Những cánh đồng liên kết doanh nghiệp, HTX và nông dân
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 807 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, với tổng diện tích lên tới gần 68.000 ha mỗi năm.
Diện tích cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân). Ảnh: Hương Thơm
Chúng tôi đến xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc đúng vào thời điểm bà con nông dân đang tập trung sản xuất vụ đông 2020. Trên cánh đồng chuyên trồng các loại cây rau màu có quy mô 90 ha thuộc đất sản xuất của các xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Quang, mỗi người được phân công phụ trách sản xuất và chăm sóc một thửa ruộng, nên ai nấy đều đang hối hả, nhanh tay xuống giống, bảo đảm tiến độ sản xuất của toàn HTX.
Ông Phạm Văn Thụ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Quang, cho biết: Đây là năm thứ 6 HTX với vai trò là đơn vị trung gian đứng ra liên kết các hộ dân trong xã với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để sản xuất các loại cây trồng, trong đó chủ lực là cây ngô ngọt phục vụ chế biến. Việc liên kết sản xuất được thực hiện theo phương thức công ty cung ứng vật tư cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm ngay tại ruộng để đưa về chế biến, vì vậy việc tiêu thụ cũng như hiệu quả kinh tế đều bảo đảm. Đơn cử như cây ngô ngọt, với mỗi ha trồng ngô ngọt, năng suất ước đạt từ 17 đến 19 tấn/vụ, lợi nhuận đạt khoảng 40 đến 50 triệu đồng/ha/vụ. Đáng chú ý, do việc gieo trồng đều được HTX và bà con nông dân thực hiện trên cơ sở đặt hàng của doanh nghiệp, nên trong suốt 6 năm, với 15 vụ thực hiện liên kết sản xuất, chưa khi nào xảy ra tình trạng sản phẩm sau thu hoạch bị ứ đọng, ngưng trệ.
Ở huyện Vĩnh Lộc, gần như xã nào cũng có những cánh đồng được liên kết sản xuất của doanh nghiệp, HTX và nông dân, quy mô từ vài ha, đến vài chục ha... Dù quy mô lớn, nhỏ khác nhau, song những cánh đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nơi đây đều được sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, cũng như thu mua, vận chuyển. Những cánh đồng này đã và đang giúp cho huyện Vĩnh Lộc phát triển được vùng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân lên tới gần 620 ha mỗi năm, góp phần đáng kể để nâng giá trị sản xuất bình quân của diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện lên 145 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích trồng dưa Kim Hoàng hậu được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Trên cánh đồng chuyên trồng các loại cây phục vụ chế biến của thôn Thuận Hậu, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, thời điểm này, tuy mới bước vào thời điểm đầu vụ sản xuất, song cây ngô ngọt đã lên cao vượt đầu người. Lý giải về điều này, bà Mai Thị Hòa, thôn Thuận Hậu, xã Xuân Minh, cho biết: Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất của bà con nông dân nơi đây, thường những diện tích được gieo trồng sớm hơn so với lịch thời vụ sẽ có giá bán và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với những diện tích trồng đúng vụ. Vậy nên, được sự hướng dẫn của ban giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, một số hộ dân nằm trong quỹ đất sản xuất cây trồng sớm và trái vụ đã xuống giống ngô ngọt sớm hơn 1 tháng so với diện tích sản xuất chính vụ. Sản phẩm sau khi thu hoạch, người dân có thể lựa chọn bán cho HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh để HTX cung ứng cho doanh nghiệp, cũng có thể bán ra thị trường bên ngoài tùy ý. Được biết, không chỉ diện tích trồng ngô ngọt, mà hầu hết diện tích trồng các cây trồng khác đều được thực hiện theo cơ chế mở này.
Bà Đỗ Thị Hoa, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, cho biết: Mặc dù việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được thực hiện theo cơ chế mở đối với người sản xuất, song vẫn không hề ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đối với doanh nghiệp, HTX vẫn luôn bảo đảm được những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp. HTX làm được điều này bởi khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp, thay vì cam kết thu mua được toàn bộ sản phẩm, HTX cam kết giữ và thu mua được 50% sản lượng sản phẩm trở lên để cung ứng cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, ngoài diện tích sản xuất của các hộ tham gia liên kết, HTX đã chủ động tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư phát triển sản xuất. Diện tích này phải đủ lớn để bảo đảm được tối thiểu 50% sản lượng sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp trong trường hợp các hộ dân bán ra ngoài khi giá cao hơn so với giá đã cam kết như trong hợp đồng. Trường hợp giá thu mua của công ty bằng hoặc cao hơn so với thị trường, HTX sẽ là đơn vị trung gian đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ dân để cung ứng cho công ty. Nếu có sản phẩm dư thừa, HTX sẽ chủ động đấu mối với doanh nghiệp khác để cung ứng. Dĩ nhiên, để làm được điều này, HTX phải liên kết với nhiều doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Chính nhờ sự năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác điều hành sản xuất, nhiều năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh luôn làm tốt vai trò là đơn vị trung gian kết nối người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, HTX luôn duy trì được mối liên kết với 5 doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của gần 600 ha cây trồng các loại mỗi năm, với lợi nhuận đạt từ 60 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Có đơn vị áp dụng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên cơ sở đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cũng có những đơn vị áp dụng hình thức liên kết mở. Tuy nhiên, dù được liên kết bởi hình thức nào, thì việc liên kết đó đều đã và đang mang lại lợi ích kinh tế vượt trội cho doanh nghiệp, người dân và HTX. Đây cũng chính là lý do khiến cho những cánh đồng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 807 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, với tổng diện tích lên tới gần 68.000 ha mỗi năm.
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; đồng thời phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho 17.136 ha. Trong đó, nhóm khoai tây, cà chua, bí xanh, hành, tỏi, rau màu 4.677,5 ha; nhóm ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, dưa xuất khẩu, ớt xuất khẩu 9.028,5 ha; nhóm ngô dày và cỏ các loại làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, bò thịt 3.567 ha. Đây là động lực để các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tiếp tục nhân rộng những cánh đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.