Những cán bộ Công an đam mê với nghề viết

'Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với tờ báo giấy CAND đúng kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2016), và cũng là dịp Báo ANTG và VNCA 'tròn 20 tuổi'. Ngày đó, tôi cũng đã từng ước mơ một ngày nào đó mình cũng được trở thành phóng viên của Báo hoặc trở thành một cộng tác viên tích cực...' - Trung úy Lê Cao Thiên, Công an tỉnh Sơn La, một cộng tác viên tích cực của Báo CAND bày tỏ.

Gặp hai cán bộ, Công an xứ chè đoạt giải A cuộc thi viết chính luận

"Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm "yêu đồ lính" là tên loạt bài hai kỳ của tác giả Đoàn Đức Phương, Nguyễn Đình Xuân, Công an tỉnh Thái Nguyên vừa đoạt giải A Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 3, năm 2023. Loạt bài đề cập đến một hiện tượng xuất hiện cả trên mạng và ngoài xã hội với sự lên án, cảnh báo kịp thời, có tính thời sự, mang lại hiệu quả thiết thực. Bài viết trước đó đã đăng một phần trên Báo CAND.

Thiếu tá Đoàn Đức Phương và Đại úy Nguyễn Đình Xuân trao đổi, thảo luận đề tài tại đơn vị.

Thiếu tá Đoàn Đức Phương và Đại úy Nguyễn Đình Xuân trao đổi, thảo luận đề tài tại đơn vị.

Đó là hoạt động bất thường của các hội, nhóm "yêu đồ lính" khi rao bán trang phục trên mạng, mặc trang phục lính Việt Nam Cộng hòa trước 1975 diễu hành trên các tuyến phố, xâm nhập vào các sự kiện, hoạt động văn hóa đông người. Thậm chí là nghênh ngang những trang phục ấy vào nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang hay địa danh liên quan những thương vong, mất mát lớn của ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Khe Sanh, Thành Cổ (Quảng Trị), Khu tưởng niệm Đại đội Thanh niên xung phong 915 Bắc Thái ở phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên...

Khi đến viếng, họ không đi đứng với thái độ thành kính, tri ân mà ra vào kiểu "phô trương thanh thế", ăn mặc quân phục, đi phương tiện kiểu của lính Mỹ và quân đội Sài Gòn cũ, đeo kính đen, kèm những phát ngôn, ứng xử kiểu lố lăng, phản cảm, nhiều người thái độ bặm trợn, ra oai.

"Tôi vốn là một người lính, từng có 7 năm trong hàng ngũ QĐND Việt Nam. Dù đã giã từ màu xanh áo lính "Bộ đội Cụ Hồ" ngót 15 năm nay, nhưng trong tôi "chất lính" chưa bao giờ phai nhạt. Bởi vậy, nhìn những anh chị nhân danh "yêu đồ lính" nhưng diện trang phục như vậy nghễu nghện, rồng rắn trên đường phố yên bình của Việt Nam khiến tôi rất dị ứng", Thiếu tá, TS Đoàn Đức Phương, Phó Đội trưởng Đội Pháp chế và Quản lý khoa học, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

Qua tiếp xúc Thiếu tá Đoàn Đức Phương, "chất lính" trong anh toát lên rõ rệt, từ phục trang đến phong thái. Cũng dễ hiểu thôi, khi người con gốc Ninh Giang, Hải Dương ấy được sinh ra và lớn lên ở miền quê trung du, giàu truyền thống cách mạng Thái Nguyên. Anh từng là sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài chống diễn biến hòa bình trên mặt trận tôn giáo.

Sau đó, anh có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, công tác tại Cục Bảo vệ an ninh, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, rồi Cục Chính trị an ninh, Tổng cục An ninh, Bộ Công an với chức trách, nhiệm vụ cầm bút bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Từ năm 2018, Đoàn Đức Phương về công tác tại Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Nguyên, tiếp tục vai trò là chiến sĩ trên mặt trận cầm bút, tham gia nghiên cứu khoa học, cũng như cộng tác viết bài với rất nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo CAND...

Để thực hiện tốt loạt bài dự thi Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Thiếu tá Đoàn Đức Phương cùng đồng đội là Đại úy Nguyễn Đình Xuân, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thái Nguyên kiêm nhiệm thực hiện công tác thường trực Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh đã soi rọi lại hiện tượng mượn danh "yêu đồ lính" qua lăng kính "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - "tuyên ngôn", "cương lĩnh" đầu tiên của Đảng về văn hóa và cách mạng. Cách đây 80 năm, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sự thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động. "Quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên về tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kết hợp với những kiến thức lý luận và thực tế tìm hiểu đã thôi thúc chúng tôi phải cầm bút để viết nên loạt bài này", Thiếu tá Đoàn Đức Phương nhớ lại.

Vậy là, bằng những lập luận sắc sảo, có tính phản biện cao, cùng dẫn chứng thuyết phục, nhóm tác giả đã xây dựng đề cương, thu thập tài liệu và thực hiện loạt bài có tính cảnh báo, phê phán. Qua đó khẳng định, trải qua 80 năm, "Đề cương về văn hóa Việt Nam" vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, vẫn nguyên giá trị trong việc định hướng, xây dựng và phát triển nền nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là kim chỉ nam trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác biểu hiện xâm lăng văn hóa của cái gọi là "yêu đồ lính", góp phần bảo vệ màu xanh áo lính của lực lượng vũ trang, bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Đặc biệt, loạt bài có tính chất dự báo, cảnh báo khi thời gian sau đó, qua các thông tin trên báo chí, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ nhập lậu các lô trang phục có màu sắc, thiết kế giống với trang phục của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngày 11/6/2023, biến tấu của cái gọi là "yêu đồ lính" ấy đã diễn ra đầy kinh hoàng tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khi những đối tượng mặc trang phục "yêu đồ lính" dưới sự tài trợ của nhóm khủng bố đã tấn công trụ sở chính quyền nhân dân khiến 11 người thương vong. Cơ quan chức năng một số địa phương đã tiến hành khám xét, thu giữ hàng nghìn bộ trang phục "yêu đồ lính" không rõ nguồn gốc. Tính thời sự của loạt bài viết cũng vì thế mà càng thể hiện rõ hơn.

Để lan tỏa hình ảnh đẹp về CBCS Công an tỉnh Thái Nguyên và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau khi các bài báo được đăng, Thiếu tá Đoàn Đức Phương đã chuyển đổi số, lan tỏa văn hóa đọc bằng cách dàn dựng, chia sẻ các bài báo trên kênh Youtube, Facebook cá nhân với tên gọi "Bình yên xứ chè". Tình yêu ngành, yêu nghề, niềm tự hào dân tộc, hay "chất lính" ở anh còn bộc lộ qua những việc làm bình dị, thầm lặng mỗi ngày như thế...

Góp phần lan tỏa những việc làm nhân văn trên Báo CAND

Trung úy Lê Cao Thiên, Công an tỉnh Sơn La, một cộng tác viên tích cực của Báo CAND nhớ lại: Năm 2016, khi tôi chập chững những bước chân đầu tiên tại mái trường Học viện An ninh nhân dân (C500), một cậu sinh viên đen nhẻm, gầy gò nhưng có một đam mê với văn hóa đọc. Nếu như những sinh viên khác thường hay đam mê với đọc sách kiểu như: Ngôn tình, trinh thám, hay những sách khoa học viễn tưởng thì tôi lại lân la ra những sạp báo.

Trung úy Lê Cao Thiên (giữa) và đồng nghiệp tác nghiệp trong chuyến công tác tại xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La.

Trung úy Lê Cao Thiên (giữa) và đồng nghiệp tác nghiệp trong chuyến công tác tại xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La.

Thời của tôi hoàn toàn có thể đọc online trên Smartphone, nhưng với tôi báo giấy vẫn có một cái gì đó thật đặc biệt và trang trọng. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với tờ báo giấy CAND đúng kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 – 1/11/2016), và cũng là dịp Báo ANTG và VNCA “tròn 20 tuổi”. Ngày đó, tôi cũng đã từng ước mơ một ngày nào đó mình cũng được trở thành phóng viên của Báo hoặc trở thành một cộng tác viên tích cực.

Sau khi tốt nghiệp Học viện ANND, đầu năm 2021, tôi được tổ chức phân công về nhận nhiệm vụ tại Công an huyện Thuận Châu (Sơn La), sau đó tiếp tục được điều động về công tác tại Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Sơn La. Cho đến giờ, tôi luôn nghĩ đó là một sự sắp đặt tự nhiên. Từ một cậu sinh viên học nghiệp vụ tại Học viện ANND rồi trở thành một phóng viên PX, quả thực đây cũng là một thử thách lớn khi bản thân chưa một ngày nào học trong trường báo chí. Nhưng rồi, bỏ qua chuyện khó, tôi bắt tay vào những việc đầu tiên như thu thập tin, rồi tập viết, tập sản xuất sao cho đảm bảo tính thời sự, nhưng đồng thời cũng phải chính xác. Làm tuyên truyền trong CAND nên khi viết cái gì cũng phải thận trọng, khách quan, làm sao cho đúng tôn chỉ mục đích, mà vừa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Cũng phải mất vài tháng đầu tôi học việc từ lãnh đạo, anh chị em phóng viên cùng Đội, sau đó mới được giao viết. Tôi còn nhớ những ngày đầu khi cộng tác với Báo CAND, những tin bài đầu tiên có lẽ vẫn còn khá “ngô nghê” nên chưa được Ban biên tập đăng tải, nhưng rồi cứ dần dần tự soi, tự rút kinh nghiệm. Tôi còn nhớ, ngày đó khi viết những tin bài đầu tiên, tôi luôn được các anh chị ở Báo CAND quan tâm hướng dẫn, gợi ý đề tài… tận tình hướng dẫn tôi lấy tài liệu, cấu tạo, thể hiện tác phẩm và động viên để tôi tiến bộ.

Còn nhớ vào giữa năm 2021, tôi có một tác phẩm đầu tay được “lên sóng” trên Chuyên đề An ninh thế giới. Ngày đó đang là chiến dịch cao điểm cấp CCCD cho đồng bào vùng cao, tôi tích cực thu thập tài liệu ở các địa bàn, từ những câu chuyện thực tế khó khăn, vất vả trong quá trình làm CCCD ở Sơn La, tôi đặt tên tác phẩm với tựa “Xuống bản làm căn cước công dân”. Sau nhiều lần được sự góp ý, chỉnh sửa, biên tập của nhà báo Việt Hà – Phó trưởng ban Chuyên đề (ngày đó chị phụ trách Báo An ninh thế giới nay đã sang Văn nghệ Công an) thì bài viết của tôi cũng được đăng tải. Quả thực, đến giờ nghĩ lại vẫn là một cảm giác xúc động, bồi hồi và trân trọng.

Gần 3 năm trôi qua, tôi đã có hàng trăm tin, bài được đăng tải trên Báo CAND, và cũng đã cho tôi cơ hội được đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và cũng chứng kiến những hoàn cảnh còn nhiều gieo neo trong cuộc sống. Chính họ, đã cho chúng tôi những nguồn cảm hứng để viết, để sáng tác ra những tác phẩm báo chí, với hy vọng thông qua những bài viết được lan tỏa trên Báo CAND, sẽ có thêm nhiều tấm lòng thiện nguyện, giúp họ vơi bớt đi những nhọc nhằn.

Tới giờ tôi vẫn không thể quên được ngày mà tôi và đồng đội đến với xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn. Tôi và Thượng úy Hoàng Trung Hiếu được phân công nhiệm vụ tuyên truyền Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, đây là một trong những Đề án đầu tiên trong lực lượng Công an cả nước khi Công an tỉnh Sơn La đã thực hiện việc nhận chăm sóc. Một vấn đề mới, đòi hỏi bản thân phải có cách khai thác khéo léo và cách làm cũng thật sự mới mẻ, hấp dẫn, sao cho khán giả dễ hiểu và cảm thông. Áp lực tạo nên những trái ngọt, trong quãng thời gian theo đuổi đề tài, dẫu có những lúc tưởng đi vào ngõ cụt, nhưng nhóm chúng tôi không ai cho phép bản thân mình nản lòng. Đây cũng là tác phẩm 3 kỳ được đăng tải trên Báo CAND đầu tháng 10/2023 với tựa “Mái ấm Công an tiếp sức cho trẻ em nghèo vượt khó, đã góp phần lan tỏa sự nhân văn của Công an Sơn La nói riêng và lực lượng Công an nói chung”.

Để nói hết có lẽ sẽ chẳng bao giờ là đủ, bởi những gì Báo CAND đã cho tôi, đó không chỉ là cơ hội thể hiện năng lực, tình yêu với con chữ, mà ở đó còn là nơi - những anh chị nhà báo chuyên nghiệp đã tận tình giúp đỡ, dìu dắt tôi trưởng thành với nghề báo và yêu mến tôi như người thân trong gia đình.

Quỳnh Vinh - Cao Thiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-can-bo-cong-an-dam-me-voi-nghe-viet-i712224/