Những câu hỏi lớn đằng sau vụ rơi trực thăng Iran

Từ trước khi người đứng đầu quân đội Iran Mohammad Bagheri ra lệnh điều tra vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Ebrahim Rais thiệt mạng, một số quan chức Iran đã có ý đổ lỗi cho Mỹ.

Một trong những người đó là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif. Ông nói một trong những nguyên gây nên sự cố là do các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran không có được các phụ tùng thay thế cho ngành hàng không.

Nhiều quan chức Mỹ nhanh chóng gọi lập luận trên "vô căn cứ".

Theo đài CNN, nguyên nhân chiếc trực thăng Bell 212 cũ kỹ do Mỹ sản xuất bị rơi hẳn rất phức tạp, trong đó có thể có việc bảo trì kém hoặc lỗi của con người trong điều kiện sương mù dày đặc.

Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu cũng cho rằng còn quá sớm để bình luận về nguyên nhân vụ tai nạn nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là một vụ tai nạn do thời tiết sương mù.

Mảnh vỡ của chiếc trực thăng chở cố Tổng thống Iran. Ảnh: Reuters

Mảnh vỡ của chiếc trực thăng chở cố Tổng thống Iran. Ảnh: Reuters

Đằng sau vụ rơi trực thăng còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải.

Thứ nhất, tại sao tổ bay lại chọn hành trình qua khu vực có nhiều sương mù?

Khi cố Tổng thống Raisi, cùng Bộ trưởng ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian và các quan chức khác đến lễ khánh thành đập ở biên giới với Azerbaijan sáng 12-5, trời vẫn trong và tầm nhìn tốt.

Tuy nhiên, lộ trình mà tổ bay chọn để trở về - qua trung tâm Tabriz của Iran - thời tiết ngày càng xấu đi.

Mặc dù mùa mưa đã giảm bớt nhưng trời vẫn lạnh và ẩm ướt. Sương mù dày đặc quanh những đỉnh núi cao 1.800 m trên đường bay thẳng. Tại sao phi công phải bay qua những ngọn núi trong khi đi đường vòng quanh dãy núi hoặc đến một điểm đến khác có thể an toàn hơn?

Thứ hai, biết thời tiết xấu và có tổng cộng 3 chiếc trực thăng cùng hành trình, tại sao cả tổng thống và bộ trưởng ngoại giao lại lên cùng một chiếc máy bay?

Ngoài ra, vụ tai nạn cũng cho thấy Iran thiếu khả năng sẵn sàng đối phó với những tình huống thế này. Dường như không thiếu nhân lực, nhưng họ lại bị hạn chế do thiếu công nghệ tiên tiến.

Vào giữa đêm, trong lúc lực lượng y tế, người leo núi, binh lính, cảnh sát và thậm chí cả Quân đoàn Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ lùng sục các đỉnh núi dốc và khe núi sâu thì chiếc máy bay không người lái AKINCI của Thổ Nhĩ Kỳ lại là bên đầu tiên xác định được dấu vết của chiếc trực thăng khi bay vòng trên những đám mây.

Đoạn phim cho thấy đội cứu hộ và lực lượng Quân đội đang chuyển thi thể các nạn nhân trong vụ rơi trực thăng.

Là một quốc gia sản xuất, sử dụng và xuất khẩu máy bay không người lái sát thủ tầm xa sang các nước khác song Iran dường như lại không có một máy bay không người lái giám sát đơn giản có khả năng thực hiện công việc này.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif muốn thế giới tin rằng nền tảng công nghệ của Iran đã bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo CNN.

Nếu ông ấy đúng, trực thăng của tổng thống bị thiếu hụt phụ tùng chất lượng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, vậy tại sao lại mạo hiểm tính mạng của tổng thống và bộ trưởng ngoại giao trên một chiếc máy bay được cho là tiềm ẩn rủi ro? Trong khi đó, các tổng thống Iran thường phải đi đến nhiều nơi và việc lập kế hoạch cho các phương án tốt hơn nên được ưu tiên.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-cau-hoi-lon-dang-sau-vu-roi-truc-thang-iran-196240523091740257.htm