Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch: Tận tụy hy sinh vì cộng đồng

Trong gần 3 tháng qua, cả hệ thống y tế luôn trong tình trạng căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với nhân dân cả nước, các y, bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng, đã cùng chung ý chí, trách nhiệm trong cuộc chiến đấu với 'giặc Covid-19'. Những cống hiến, hy sinh tận tụy không quản hiểm nguy vì cộng đồng của họ đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp.

Bài đầu: Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi!

“Chúng tôi đi làm vì các bạn. Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi!” - đó là thông điệp từ chính đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe trên khắp cả nước. Dù đã có những người bị nhiễm bệnh, nhưng hơn bao giờ hết các y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn nỗ lực ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Điều họ mong muốn nhất lúc này, đó là sự chung tay, góp sức của cộng đồng, để sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng không trở nên vô nghĩa.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. ảnh: Nguyễn Khánh

Nỗ lực từng phút giây

Kể từ khi có bệnh nhân đầu tiên của giai đoạn 2 vào viện ngày 6-3 đến nay, nhiều y, bác sĩ vẫn chưa được về nhà. Cường độ làm việc của những người nơi tuyến đầu chống dịch cũng tăng lên và áp lực cũng hơn nhiều.

Tính đến sáng 4-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị người nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước, với khoảng 80 bệnh nhân. Công việc của các y, bác sĩ tại đây trong một ngày đều đặn với guồng quay, thăm khám các bệnh nhân nhiễm Covid-19, tiếp nhận những ca bệnh mới, hội chẩn để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho từng ca bệnh... Mỗi ca bệnh đều có điểm khó khăn riêng, các bác sĩ và điều dưỡng làm việc theo ca 12 giờ, dài hơn thời gian làm việc thông thường 4 giờ. Đặc biệt, với 5 ca bệnh nặng, các bác sĩ của bệnh viện cùng tổ chuyên gia 30 người do Bộ Y tế thành lập đã nỗ lực từng phút giây. Những nỗ lực đó đã được bù đắp, khi 3/5 ca bệnh nặng, gồm: 2 bệnh nhân người Anh 69 tuổi và 74 tuổi; 1 bệnh nhân nam người Việt (50 tuổi) đã có những tiến triển khả quan, không còn sốt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, ngày càng có nhiều ca bệnh phức tạp hơn. Dù vậy, tinh thần chung của các y, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện là bình tĩnh đối mặt và quyết tâm cao hơn nữa, khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. “Mọi người đang dõi theo chúng tôi, thậm chí có cả những người chúng tôi không quen biết cũng mua cà phê, trang phục bảo hộ gửi đến động viên y, bác sĩ. Điều đó làm chúng tôi thấy rất ấm lòng”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Sau buổi giao ban, bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) nhận được bức thư của cô con gái 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ 5, Học viện Quân y: “Dịch bệnh này như cuộc chiến và mẹ của con đang đứng trong hàng ngũ đầu, tiên phong để đấu tranh lại nó. Con mong mẹ luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt và luôn bình an để trở về với gia đình mình...”. Lá thư đầy xúc động của cô con gái và cũng là đồng nghiệp trong tương lai đã tiếp thêm sức mạnh cho bác sĩ Trần Thị Kim Anh.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, là khoa được bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp điều trị, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân thuộc diện cách ly, 14 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Các bệnh nhiệt đới, thay vì về nhà, đã ở lại bệnh viện “ăn”, “ở”, theo dõi sức khỏe cho người dân, cung cấp suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hướng dẫn họ các biện pháp phòng bệnh...

Còn với những bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, trận chiến này là những ngày tháng khó quên trong hành trình chữa bệnh, cứu người của họ. Sau khi trở thành tâm dịch Covid-19, chính thức thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, Bệnh viện Bạch Mai vẫn được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận những ca bệnh nặng. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù đang áp dụng cách ly toàn bệnh viện, nhưng các nhân viên y tế vẫn vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải chăm sóc điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân nặng không thể chuyển tuyến. Nhiều nhân viên y tế bị cách ly do tiếp xúc gần với các bệnh nhân Covid-19, nên số còn lại phải làm việc nhiều hơn. Thế nhưng, họ không hề nao núng, vẫn dốc sức chăm sóc người bệnh…

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Hạn chế đi lại, giảm gánh nặng cho ngành Y tế

Những ngày này, đội ngũ thầy thuốc của Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực cùng với việc tìm hiểu, học hỏi thêm về chuyên môn từ các đồng nghiệp quốc tế, từ đó, đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh. Điều đáng mừng là, dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang gia tăng, nhưng đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trên các diễn đàn, người dân liên tục bày tỏ sự lo lắng và lòng biết ơn với những chiến binh khoác áo blouse quên mình vì người bệnh. Tuy nhiên, hành động đơn giản và thiết thực nhất lúc này là người dân nên hạn chế đi lại, bảo vệ chính mình, cũng chính là giảm gánh nặng cho ngành Y tế.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh tâm sự: “Chúng tôi xác định phải dấn thân để cùng với xã hội ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Vì thế, chúng tôi đã làm việc không kể ngày đêm, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ và chấp nhận xa gia đình. Đồng thời nhắn nhủ: “Bị cách ly là việc không ai muốn, nhưng thực hiện tốt việc cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”.

Việc làm thiết thực nhất trong lúc này mà ai cũng đều làm được là hiểu đúng, thực hiện tốt những quy định trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thực hiện cách ly xã hội. Chỉ như vậy, sự hy sinh to lớn và thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 mới không trở nên vô nghĩa.

(Còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/963507/nhung-chien-si-ao-trang-noi-tuyen-dau-chong-dich-tan-tuy-hy-sinh-vi-cong-dong