Những chàng trai Tuyên Quang ở Trường SaKhát vọng của doanh nhân trẻLàng măng khô nhộn nhịp vào mùaTuyên Quang nhộn nhịp làm mô hình đèn Trung thuKhát vọng làm giauỒng Dậu 'Tây' và 7 thập kỷ gửi tâm tư qua tiếng ghi taThương binh tàn nhưng không phế

Trên đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, có những chàng trai quê Tuyên Quang đang cùng đồng đội ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là thiếu úy Lê Tuấn Anh, sỹ quan thuộc đơn vị bảo đảm kỹ thuật, gia đình ở thôn Cống Đôi, thị trấn Tân Yên, Hàm Yên; và trung úy Hoàng Minh Tiến, phân đội trưởng thuộc cụm chiến đấu, gia đình ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng, Yên Sơn.

Đoàn báo cáo viên của tỉnh đã gặp 2 chàng trai trên đảo Sinh Tồn, đúng dịp huyện đảo Trường Sa tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 44 năm giải phóng Trường Sa tháng 4 vừa qua. Đã biết trước có đồng hương trên đảo, nên cả đoàn ai cũng dồn sự quan tâm tìm gặp, tâm tình, cả tặng quà riêng. Đồng chí Lê Tiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác của tỉnh vừa tặng quà, vừa thăm hỏi rất ân cần như cha với con. Các chàng trai cũng lễ phép trả lời cặn kẽ từng câu hỏi. Ấn tượng rõ nhất từ 2 người là ý chí quyết tâm rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hai chiến sĩ chụp ảnh cùng Đoàn công tác của tỉnh (ảnh trên bên trái). Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức
Tỉnh ủy Lê Tiến Thắng với hai sỹ quan người Tuyên Quang tại đảo Sinh Tồn (ảnh trên bên phải);
Lưu luyến chia tay Đoàn công tác (ảnh dưới)

Thiếu úy Lê Tuấn Anh sinh năm 1993, là con trai duy nhất của cô giáo hiệu trưởng trường THCS Thành Long, huyện Hàm Yên. Cả nhà không ai là hải quân, nhưng Tuấn Anh nung nấu ý chí trở thành hải quân từ nhỏ. Nhập ngũ tháng 9 năm 2012 vào Sư 316, Quân khu 2, sau Tuấn Anh học Trung cấp kỹ thuật quân khí ở Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp năm 2014, đúng lúc có sự kiện tàu Hải Dương 981, Tuấn Anh làm đơn xin ra đảo.

Tuấn Anh trò chuyện với sĩ quan chỉ huy của Đoàn công tác số 3.

Tuấn Anh trò chuyện với sĩ quan chỉ huy của Đoàn công tác số 3.

Mẹ Tuấn Anh nghe con hỏi “con ra Trường Sa có được không” còn tưởng con nói đùa, đồng ý liền. Khi biết chắc cậu vào Lữ đoàn Trường Sa 146, thuộc Vùng 4 Hải quân, và chuẩn bị tra đảo thật, mới sửng sốt “hóa ra nó làm thật”. Chị khóc mấy đêm liền, vì nhà chỉ có mỗi Tuấn Anh là con một, lại có biết bơi lội gì mà vào hải quân. Hơn nữa, ngoài khơi đang “nóng” thế.

Kỳ nghỉ phép đầu tiên sau khi vào Vùng 4, Tuấn Anh về nhà nghỉ đúng 1 ngày, còn lại nhờ bố đưa ra con suối nhỏ gần nhà tập bơi. Nung nấu trở thành chiến sỹ hải quân và sự giúp đỡ của người cha đã giúp Tuấn Anh nhanh chóng bơi thành thạo.

Tháng 7 năm đó, cậu được ra đảo Sơn Ca. Tháng 12 năm 2016, ra đảo Sinh Tồn. Tháng 7 năm ngoái, tiếp tục ra Sinh Tồn lần 2. Từ ước mơ của cậu bé bên con suối nhỏ nơi quê nhà, Tuấn Anh đã trở thành sỹ quan cao lớn, làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dẫn chúng tôi đến thăm phòng ở trên đảo Sinh Tồn, Tuấn Anh không giấu nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhất là cậu con trai chưa biết mặt. May giờ có sóng điện thoại nên nỗi nhớ cũng vơi phần nào. Hình ảnh về mỗi thay đổi của cậu con trai nhỏ cũng thỉnh thoảng được cập nhật qua điện thoại.

Đến thăm gia đình Tuấn Anh ở Cống Đôi, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, chúng tôi được gia đình phấn khởi khoe: Tuấn Anh đang trên đường về phép. Cậu con trai chưa đầy tuổi như lây niềm vui của người lớn cứ nhảy nhót liên hồi trên tay mẹ. Bà nội cháu nựng: “Từ lúc có cháu, bố con cháu chưa gặp nhau lần nào đâu, vì tết bố vẫn ở ngoài đảo. Giờ bố cháu về ngày nào thì nhà cháu Tết ngày ấy. Nhà cháu sắp tết rồi”.

Gia đình Tuấn Anh ngắm ảnh con trai chụp cùng Đoàn báo cáo viên của tỉnh
tại đảo Sinh Tồn, tháng 4/2019.

Vợ Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Kinh tế. Cưới nhau vào kỳ nghỉ phép, rồi xa nhau biền biệt, cô dâu trẻ ở nhà với bố mẹ chồng. Ngày Tuấn Anh ra đảo Sinh Tồn lần 2 là lúc cô mới mang thai vài tháng. Khi cô trở dạ, mẹ chồng bận việc ở trường không thể vắng. Nghe bác sỹ nói em bé có tràng hoa cuốn cổ, không thể đẻ thường ở bệnh viện huyện, chỉ mỗi bố chồng và con dâu đưa nhau xuống bệnh viện Hùng Vương tận Đoan Hùng.

Anh Lê Huy Thanh, bố Tuấn Anh kể, hôm ấy chỉ thấy tôi và cháu, các bác sỹ thấy lạ lắm, hỏi “anh là thế nào với sản phụ”. Đến khi biết hoàn cảnh, ai cũng cảm thông. Rồi ca mổ thành công, em bé hay ăn chóng lớn, giống bố như hai giọt nước. Nhìn ánh mắt lấp lánh của người vợ trẻ đang sắp được đón chồng trở về từ Trường Sa, ít ai hiểu cô đã trải qua những phút giây khó khăn và tủi thân đến thế.

Đọc tin tức quê nhà trên báo Tuyên Quang.

Đọc tin tức quê nhà trên báo Tuyên Quang.

Trung úy Hoàng Minh Tiến dáng cao lớn, nụ cười rất sáng. Là phân đội trưởng, Tiến hiểu rõ nhiệm vụ phải hoàn thành, đồng thời luôn phải là tấm gương cứng cỏi cho các chiến sỹ trong đơn vị để vượt mọi khó khăn, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Bố Tiến ra thăm con tại đảo Sinh Tồn tháng 6-2019.

Bố Tiến ra thăm con tại đảo Sinh Tồn tháng 6-2019.

Tiến vào Vùng 4 sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan đặc công tháng 8 năm 2017. Ra đảo Sinh Tồn tháng 7 năm 2018, Tiến được giao nhiệm vụ phân đội trưởng. Nhìn chàng sỹ quan cao lớn, trọng trách không hề nhỏ, lại nhớ lời kể của mẹ cậu từ thôn Lũng, xã Mỹ Bằng: “Cháu nhút nhát, khảnh ăn lắm. Ngày mới nhập học trường sỹ quan, gọi điện về nhà khóc suốt. Thế mà từ khi thành bộ đội hải quân cứng cáp hẳn. Bước đi đàng hoàng đĩnh đạc, khác hẳn kiểu lê dép loẹt quẹt lúc ở nhà”.

Tâm sự với chúng tôi về ngày đầu ra đảo, Tiến cũng như các chiến sỹ khác đều có chung nỗi nhớ nhà. Nhưng ai cũng nêu cao quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Nhiệm vụ vẫn là trên hết, em và đồng đội sẽ hoàn thành xuất sắc. Gia đình và đất liền cứ yên tâm”- chàng sỹ quan trẻ cả quyết như vậy.

Trên đảo Sinh Tồn có cây đa giống gốc Tân Trào, do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng tặng dịp ra thăm đảo tháng 4 năm 2013. Nay cây đã lên xanh, bắt đầu tỏa bóng. Ngay từ ngày đầu ra đảo, Tiến và Tuấn Anh đã được biết về điều này. Mừng vui pha lẫn tự hào, cả 2 xem cây như một người bạn thân thiết giữa mênh mông trời biển. Các anh chia sẻ, cây như hình ảnh đất liền, hình ảnh quê nhà thân thương.

Truyền thống tốt đẹp của quê hương Thủ đô cách mạng Tân Trào đang được tiếp nối nơi đảo xa để giữ vững biển đảo của Tổ quốc.

Nhận xét về 2 đồng đội quê Tuyên Quang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cả 2 đều luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm nay sẽ đến hạn thăng quân hàm.

Chăm sóc cây đa Tân Trào trên đảo Sinh Tồn.

Chăm sóc cây đa Tân Trào trên đảo Sinh Tồn.

Đến thăm nhà Tiến ở Mỹ Bằng, được biết vừa qua bố Tiến được ra Sinh Tồn thăm con trai. Anh rất phấn khởi thấy con trưởng thành, thấy quân và dân trên đảo có cuộc sống không khác mấy so với đất liền. Nói về cậu con trai đang đóng quân ngoài đảo xa, cả 2 vợ chồng anh đều không giấu niềm tự hào, chan chứa yêu thương. Cả nhà đang nóng lòng gặp Tiến sắp về nghỉ phép.

Cũng ở Sinh Tồn còn có thiếu úy Phạm Tiến Dũng lấy vợ ở xã Hùng Đức, Hàm Yên. Anh thuộc trung đội kỹ thuật, ra đảo đầu năm 2019. Anh là cây văn nghệ của đảo, đang giao lưu cùng diễn viên Đoàn ca múa Hải Đăng trên sân khấu nên không được trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm cùng đồng hương đoàn công tác.

Các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa Lớn, Phan Vinh… cũng từng có các chiến sỹ người Tuyên Quang làm nhiệm vụ. Một số đã chuyển vào bờ, một số vẫn đang chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi.

Nhân ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, chúc các anh - những chiến sỹ Trường Sa dũng cảm luôn khỏe mạnh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Hà Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/nhung-chang-trai-tuyen-quang-o-truong-sa-120890.html