Những cây cầu 'nối' du khách đến với TP.HCM

Những cây cầu ấn tượng ở TP.HCM cũng là điểm đến mà nhiều du khách ưa thích khi đến TP.HCM.

Cầu Ba Son (Thủ Thiêm II) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phá triển của TP.HCM, cũng là biểu tượng cho du lịch TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.

Cầu Ba Son (Thủ Thiêm II) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phá triển của TP.HCM, cũng là biểu tượng cho du lịch TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.

Cầu Ba Son đươc xem là một công trình hạ tầng giao thông góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố, vừa là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.

Cầu Ba Son nối liền Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố với tổng chiều dài 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886m với 6 làn xe. Từ trên cầu du khách có thể thả tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan 2 bên với những công trình, tòa cao ốc mỹ lệ. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào, đón du khách tới với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.

Cầu như cổng chào đón du khách đến với TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.

Cầu như cổng chào đón du khách đến với TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.

Nhiều lễ hội sông nước, đua thuyền được tổ chức ngay tại cầu để phục vụ du khách. Ảnh: Hữu Long.

Dự án được xây theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM đến thời điểm này.

Cầu Ba Son được đưa vào sử dụng giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm và góp phần giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng; giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Cầu Ánh Sao được khánh thành vào ngày 20/4/2010, là cầu bộ hành dài 170m, rộng 8,3m, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Cây cầu bắc ngang qua rạch Thầy Tiêu, được mô phỏng hình ảnh những vì sao bắc qua dải ngân hà, đúng như tên gọi của cầu, nhờ dãy đèn 329 nằm trên mặt cầu.

Cầu Ánh Sao vào ban ngày, tuy không có đèn và phun nước, nhưng vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: M.H

Cầu Ánh Sao vào ban ngày, tuy không có đèn và phun nước, nhưng vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: M.H

Ở hai đầu cầu là hai quảng trường rộng, một đầu mô phỏng hình nửa vầng trăng, đầu kia mô phỏng hình mặt trời, mang ý nghĩa về sự dung hòa của trời đất. Hai bên thành cầu là hai thác nước nhân tạo gắn đèn thay đổi 7 màu liên tục. Hệ thống đèn ở thành cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời. Nhìn từ xa, cầu Ánh Sao như một dải ngân hà uốn lượn trên Hồ Bán Nguyệt, tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn.

Bạn có thể đến cầu để dạo chơi vào bất cứ lúc nào mà không mất phí tham quan. Khi đi dạo trên cầu Ánh Sao, du khách sẽ được trải nghiệm hệ thống đèn led hai bên thành cầu liên tục đổi màu tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo khiến cho bạn cảm giác như đang ở giữa bầu trời ngàn sao. Đứng từ trên cầu nhìn xuống, ta có thể nhìn thấy toàn bộ mặt hồ, những ánh đèn chiếu xuống mặt nước tạo nên khung cảnh vô cùng ảo diệu. Vào buổi chiều, nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn thơ mộng giữa lòng Sài Gòn.

Cầu Ánh Sao về đêm lung linh chào đón du khách. Ảnh: M.H.

Cầu Ánh Sao về đêm lung linh chào đón du khách. Ảnh: M.H.

Có rất nhiều sao (ánh đèn) dưới chân du khách. Ảnh: M.H

Ngày 4/6/2013, cầu Ánh Sao đã nhận huân chương Arthur G.Hayden của Hội nghị Cầu đường Quốc tế (IBC), công nhận thành tựu nổi trội dành cho công trình cầu đường thể hiện tầm nhìn và sự cải tiến đối với những cây cầu có công năng đặc biệt.

Trước đó, đầu năm 2013, cầu Ánh Sao cũng đã lọt vào danh sách “100 điều thú vị của TP.HCM”.

Cầu Ông Lớn nằm trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh, bắc qua con rạch Ông Lớn. Đây là cây cầu có kết cấu cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam. Từ xa, du khách có thể dễ dàng nhận ra cầu Ông Lớn với chiếc áo khoác màu đỏ đặc trưng.

Cây cầu tạo điểm nhấn cho đại lộ đô thị Nguyễn Văn Linh hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ảnh: M.H.

Cây cầu tạo điểm nhấn cho đại lộ đô thị Nguyễn Văn Linh hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ảnh: M.H.

Nằm trên tuyến đường đô thị lớn và hiện đại bậc nhất TP.HCM - đại lộ Nguyễn Văn Linh - cầu Ông Lớn mang đến cho du khách sự nhộn nhịp, tấp nập của một thành phố sôi động nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại nhờ cảnh quan sông nước và cây cối xung quanh. Với vẻ đẹp độc đáo, nổi bật của mình, cây cầu này là điểm đến thú vị của du lịch TP.HCM.

Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP. HCM có chiều dài hơn 2.000 m với 6 làn xe. Cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của TP. HCM. Cầu Phú Mỹ được khánh thành vào ngày 2/9/2009, tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Cầu Phú Mỹ đưa vào sử dụng giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn từ miền Bắc, miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long (qua địa phận TP.HCM) được rút ngắn.

Cầu Phú Mỹ là địa điểm lý tưởng cho nhiều du khách để ngắm bình minh hay hoàng hôn yên bình giữa lòng thành phố.

Cầu Nguyễn Văn Cừ nối Quận 1, 5 với Quận 4, 8 có tổng kinh phí xây dựng 535 tỷ đồng được khánh thành từ tháng 4/2009. Kể từ khi hoạt động, cây cầu này giúp giảm đáng kể áp lực giao thông cho cầu Ông Lãnh và cầu Kênh Tẻ.

Cầu Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức) được xây dựng, hoàn thành vào năm 1961, với chiều dài gần 1km, gồm 32 nhịp. Đây là một trong những cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn. Đến năm 2013, để đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, cạnh đó là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM.

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//du-khao/nhung-cay-cau-noi-du-khach-den-voi-tphcm-c14a59168.html