Những câu hỏi với cách tính GDP mới

Việc thay đổi cách tính đã cho ra một số kết quả tích cực, như GDP đầu người năm 2018 theo cách tính GDP mới sẽ khoảng 3.000 đô la Mỹ/năm.

 Cách tính GDP của Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ chưa phù hợp với chuẩn mực của Liên hiệp quốc. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Cách tính GDP của Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ chưa phù hợp với chuẩn mực của Liên hiệp quốc. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra ngày 7-8-2019, đại diện Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) cho biết TCTK thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi cách tính GDP, hiện TCTK đã hoàn tất và sắp sửa công bố kết quả với cách tính mới. Theo đó, việc thay đổi cách tính đã cho ra một số kết quả tích cực, như GDP đầu người năm 2018 theo cách tính GDP mới sẽ khoảng 3.000 đô la Mỹ/năm, tức tăng khoảng 400 đô la Mỹ so với cách tính hiện hành.

Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 183/TTg về chuyển đổi từ hệ thống các bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống các tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA) theo chuẩn mực của Liên hiệp quốc (LHQ), từ đó TCTK áp dụng phương pháp tính toán GDP theo hướng dẫn của LHQ. LHQ đưa ra ba phương pháp tính toán GDP, đó là phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu cuối cùng và phương pháp thu nhập. Hầu hết các nước phát triển tính toán GDP bằng cả ba phương pháp một cách độc lập.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng SNA của LHQ đến nay, Việt Nam chỉ tính và công bố chỉ tiêu GDP theo phương pháp sản xuất và ngay cả khi chỉ tính theo phương pháp này, cách làm của Việt Nam cũng còn nhiều chỗ chưa phù hợp với chuẩn mực của LHQ. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng TCTK tính toàn bộ lãi trả tiền vay ngân hàng vào GDP mà không phân bổ lên chi phí trung gian một phần (phân bổ fisim), hoặc GDP của Việt Nam không trừ đi khoản trợ cấp như chuẩn mực của LHQ. Những điều này đã làm GDP lớn hơn thực chất một khoản không nhỏ.

Nay TCTK tuyên bố tính GDP theo phương pháp mới. Phương pháp mới này là phương pháp nào ngoài ba phương pháp chuẩn mực của LHQ? Nếu TCTK có phương pháp tính GDP mới so với các phương pháp của LHQ hướng dẫn các nước làm, TCTK cần công bố trên tạp chí quốc tế để được thừa nhận rộng rãi và đưa ra khuyến nghị để SNA của LHQ, OECD, IMF, WB có thể phải sửa đổi (?).

Có thể, cái mà TCTK gọi là phương pháp tính mới chỉ là cộng thêm một khoản giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP. Trong khi GDP tính toán từ khu vực quan sát được chưa đạt độ tin cậy hoàn toàn như đã nói ở trên, nay lại tính thêm GDP của khu vực chưa quan sát được thì con số này có đáng tin cậy không? Bằng cách nào TCTK quan sát được khu vực kinh tế lâu nay chưa quan sát được? Những câu hỏi này cần được giải đáp khi TCTK công bố chính thức phương pháp tính GDP mới.

Ngoài ra, còn những câu hỏi khác đã được đặt ra từ trước khi TCTK tiết lộ thông tin ban đầu về cách tính GDP mới, cũng cần được giải đáp. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam và số liệu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Năm 2016, thống kê số liệu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc thấp hơn 20 tỉ đô la Mỹ so với xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam.

Nếu thực sự lượng hàng hóa (chênh lệch) trị giá 20 tỉ đô la Mỹ này vào Việt Nam, có thể quy mô GDP sẽ nhỏ hơn. Có lần TCTK thừa nhận sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc phần lớn do kinh tế phi pháp không quan sát được. Như vậy nếu tính phần chưa quan sát được vào GDP thì không chỉ tính thêm vào mà còn phải trừ ra một khoản (như khoản này) vì GDP = Tiêu dùng cuối cùng của hộ + chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ + tích lũy gộp tài sản + xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Để GDP năm 2018 theo giá hiện hành đột nhiên tăng lên (như thông tin của TCTK) sẽ phải điều chỉnh số liệu của một dãy năm trước đó theo cả giá hiện hành và giá so sánh, như vậy tốc độ tăng trưởng GDP có còn được giữ nguyên không? Nếu tốc độ tăng trưởng GDP được giữ nguyên tức là nền kinh tế chưa quan sát được, kinh tế ngầm ở các ngành đều tăng lên như nhau? Việc thay đổi này sẽ làm các hệ số của bảng cân đối liên ngành (input - output table) năm 2012 mà TCTK đã công bố thay đổi hết. Điều đó dẫn đến các đề tài khoa học, các bài viết trong nước và quốc tế không còn nhiều giá trị hoặc mất hết ý nghĩa?

Năm 2012, TCTK cũng đột nhiên điều chỉnh quy mô GDP tăng lên vài trăm ngàn tỉ đồng và giải thích việc tăng GDP như vậy nằm ở ngành ngân hàng và nhà ở tự có tự ở. So sánh số liệu cũ và mới có thể nhận thấy giá trị tăng thêm của ngành ngân hàng được nhân đều với cùng một số (4,09) từ năm 2008 đến những năm sau đó. Sau bảy năm (2019), GDP lại được làm nở ra còn nhiều hơn năm 2012.

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292793/nhung-cau-hoi-voi-cach-tinh-gdp-moi-.html