Những 'chiến binh' trên tuyến đầu chống dịch

Những ngày này, nhiều căn phòng làm việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) sáng đèn cả khi đã hết giờ làm việc. 100% cán bộ, nhân viên Trung tâm kín lịch công tác, có mặt ở những điểm nóng nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Họ chính là những 'chiến binh' thầm lặng có mặt ở tuyến đầu nhằm 'gác cửa', hạn chế dịch bệnh phát sinh, lan rộng, ảnh hưởng đến cộng đồng.

Luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Tính đến ngày 26-4, tổng số ca được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên toàn tỉnh là 602 mẫu. Tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp dương tính với dịch Covid-19. Đối với một dịch bệnh đang lây nhiễm toàn cầu, Tuyên Quang được đánh giá là đang làm tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh; nếu có thì có thể phát hiện sớm và khống chế kịp thời, không để bùng phát, lan rộng ra cộng đồng. Trong sự nỗ lực chung của toàn tỉnh để làm nên thành công bước đầu này không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn lao của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19, 100% cán bộ của khoa trên từng cây số bởi tần suất công việc của mỗi cán bộ gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Bất kỳ khi nào có thông tin về những trường hợp nghi nhiễm, chúng tôi đều trực tiếp đến tận nơi để điều tra dịch tễ. Ngoài ra còn hỗ trợ, giám sát, kiểm tra chuyên môn các tuyến (xã, huyện). Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, người thân trong gia đình, họ hàng cũng e ngại khi gia đình có người tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Nhưng chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động… nên mọi người đã hiểu, cảm thông và bớt dần tâm lý lo sợ".

Cán bộ CDC lấy thông tin người về từ vùng dịch tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cán bộ CDC lấy thông tin người về từ vùng dịch tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Mặc dù lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao nhưng tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo bác sỹ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của Trung tâm cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ. Đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch và triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Công việc hết sức vất vả vì chỉ cần sơ sảy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh kỹ càng nên cán bộ của Trung tâm luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những “chiến sỹ kiên cường”

Không chỉ đối mặt với nguy hiểm khi tiếp xúc với bệnh phẩm hay người nghi nhiễm, cán bộ xét nghiệm còn phải trải qua nhiều vất vả trong việc đi lại. Có những hôm đã cuối giờ chiều, nhận được chỉ định lên xã vùng cao huyện Na Hang lấy mẫu ngay trong ngày, các cán bộ của Khoa vội vã lên đường. Khi tới nơi, người dân đã đi ngủ nhưng việc lấy mẫu là cấp bách nên phải đánh thức họ dậy. Khi nhiệm vụ hoàn thành về đến nhà cũng là lúc trời đã sang canh.

Cán bộ CDC phun khử trùng nhà hàng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Cán bộ CDC phun khử trùng nhà hàng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Là người được giao trọng trách chỉ huy trên “mặt trận” lấy mẫu xét nghiệm, chị Hoàng Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng tâm sự, trên 30 năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, trải qua nhiều đợt dịch nguy hiểm, như: Dịch tả (2007 - 2008), cúm A H1N1 (2009), sởi (2014), sốt xuất huyết (2019), chị nhận thấy chưa có một trận dịch nào kéo dài, vất vả và nguy hiểm như trận dịch lần này. Có những hôm chị và cán bộ của phòng vừa lấy mẫu ở huyện Lâm Bình xong, thì ở Hàm Yên có trường hợp phát sinh nên dù trời đã tối vẫn phải quay lại lấy thêm mẫu xét nghiệm. Những tháng qua cán bộ trong Khoa làm việc từ tờ mờ sáng đến đêm khuya mới về đến nhà. Những bữa ăn tạm đã trở nên quá quen thuộc với chị và các đồng nghiệp CDC. Nói đến đây, chị Hương rưng rưng, đã 3 tháng nay chị không về thăm hai bên gia đình (bên nội, bên ngoại) mặc dù chỉ cách nhà vài cây số; hàng xóm cũng ít ai nhìn thấy chị, về đến nhà là chị không giao lưu với bên ngoài, vừa do không có thời gian, vừa là do đặc thù công việc tiếp xúc nhiều với các trường hợp đang trong thời gian cách ly nên chị cũng gần như cách ly với mọi người để giữ an toàn cho họ. Ngay cả việc tắm giặt hằng ngày chị cũng đều làm xong tại cơ quan trước khi về nhà. Gian nan là thế nhưng đã xác định là một “chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch nên mọi người động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Đối với anh Hứa Đình Tứ, chuyên viên tổng hợp Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm thì việc đến cơ quan khi mặt trời còn chưa tỏ và thường xuyên trở về nhà sau 24h đêm là chuyện hằng ngày của anh trong suốt mấy tháng qua. Công việc của anh là hằng ngày thường trực cập nhật thông tin, số liệu trường hợp đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú do đi, về, đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày; người có tiếp xúc gần với người đi từ vùng dịch về; số mẫu lấy, kết quả mẫu… Công việc tưởng chừng đơn giản vì không phải như các cán bộ khác đi từng cây số, gõ cửa từng nhà để giám sát các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nhưng những con số, những số liệu liên tục, hằng ngày cũng làm cho anh căng thẳng rất nhiều. Anh Tứ tâm sự, nhà anh cách cơ quan hơn 30 km, 2 cháu còn nhỏ, cháu bé nhất mới được 7 tháng tuổi, thế nhưng đã hơn 1 tháng nay anh chưa được về nhà.

Khi được hỏi những cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch của CDC, ai cũng có chung một mong muốn là “hết dịch chứ chẳng mong gì hơn”. Bởi hết dịch, cởi bỏ những bộ đồ bảo hộ, họ có thể dành nhiều thời gian để về thăm gia đình, nơi mà có lẽ suốt 3 tháng qua với ai trong số họ cũng đều là nỗi nhớ.

Mặc dù mỗi người đều không trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh cứu người, nhưng việc làm của những cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực cùng các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện tốt việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn; góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Qua đó, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phòng bệnh là chính” n

Phóng sự: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-chien-binh-tren-tuyen-dau-chong-dich-131749.html