Những câu chuyện xúc động và ý nghĩa

Hội thi đã khép lại, nhưng những câu chuyện ý nghĩa, xúc động của các thí sinh vẫn còn đọng mãi trong tâm trí người nghe.

Thí sinh Trần Ngọc Thiên Kim đến từ Trường tiểu học Truông Mít B, huyện Dương Minh Châu gây xúc động với câu chuyện Chiếc lược ngà.

Thí sinh Trần Ngọc Thiên Kim đến từ Trường tiểu học Truông Mít B, huyện Dương Minh Châu gây xúc động với câu chuyện Chiếc lược ngà.

Sáng 4.7, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách khối tiểu học lần thứ 6 năm 2023. Hội thi đã khép lại, nhưng những câu chuyện ý nghĩa, xúc động của các thí sinh vẫn còn đọng mãi trong tâm trí người nghe.

Hội thi năm nay có sự tham gia của hơn 200 thí sinh, diễn viên hỗ trợ với 20 tiết mục ấn tượng, ý nghĩa. Các tiết mục tham gia là những câu chuyện dân gian, văn học, lịch sử, về Bác Hồ kính yêu... gần gũi với thiếu nhi. Trong đó, có không ít câu chuyện gây xúc động cho khán giả qua những lời kể truyền cảm, xúc động.

Điển hình như câu chuyện “Chiếc lược ngà” của thí sinh Trần Ngọc Thiên Kim đến từ Trường tiểu học Truông Mít B (huyện Dương Minh Châu). Với lối kể chuyện mộc mạc, chân thật cùng sự dàn dựng công phu từ tiểu cảnh đến diễn viên minh họa đã khiến nhiều khán giả xúc động rưng rưng nước mắt trước tình cảm hai cha con trong câu chuyện và những bài học ý nghĩa câu chuyện đem lại.

Hay như câu chuyện xúc động về “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” của thí sinh Đinh Ngọc Hải Anh- Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, huyện Châu Thành được dàn dựng công phu, diễn xuất ấn tượng khiến cả hội trường lặng im, cảm nhận được tình cảm của những người đồng đội trong trận đánh tại ngã ba Đồng Lộc và như đang được sống trong khoảnh khắc lịch sử oai hùng đó.

Bên cạnh những câu chuyện kể xúc động về đấng sinh thành, các vị anh hùng dân tộc, các câu chuyện kể về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam- Chủ tịch Hồ Chí Minh- được nhiều thí sinh chọn lựa. Tuy là đề tài khó, nhưng với niềm tự hào và sự kính trọng của các em dành cho Bác Hồ, các câu chuyện tạo nhiều cảm xúc, làm lay động trái tim của khán giả.

Các thí sinh kể chuyện rất tự tin, lôi cuốn.

Các thí sinh kể chuyện rất tự tin, lôi cuốn.

Tiêu biểu là câu chuyện “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của thí sinh Lý Thị Yến Trinh- Trường tiểu học Cây Da, huyện Gò Dầu, khắc họa tâm tư, tình cảm, hình ảnh của Bác trên giường bệnh. Trước lúc đi xa, Bác đã nhắn nhủ đến đồng bào ta những việc Người còn trăn trở, những mong ước của Người đối với công cuộc giành độc lập cho nước nhà. Lời kể da diết, diễn xuất sinh động thể hiện được tình cảm của của Bác trước lúc ra đi, tình cảm của những chiến sĩ thân cận dành cho Bác. Cả hội trường tĩnh lặng, lắng nghe theo từng lời kể của các em.

Thạc sĩ văn hóa Lê Thị Ngọc Hòa- Trưởng Ban giám khảo hội thi đánh giá cao các tiết mục dự thi năm nay, cả về hình thức lẫn nội dung và các giá trị nhân văn mà các câu chuyện đem lại. Thí sinh có chất giọng tốt, lối kể diễn đạt, sự tự tin và linh hoạt trong cách trình diễn.

Bên cạnh đó, Ban giám khảo dành lời khen cho công tác dàn dựng của các thầy, cô giáo- vừa sáng tạo trong thiết kế đạo cụ vừa áp dụng được hiệu ứng kỹ thuật công nghệ hiện đại như hệ thống chiếu sáng, trình diễn âm nhạc- làm cho các tiết mục thêm sinh động, hấp dẫn và thú vị. “Các câu chuyện thực sự chạm đến trái tim người nghe”- Thạc sĩ văn hóa Lê Thị Ngọc Hòa chia sẻ.

Các tiết mục không chỉ mang ý nghĩa thiết thực, giới thiệu, lan tỏa những câu chuyện hay từ những trang sách quý mà còn là những tâm tư, niềm khát khao ngoài đời thực được các em học sinh giãi bày, gửi gắm để qua đó khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc đối với mỗi học sinh, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như bồi đắp tâm hồn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Là thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi, nhưng với tinh thần tự tin, lối kể chuyện chân thật, cảm xúc, em Nguyễn Thị Ngọc Hương- Trường tiểu học Tân Bình, huyện Tân Biên đã xuất sắc đoạt giải Nhất của hội thi năm nay. Những tài năng nhí như em Ngọc Hương thực sự đã góp phần làm cho hội thi thêm phần đặc sắc.

Chia sẻ niềm vui này, Ngọc Hương cho biết, em cảm thấy rất bất ngờ khi đoạt giải nhất. Chuẩn bị cho hội thi, em đã tập luyện rất chăm chỉ và cố gắng trau dồi cách kể diễn cảm để có thể gửi gắm hết nội dung câu chuyện. Thông qua câu chuyện 13 liệt sĩ ở Rào Trăng 3, em muốn nhắn gửi rằng: các bạn hãy cùng nhau đoàn kết, học tập tốt để xứng danh cháu ngoan Bác Hồ.

Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL trao giải Nhì cho hai thí sinh Nguyễn Đặng Tiến Phát- Trường tiểu học Phạm Hùng, thị xã Hòa Thành và em Huỳnh Võ Yến Vy- Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Tây Ninh.

Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL trao giải Nhì cho hai thí sinh Nguyễn Đặng Tiến Phát- Trường tiểu học Phạm Hùng, thị xã Hòa Thành và em Huỳnh Võ Yến Vy- Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Tây Ninh.

Đánh giá về hội thi năm nay, cô Võ Thị Quỳnh Như, giáo viên tiểu học Truông Mít B, Dương Minh Châu cho biết, các đội có sự đầu tư, nhiều câu chuyện mới, hay đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Đây thực sự là cuộc thi mang ý nghĩa thiết thực, giúp các em lan tỏa niềm đam mê đọc sách, góp phần vào phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi cũng như trong cộng đồng. Đồng thời giúp các em nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, biết ứng xử lễ phép, sống khiêm nhường, yêu thương mọi người xung quanh.

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh có phần thi xuất sắc. Trong đó, giải Nhất thuộc về em Nguyễn Thị Ngọc Hương- Trường tiểu học Tân Bình, huyện Tân Biên với câu chuyện 13 liệt sĩ ở Rào Trăng 3.

Hai giải Nhì thuộc về em Nguyễn Đặng Tiến Phát- Trường tiểu học Phạm Hùng, thị xã Hòa Thành với câu chuyện Hạt đậu thơm và em Huỳnh Võ Yến Vy- Trường tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Tây Ninh với câu chuyện về Hai bà Trưng.

Ngọc Bích

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-cau-chuyen-xuc-dong-va-y-nghia-a160409.html