Những căn bệnh lan truyền qua cái chạm tay

Do tiếp xúc với nhiều đồ vật, bàn tay có thể chứa những vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm, thậm chí những vi khuẩn có khả năng gây bệnh nặng.

 Cái bắt tay có thể là đường lây của nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ảnh: Pexels.

Cái bắt tay có thể là đường lây của nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ảnh: Pexels.

"Nếu bạn nghĩ bắt tay là một cử chỉ thân thiện, hãy nghĩ lại. Đó là một mối nguy cơ lây nhiễm", tiến sĩ Ian McCurdie, Giám đốc y khoa của Hiệp hội Olympic Anh, cho hay.

Theo tiến sĩ McCurdie, một vận động viên Olympic có thể mất huy chương ngay cả khi mắc một căn bệnh nhẹ lây truyền qua cái bắt tay. Do đó, mọi người tốt nhất nên tránh thực hiện việc này khi không cần thiết.

Tay bẩn có thể truyền các bệnh nhiễm trùng như norovirus và salmonella gây tiêu chảy và nôn mửa, rhinovirus có thể khiến bạn bị cảm lạnh, cũng như các loại virus gây cúm và thủy đậu.

Bàn tay cũng có thể là nơi trú ngụ của một số vi khuẩn lây lan nhanh chóng và có thể gây bệnh tiêu chảy nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng như Staphylococcus aureus (khuẩn tụ cầu) và Clostridium difficile. Các loại vi khuẩn có thể bám trên tay trong nhiều giờ, được truyền sang bề mặt và tay nắm cửa để những người khác có thể lây nhiễm.

Năm 2009, một nghiên cứu của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London đã lấy mẫu tay của 308 người đi làm ở Anh và phát hiện 4-19% trong số đó bị nhiễm vi khuẩn E.coli. Những người bắt tay với họ không chắc sẽ gặp các vấn đề tiêu hóa nhưng gần như sẽ bị lây truyền vi khuẩn qua tay.

Một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) đã xem xét nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khi bắt tay tại lễ tốt nghiệp. Các nhà khoa học đã lấy mẫu tay trước và sau lễ tốt nghiệp và ước tính cứ 5.209 lần bắt tay thì có một lần nhiễm trùng toàn diện. Do đó, thực tế việc bắt tay đôi khi có thể không nguy hiểm đến vậy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rửa tay có thể giảm thiểu một số lượng lớn người bệnh bị bệnh tiêu chảy.

Mọi người nên rửa tay trước, trong, và sau khi nấu ăn; trước khi ăn; trước và sau khi điều trị vết thương; trước và sau khi chăm sóc người ốm; sau khi đi vệ sinh; sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; sau khi thay tã hoặc và vệ sinh cho trẻ đã sử dụng nhà vệ sinh; sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải động vật; sau khi chạm rác.

Khi rửa tay, mọi người cần lưu ý đủ 6 bước:

- Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

- Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

- Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Nếu sử dụng bình xịt hoặc gel gốc cồn, bạn cần loại có 60% cồn.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-can-benh-lan-truyen-qua-cai-cham-tay-post1500490.html