Những chiếc thuyền 'xuất quân' ngày biển động
GĐXH - Những ngày biển động hầu hết tàu thuyền đều nằm bờ để tu bổ đợi cho một mùa biển mới. Một số tàu thuyền vẫn vượt sóng với nhiều rủi ro để thu về những mẻ hải sản tươi ngon.
Một sáng lạnh của mùa đông tại vùng cửa biển Roòn (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), hầu hết tàu thuyền đều nằm bờ. Khi những đợt sóng bạc đầu cuồn cuộn vỗ bờ vẫn có một số ngư dân đang chuẩn bị ngư cụ, sẵn sàng cho chuyến biển.
"Mùa biển động thì làng chài nào cũng chật kín tàu thuyền neo đậu. Nhiều người không dám ra khơi vì sự an toàn của bản thân và tài sản. Trong thời gian đó, chúng tôi thường tu sửa lại tàu thuyền để chờ ngày vươn khơi hợp lý hơn", ông Phạm Xuân Hải (SN 1978) - chủ tàu công suất 90 CV cho biết.
Theo bà con ngư dân ở xã biển Cảnh Dương, mùa biển động thường bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch năm trước cho đến gần hết tháng 1 năm sau. Khi đó, biển thường có sóng to, gió lớn, ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đánh bắt thủy hải sản. Trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, tiền nhiên liệu cao hơn so với cùng kỳ năm trước nên phần lớn tàu thuyền đều nối dài nhau trong khu vực neo đậu.
Ngư dân Đoàn Văn Bằng (SN 1970), trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn cho biết, thời tiết gần đây thất thường, vào đông nên cũng khắc nghiệt hơn, nhưng anh vẫn quyết định dong thuyền đánh bắt hải sản để có nguồn trang trải trong gia đình.
"Khoảng 3 giờ sáng tôi bắt đầu xuất bến. Dạo này biển động, gió rét nhưng vì mưu sinh nên phải chịu khó, chứ không thể chờ đợi thời tiết theo ý mình. Chuyến tàu này cũng bắt được vài yến cá, trừ dầu đi thì lời mấy trăm nghìn tiền công", ông Bằng chia sẻ.
Nhiều ngư dân dong thuyền xuất bến trong thời gian biển động là bởi cá tôm vào giai đoạn này thường tươi ngon hơn, mang lại lợi nhuận cao, nhưng đi kèm với đó là không ít rủi ro.
"Ra khơi mùa biển động sóng to, gió lớn khắc nghiệt. Nhưng nếu may mắn trúng mẻ thì kiếm được tiền triệu, còn không thì cũng lãi vài trăm nghìn, đủ trang trải hằng ngày. Cuối năm rồi nên anh em ai cũng tranh thủ đi đánh bắt để kiếm thêm tiền sắm Tết", ngư dân Nguyễn Đình Hùng (SN 1969), trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn cho biết.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn có 6.792 tàu thuyền các loại, trong số đó, có 1.207 chiếc trên 15m, 3.970 từ 6m trở lên, còn lại là tàu thuyền nhỏ dưới 6m.
Tại các xã biển như Cảnh Dương, Quảng Đông, Quảng Xuân, Quảng Phúc,… tàu thuyền của ngư dân thường có công suất từ 15-20 CV, chỉ đánh bắt trong ngày trong phạm vi 8-10 hải lý, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 4-5 tiếng. Thuyền nhỏ đi 2 người, thuyền lớn thì cần 4 người.
Với những thuyền lớn hơn, hành nghề nhiều ngày trên biển, chủ tàu có phần thận trọng hơn nên chưa bắt đầu xuất bến. Phần lớn ngư dân dành thời gian để sửa sang tàu thuyền, kiểm tra hệ thống máy và ngư cụ để đảm bảo chuyến biển gần nhất có thể diễn ra suôn sẻ.
"Vào mùa biển động, đa số tàu thuyền của ngư dân đều neo đậu tại bến, một số ít hoạt động tại các vùng biển xa hoặc đánh bắt gần bờ trong thời gian ngắn. Đơn vị luôn theo dõi sát sao tình hình thời tiết, để thông báo kịp thời, liên tục cho bà con, cùng bà con vươn khơi bám biển và phòng ngừa tai nạn, rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra", ông Linh cho biết.