Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài 1: Không ngại xông pha nơi tuyến đầu
Khi dịch bệnh lần thứ tư xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá… tại các bệnh viện lớn của thành phố lại sẵn sàng đi đầu trong các 'trận chiến' chống lại dịch bệnh COVID-19. Họ không ngại xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y bác sỹ tại TP Hồ Chí Minh đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng bệnh COVID-19.
Chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân
Gạt đi tất cả công việc đang dở dang bên ngoài, Thạc sĩ, bác sỹ trẻ Lý Tuấn Anh (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã gửi người vợ mới cưới sang ông bà ngoại để có thể yên tâm lên đường công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 (Bệnh viện dã chiến số 6), tọa lạc tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Bệnh viện này được thành lập ngày 10/7 và được vận hành bởi đội ngũ nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, sau đó đã được tăng viện thêm 70 y, bác sĩ từ tỉnh Quảng Ninh vào hỗ trợ.
Bác sỹ Lý Tuấn Anh cho biết, bệnh viện dã chiến số 6 là một bệnh viện chuyển đổi công năng từ khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm đã lâu không sử dụng sang làm bệnh viện dã chiến điều trị cho những bệnh nhân F0. Từ những ngày đầu tiên, các bác sỹ đến đây đều phải vừa chăm sóc bệnh nhân vừa hoàn thiện xây dựng bệnh viện. Trong đó, đội ngũ y, bác sỹ đều phải tự tay làm tất cả các công việc, từ chuyên môn đến chuẩn bị hậu cần cho bệnh nhân như: vận chuyển, khuân vác đồ đạc, dụng cụ, hàng hóa....
Hiện nay, bệnh viện này có khoảng 3.000 bệnh nhân F0 đang nằm điều trị. Ban đầu, mọi thứ còn rất thiếu thốn nhưng có được sự đồng lòng góp sức của mọi người, đến nay mọi công việc tại bệnh viện cũng đã dần đi vào ổn định.
Theo bác sỹ Lý Tuấn Anh, khi đi làm nhiệm vụ anh đã xác định, đây là một cuộc chiến khốc liệt nên mọi công việc tại bệnh viện đều phải thực hiện khẩn trương, cấp bách để bệnh nhân khi vào bệnh viện có chỗ để yên tâm điều trị. Do là bệnh viện F0 nên công việc đối với đội ngũ y bác sỹ ở đây diễn ra liên tục xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm, sau một ngày làm việc miệt mài đến 12 giờ đêm cứ nghĩ được nghỉ tay thì lại có tin có bệnh nhân chuyển nặng, lúc này đội ngũ y bác sỹ lại phải gấp rút chuẩn bị để hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên.
“Sau khi đưa bệnh nhân chuyển viện thành công, về đến phòng nghỉ khoảng 2 giờ sáng. Tôi tính chợp mắt một lúc nhưng lại nhận được điện thoại của bệnh nhân, họ hỏi để muốn mình trấn an, trả lời những thắc mắc âu lo về tình trạng bệnh của họ. Chính vì vậy, điện thoại của các bác sỹ lúc này đa số là các cuộc gọi của các bệnh nhân F0. Chúng tôi biết, tâm lý của bệnh nhân lúc này rất hoảng loạn. Vì vậy, bất kể ngày đêm, chỉ cần họ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn lòng. Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng được quán triệt phải ổn định tâm lý bệnh nhân rồi mới trị bệnh. Bởi khi tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất. Vì thế, tất cả nhân viên y tế ở bệnh viện đã chiến đều được phổ biến kỹ năng tiếp xúc, an lòng người bệnh khi vừa được chuyển vào khu cách ly”, bác sỹ Lý Tuấn Anh chia sẻ.
Theo bác sỹ Lý Tuấn Anh, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, với nguồn nhân lực mỏng nên đội ngũ y bác sỹ, y tá , điều dưỡng trong bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng tâm lý hỗ trợ đồng nghiệp bất kỳ khi nào. Bởi lúc này, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên điều dưỡng, y tá được xem là một khối vững chắc để sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần cho người bệnh F0 chiến thắng dịch bệnh. Mặt khác, để chiến đấu với kẻ thù giấu mặt COVID-19, đòi hỏi lực lượng y tế còn phải nỗ lực, tận tâm hết mình trong công việc. May mắn là ngành y đã tôi luyện đội ngũ y, bác sỹ nên mọi người đều rất quen với áp lực rất lớn trong công việc. Vì vậy, lúc nào đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viện đã chiến số 6 cũng vui vẻ, lạc quan để giữ và truyền đi nguồn năng lượng tích cực nhất cho các bệnh nhân F0.
Để lại người vợ trẻ đang mang thai cho ông bà ngoại chăm sóc, bác sỹ Lý Tuấn Anh tâm sự: “Hiện nay, nguyện vọng lớn nhất của tôi là tất cả chúng ta cùng chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mau chóng khống chế được dịch bệnh cho các bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường, chúng tôi cũng có thể sớm trở về bên người thân, gia đình của mình. Bởi ở ngoài kia, vợ tôi đang mang thai và cũng rất lâu rồi chúng tôi không thể gặp nhau. Ngoài ra, nhờ có hậu phương vững chắc là vợ, con, người thân, gia đình, đồng nghiệp... luôn động viên càng khiến tôi nỗ lực nhiều hơn để sớm hoàn thành nhiệm vụ và trở về nhà an toàn. Đặc biệt, còn có thể khiến con mình sẽ được sinh ra trong thời điểm Thành phố, đất nước không còn dịch bệnh COVID-19”.
Những "chiến sĩ" chạy nhiều hơn đi
Cùng tâm trạng, Thạc sĩ, Bác sỹ Phạm Công Khánh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: "Một trong những điều suy tư nhất của tôi là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Bởi khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm đang ngày càng tăng thì những nhân viên y tế tại đây còn thêm nỗi lo cho người thân của mình bên ngoài liệu có bị mắc COVID-19 hay không?".
Theo đó, các bác sỹ trong bệnh viện dã chiến dù hàng ngày tiếp xúc với người bệnh F0 nhưng các bác sỹ đã được tập huấn khá kỹ về công tác bảo hộ cá nhân nên ngoài để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn không bị lây bệnh, tránh hao hụt lực lượng y tế.
“Chúng tôi được trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cá nhân. Khi không tiếp xúc người bệnh thì chúng tôi luôn tuân thủ 5K nhằm tránh lây nhiễm chéo trong khu nhà ở của nhân viên y tế. Tuy nhiên, đối diện với những tình cảnh sinh ly tử biệt của người bệnh càng khiến chúng tôi thấy rất xót xa và tự nhắc nhở nhau càng phải cố gắng hơn nữa để cứu chữa từng bệnh nhân, không để bệnh nhân nào còn phải tử vong vì dịch bệnh. Chúng tôi cũng mong muốn người thân và mọi người ở bên ngoài hãy tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc… để không bị lây nhiễm COVID-19”, bác sỹ Phạm Công Khánh nói.
Bác sỹ Phạm Công Khánh chia sẻ thêm: “Kỷ niệm buồn nhất khi công tác tại bệnh viện dã chiến số 6 là vào ngày thứ 3, ê kíp của chúng tôi có 1 trường hợp bệnh nhân có diễn tiến nặng. Sau khi hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, những tưởng bệnh nhân sẽ qua khỏi nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận được tin buồn là bệnh nhân đã mất. Khi đó, chính tôi là người đã gọi điện thoại thông báo tin buồn cho cô con gái của bệnh nhân, cô ấy đã khóc rất nhiều vì sự ra đi của ba mình khiến tôi rất đau lòng. Sau đó, cô gái đã nhờ chúng tôi tìm lại những đồ vật quan trọng của bệnh nhân để chuyển lại cho gia đình. Tôi đã trực tiếp trao tận tay cô ấy nhưng kỷ vật của người cha. Khi chứng kiến hình ảnh đau lòng đó, tôi không thể kìm được nước mắt. Thật xót xa!”.
Theo các bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 6, sau thời gian đầu thiếu thốn, hiện nay bệnh viện cũng đã được trang bị những trang thiết bị cần thiết và thuốc để nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt là điều trị cấp cứu (máy thở,…) hay điều trị ca có bệnh nặng đi kèm (lọc thận nhân tạo). Tuy nhiên, một công việc lạ trong bệnh viện này là đội ngũ y bác sỹ nhiều khi còn kiêm luôn công việc khuân vác, vận chuyển đồ đạc cho bệnh nhân khi được gia đình ở bên ngoài tiếp tế.
“Các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện số 6 đang ngày đêm quay cuồng tiếp nhận bệnh nhân. Công việc khiến họ chạy nhiều hơn đi: chạy đi lấy từng hộp cơm, viên thuốc để đưa tới bệnh nhân, chạy đi chuẩn bị cho các bệnh nhân chuyển nặng đi chuyển viện… Thậm chí, khi rảnh tay chúng tôi còn cùng đội ngũ dân quân vận chuyển đồ đạc là mùng, mền chiếu, lương thực thực phẩm cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mặc dù làm việc như những cỗ máy nhưng lúc nào chúng tôi cũng phải giữ tình thần lạc quan, vui vẻ để truyền những năng lượng tích cực nhất đến bệnh nhân, mong cho bệnh nhân mau hết bệnh để trở về với gia đình”, bác sỹ Phạm Công Khánh nói.
Bài 2: Giành giật sự sống cho bệnh nhân