Những câu chuyện về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10: Ký ức hào hùng không thể quên

70 năm sau ngày 5 cửa ô của Hà Nội đón chào đoàn quân tiến về giải phóng, vẫn còn nguyên những ký ức không bao giờ phai trong trái tim của các cựu chiến sỹ, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô ngày ấy…

Hà Nội đang sống trong những ngày tháng 10 lịch sử, đường phố trang hoàng những công trình nghệ thuật, biểu ngữ, triển lãm ảnh chào đón kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Cùng hình ảnh phố thị hiện đại, các công trình vươn lên mạnh mẽ, vẫn luôn có những ký ức không bao giờ phai trong trái tim của các cựu chiến sỹ, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô ngày ấy.

Đó là hình ảnh người dân háo hức ngóng trông đội quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, các nam thanh nữ tú xếp hàng ngang trên những con phố, cờ hoa rực rỡ chào đón đoàn quân, giai điệu nhạc khúc “Tiến về Hà Nội” ngân lên, cùng tiếng hò reo vang vọng một góc trời…

Là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta về Thủ đô sớm (7/10/1954) để chuẩn bị cho công tác tiếp quản, nhưng khi Tiểu đoàn Bình Ca về Thủ đô đã phải đóng giả là cảnh vệ thành vì quân Pháp yêu cầu lực lượng tiếp quản không phải là bộ đội chính quy, không được mang theo vũ khí, không đeo huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. 214 người của Tiểu đoàn Bình Ca mang theo những vật dụng sinh hoạt thiết yếu, đề phòng các cơ sở lộn xộn mất vệ sinh khi chính quyền cũ rời đi.

Đại tá Dương Niết, cựu chiến sỹ Tiểu đoàn Bình ca, nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không Không quân

Đại tá Dương Niết, cựu chiến sỹ Tiểu đoàn Bình ca, nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không Không quân

Đại tá Dương Niết, cựu chiến sỹ Tiểu đoàn Bình ca, nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không Không quân cho biết, âm mưu của Pháp lúc đó là trước khi rút khỏi Hà Nội, chúng sẽ phá Hà Nội tan tành nên chúng ta phải cho người vào những đơn vị của Pháp. Tiểu đoàn gồm 214 người chia làm 35 tổ, ở 35 vị trí của Pháp đóng quân để đề phòng khi nó giặc phá sẽ chủ động ngăn cản.

“Ví dụ chúng định dỡ trại pháo binh nhưng anh em ta ở đấy giữ lại được. Khi 5 người của ta vào tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt (số 87 Trần Hưng Đạo hiện nay), vẫn còn một trung đội của Pháp và thấy có khẩu hiệu "Có đi vào Nam hay ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ" (Lý Bá Sơ là đồng chí Giám đốc trại giam của ta). Chúng tôi yêu cầu họ dỡ xuống, không để như thế vì nhiệm vụ của chúng tôi là phải cản, không cho chúng dụ dân", Đại tá Dương Niết kể.

Trước đó, để chuẩn bị kỹ công tác tư tưởng cho người dân Thủ đô, tháng 7/1954, Chính phủ đã thành lập Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô tại Đại Từ, Thái Nguyên, với khoảng 400 đoàn viên thanh niên trẻ từ các trường Tân Trào, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thượng Hiền...để tập huấn, học tập chính sách của Chính phủ, nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng.

Ở tuổi 91, hai bên tai không còn nghe rõ nhưng khi nhắc đến nhiệm vụ được giao ngày ấy, ông Nguyễn Văn Khang, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô vẫn nhớ từng chi tiết. Địch lúc đó tuyên truyền, lôi kéo đồng bào mình theo vào Nam, Chính phủ mới thành lập Đội thanh niên tiếp quản làm nhiệm vụ vào Hà Nội trước từ ngày 3 - 6/10 làm nhiệm vụ tiếp xúc với nhân dân, tuyên truyền chính sách, giải đáp thắc mắc cho nhân dân.

“Gần 400 anh em chia ra 36 phố phường, bình quân mỗi phố có 10 người đến từng nhà gõ cửa giải đáp những thắc mắc của người dân. Người dân hỏi nhiều về việc gia đình có người làm công chức sau đây còn được làm việc không? Những người buôn bán hỏi có được buôn bán không? Ra ngoài đường có được mặc áo dài, trẻ con có được đi học không...? Khi giặc nói dân công giáo là Chúa vào Nam để lôi kéo đồng bào mình vào Nam chúng tôi phải tuyên truyền người dân hiểu”, ông Khang nhớ lại.

Ngoài thực hiện tốt công tác tư tưởng cho người dân, Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô còn làm nhiệm vụ dọn dẹp, xóa hết các khẩu hiệu phản động, đưa những khẩu hiệu đón bộ đội vào, làm sạch từng con phố, tập duyệt văn nghệ cùng các sinh viên, học sinh, chuẩn bị không khí sôi nổi cho ngày đón đoàn quân tiến vào giải phóng.

Đến 4 giờ chiều 9/10/1954 , toàn bộ quân đội liên hiệp Pháp đã rời khỏi Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên. Ngay trong ngày mùng 9, người dân trên các con phố đã mở rộng cửa, treo sẵn cờ hoa, háo hức ngóng trông đội quân tiến vào. Sáng 10/10, bên cạnh những cổng chào lớn, nhân dân hoan ca đón mừng bộ đội hai bên đường phố, từng đoàn thiếu nữ ôm hoa đổ ra đường tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe. Phố phường Hà Nội tưng bừng trong ngày hội lớn, ngày hội toàn thắng của ý chí sắt đá, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Khang, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô

Ông Nguyễn Văn Khang, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô

Đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng ngày ấy vẫn hiện rõ trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử. Bà Ngô Thị Ngọc Diệp, nghệ sỹ văn công thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam biểu diễn trong ngày tiếp quản Thủ đô cho biết:

“Lúc bấy giờ chúng tôi có nhiệm vụ biểu diễn cho nhân dân Hà Nội trong không khí hết sức tưng bừng, hào hùng phấn khởi của nhân dân và quân đội. Chúng tôi đã biểu diễn ở bờ hồ, Nhà hát lớn và sau đó là Nhà hát Nhân dân (sau này là Cung hữu nghị Việt Xô). Tôi là người Hà Nội, lúc đi kháng chiến trong khói lửa, nhưng khi về với tư thế là người chiến thắng, lại là về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cảm xúc sung sướng vô cùng”.

Còn ông Nguyễn Đình Tân, cựu học sinh trường Nguyễn Trãi, tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội nhớ lại: “Lúc giờ khoảng 9 giờ sáng 10/10, đoàn quân tiến về Hà Nội từ hướng Chợ Mơ, qua Hàng Bài và mọi người dân đều đã đứng ngoài đường, mang đàn ra kéo các bài hát kháng chiến, đoàn quân đi đến đâu nhân dân lại kéo theo, cờ hoa, học sinh, sinh viên mặc toàn bộ đồng phục trắng, chị em phụ nữ trường Trưng Vương và các trường khác đều mặc áo dài, nhân dân rất rầm rộ rất phấn khởi”.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô do Trung ương Đảng lãnh đạo đã hoàn thành tốt đẹp; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Sau ngày 10/10, các thành viên Đội thanh niên tiếp quản thủ đô tiếp tục làm công tác tư tưởng cho một bộ phận người dân bị Pháp lôi kéo vào Nam.

Ông Đoàn Nhân Lộ, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô, nguyên Giáo sư Đại học Bách Khoa - là một trong những người đầu tiên chế tạo thành công tàu phá thủy lôi không người lái của Việt Nam cho biết: “Chúng tôi công tác ở thành phố Hà Nội từ ngày 9/10 cho đến cuối tháng 11 tiếp tục công tác chống địch cưỡng bức người dân di cư vào Nam. Hồi đó, địch về Hải Phòng tuyên truyền với đồng bào công giáo là Chúa vào Nam rồi nên phải vào theo, nhân dân kéo nhau đi nhưng chúng tôi ra để khuyên bảo rồi đưa họ trở lại quê hương”, ông Lộ nhớ lại.

Không chỉ chiến thắng trên mặt trận quân sự, quân và dân ta đã dành được nhiều thắng lợi trên mặt trận tư tưởng khi nhanh chóng tuyên truyền, ổn định lòng dân, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới. Khẳng định dấu mốc lịch sử quan trọng của ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954), Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ngày mùng 10/10/1954, là một sự kiện chói lọi vẻ vang, rất quan trọng trong lịch sử nước nhà, tiếp thu, vận dụng bài học của cả chuỗi thời gian nghìn năm tổ chức kháng chiến chiến tranh giữ nước, gần như là một quy luật, một đặc điểm của khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, và của lịch sử kháng chiến đấu tranh giữ nước và dựng nước của Việt Nam.

“Lịch sử Việt Nam từ ngày đó đã trải qua 70 năm. Ngày giải phóng Thủ đô tôi mới 18 tuổi và bây giờ sau 70 năm, tôi được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Thủ đô, của đất nước. Trong vòng 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, cay đắng, tổn thất nhưng cũng đầy dẫy những vinh quang, tự hào”, Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ.

Đội thanh niên tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954

Đội thanh niên tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954

Ngày 10/10/1954 là mốc son lịch sử trọng đại, không chỉ đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của các thế lực hiếu chiến thực dân Pháp ở Việt Nam, thắng lợi oanh liệt của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội và đất nước. 70 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm sâu sắc của một thời hào hùng sẽ sống mãi trong ký ức của các cựu chiến sỹ, cựu thanh niên tiếp quản Thủ đô. Dòng ký ức như lời nhắc nhở thể hệ trẻ ngày nay rèn đức luyện tài, giữ tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, quyết tâm xây dựng và đổi mới đất nước.

Thủy Tiên/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-cau-chuyen-ve-ngay-giai-phong-thu-do-1010-ky-uc-hao-hung-khong-the-quen-post1126789.vov