởng, doanh nghiệp. Tính mạng và sự an toàn của công nhân trong các khu nhà xưởng vẫn là những “chính sách trên giấy”. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến sự an toàn lao động của công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Hơn hết, các doanh nghiệp cần trang bị một hệ thống PCCC đủ tiêu chuẩn để ứng phó những tình huống hỏa hoạn bất ngờ khi cần thiết.
Thực tế trên cho thấy, nguy cơ và điều kiện gây cháy luôn tiềm ẩn đối với mỗi cơ sở trong từng KCN và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đằng sau đó là thiệt hại kinh tế, uy tín doanh nghiệp và cả những nỗi đau của các gia đình bị mất người thân…