Những chiếc xe lăn đặc biệt dành cho nạn nhân chiến tranh ở Colombia

7 năm trước, cuộc sống của cựu quân nhân Colombia - William Loaiza đã thay đổi. Khi hành quân qua khu rừng rậm, anh dẫm phải mìn và bị cụt cả hai chân. 'Ban đầu, tôi nghĩ rằng, cuộc đời đã kết thúc. Tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Tôi không thể tiếp tục sống với sự bình thường, tự do vốn có. Mọi thứ trở nên khả quan hơn khi tôi có được chiếc xe lăn tiện ích này', ông William Loaiza vừa nói vừa đưa bàn tay chạm vào bánh xe lăn để di chuyển.

Những chiếc xe lăn có thiết kế đặc biệt sẽ được ra mắt trong năm tới

Những chiếc xe lăn có thiết kế đặc biệt sẽ được ra mắt trong năm tới

Xe lăn có thiết kế đặc biệt

Vào thời điểm đó, Loaiza là 1 trong số gần 200.000 người Colombia sống trong tình trạng khuyết tật do hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài nửa thế kỷ. Đất nước với những ngọn núi cao, đường đá, chưa được trải nhựa và đồng cỏ trải dài là mối đe dọa lớn đối với những người phải di chuyển trên xe lăn như Loaiza. Một dự án thiết kế xe lăn của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học lớn ở Colombia mang tên “Silla Todoterreno” hay “All-Terrain Chair” đã ra đời, dành riêng cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang Colombia.

Félix Echeverría, chuyên gia của trường Đại học Antioquia, người phụ trách dự án cho biết, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Antioquia, Đại học Bolivarian và Đại học Medellín đã triển khai dự án từ năm 2016 sau khi Chính phủ Colombia ký Hiệp ước hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Mục tiêu của dự án là “phát minh ra sản phẩm gì đó góp phần giải quyết vấn đề mà cộng đồng phải đối mặt sau cuộc xung đột”.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng, các nạn nhân khuyết tật thường trở về nông thôn - nơi những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá, không có tài nguyên, địa hình gồ ghề, đi lại rất khó khăn. Như trường hợp của Loaiza, ông đã chuyển từ thị trấn nhỏ ở phía bắc Colombia đến Medellín”, chuyên gia Félix Echeverría nói. “Bất lực là cảm giác chung của những người khuyết tật sống ở những vùng nông thôn”, Paula Chacón, một nhà nghiên cứu tham gia dự án “Silla Todoterreno” cho biết. Cô và các nhà khoa học khác đã làm việc với Loaiza và hai người sử dụng xe lăn khác để đảm bảo việc xây dựng xe lăn phù hợp nhất với nhu cầu của họ.

“Chiếc xe lăn đã phải trải qua hàng loạt các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Bị rơi, va đập hàng nghìn lần, di chuyển qua nhiều dạng địa hình mô phỏng thực tế. Vật liệu nhẹ và cơ chế đẩy không chỉ cho phép người dùng dễ dàng di chuyển trên đá, rễ cây mà còn giúp tiết kiệm sức lực khi di chuyển. Điều này sẽ giúp các nạn nhân giảm sự phụ thuộc vào gia đình và bạn bè, tự chủ hơn khi di chuyển”, Paula Chacón nói tiếp.

Hy vọng dành cho tất cả người khuyết tật trên toàn thế giới

Xe lăn sử dụng chất liệu magie nhẹ, thường được sử dụng trong các thiết bị chất lượng cao cho vận động viên, ba bánh xe nặng để dễ dàng di chuyển qua các địa hình khó khăn nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia, “Silla Todoterreno” không chỉ đưa ra giải pháp cho các nạn nhân chiến tranh ở Colombia mà còn có thể giúp đỡ các nạn nhân trên toàn thế giới đang phải đối mặt với trở ngại tương tự.

Nếu sử dụng vật liệu đắt tiền hơn như sợi carbon, giá mỗi chiếc xe lăn sẽ lên tới 3.000 - đến 9.000 USD. Mức giá này không phù hợp với thu nhập bình quân ở Colombia, nơi tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao. “Chúng tôi muốn người dân có khả năng tiếp cận sản phẩm nên thiết kế sản phẩm đơn giản, sử dụng magie, một kim loại dồi dào trong lớp vỏ Trái đất để chế tạo sản phẩm tại địa phương với giá rẻ”, Echeverría nói.

Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ hoàn thiện vào năm tới. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ hợp tác với các tổ chức viện trợ, tổ chức Chính phủ để sản xuất “Silla Todoterreno” quy mô lớn hơn, phân phối miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nạn nhân tại các vùng xung đột.

Loaiza cho biết, anh cảm thấy sự khác biệt rõ nét mà chiếc xe lăn đã tạo ra trong cuộc sống của mình. Anh đã sử dụng “Silla Todoterreno” để di chuyển qua nhiều địa hình khác nhau. “Tôi dễ dàng di chuyển qua những địa hình nhiều đá, rễ cây, thậm chí là sườn đồi và cát. Tôi cảm thấy như có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn. Tôi hy vọng, những chiếc xe có thiết kế kiểu này sẽ được chia sẻ rộng rãi, không chỉ ở Colombia mà trên toàn thế giới, nơi có những nạn nhân phải đối mặt với khó khăn tương tự”, Loaiza nói.

Mạnh Tường (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nhung-chiec-xe-lan-dac-biet-danh-cho-nan-nhan-chien-tranh-o-colombia/839146.antd