Những chiến sỹ tình nguyện vào Nam hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19

Cùng với các lực lượng của Quân khu 3, Bộ CHQS tỉnh có 5 quân nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam. Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, xong các anh đều xung phong đi tuyến đầu chống dịch. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các anh được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ.

Tổ quân y cơ cộng khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin cho các công dân tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh)

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lương Tiến Hùng, y sỹ Quân y Bệnh xá, phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) và Trung úy QNCN Nguyễn Mạnh Tuyến, nhân viên lái xe thuộc Ban CHQS huyện Tiên Lữ viết đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch. Hai đồng chí được phân công nhiệm vụ tại đội cấp cứu 115, quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh). Hằng ngày, các đồng chí tham gia hỗ trợ đưa các trường hợp F0 đi cách ly và điều trị. Còn Thượng úy Nguyễn Tuấn Đạt, bác sĩ quân y, ban Quân y, phòng Hậu cần; Đại úy QNCN Lưu Ngọc Tiến, y sĩ, ban Hậu cần, Kỹ thuật (Ban CHQS huyện Yên Mỹ) và Thiếu tá QNCN Vũ Văn Hòa, y sĩ, ban Hậu cần, Kỹ thuật (Trung đoàn 126) được biên chế vào tổ Quân y cơ động thuộc phường 12, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh).

Thượng úy, bác sỹ Nguyễn Tuấn Đạt

Hàng ngày, các đồng chí trực tiếp đến khám, điều trị cho các ca bệnh F0 tại nhà, đồng thời đi lấy mẫu xét nghiệm, khám sàng lọc và tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Thực hiện nhiệm vụ ở nơi tâm dịch nên khó khăn thiếu thốn mọi bề, công việc vô cùng vất vả. Thời gian phục vụ bệnh nhân bất kể ngày, đêm, kíp xe cấp cứu 115 của các đồng chí Tuyến và Hùng cũng như Tổ quân y cơ động của các đồng chí Đạt, Tiến và Hòa không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, cứ có ca cấp cứu và điện thoại bệnh nhân gọi đến là các đồng chí lại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Song với ý chí và bản lĩnh của người lính, cùng tinh thần “Chống dịch như chống giặc” vì miền Nam ruột thịt, các anh luôn thể hiện quyết tâm khi nào hết dịch mới trở về.

Tổ quân y cơ cộng tiêm vắc xin cho công dân tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh)

Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy QNCN Nguyễn Mạnh Tuyến tâm sự: “Chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của người lính khi vào hỗ trợ người dân chống dịch với quyết tâm cao, khi nào hết dịch mới về. Mặc dù công việc vất vả, trực 24/24 giờ. Hàng ngày, phải trực tiếp tiếp xúc với trường hợp F0, song chúng tôi luôn vững vàng, không dao động trước khó khăn thử thách, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để không bị lây nhiễm, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân nơi đây”. Thượng úy, bác sỹ quân y Nguyễn Tuấn Đạt, Tổ trưởng Tổ quân y cơ động chia sẻ: “Lúc cao điểm, Tổ quân y cơ động của chúng tôi đảm nhiệm chăm sóc y tế hàng trăm bệnh nhân F0 trên địa bàn, nhiều ca F0 tiến triển nặng rất nhanh. Vì vậy, cái khó của Tổ quân y cơ động là khi nghe điện thoại gọi đến, chúng tôi phải trực tiếp nói chuyện với bệnh nhân để nắm bắt được triệu chứng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân qua lời kể, sau đó sẽ phán đoán, tiên lượng được tình trạng bệnh của bệnh nhân để nhanh chóng phối hợp với xe cấp cứu 115 chuyển bệnh nhân nặng đi cấp cứu kịp thời...”.

Tổ quân y cơ động trên đường đi lấy mẫu xét nghiệm cho công dân tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh)

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cả hai cha con Trung úy QNCN Lương Tiến Hùng, cùng là quân nhân, đều tham gia chống dịch. Trung úy QNCN Nguyễn Mạnh Tuyến, bố mất sớm, vợ làm công nhân thường xuyên đi sớm về muộn; còn Thượng úy, bác sỹ Nguyễn Tuấn Đạt ở cùng với bố mẹ già, sức khỏe kém, thường xuyên đau yếu… Hầu hết đều có con nhỏ nên gia đình rất cần sự hỗ trợ từ các anh. Song gác lại những khó khăn riêng, với bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, các anh đã viết đơn tình nguyện lên đường xông pha nơi tuyến đầu chống dịch...

Đồng chí Lương Tiến Hùng, y sỹ Bệnh xá phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) lên đường đón công dân đi cấp cứu

Đại tá Đoàn Huy Thái, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 về việc lựa chọn quân nhân tham gia chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền tinh thần vì miền Nam ruột thịt và phát động phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. 100% cán bộ, chiến sỹ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong đó có nhiều đồng chí viết đơn tình nguyện lên đường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, trước khi các quân nhân lên đường vào miền Nam, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đều tổ chức gặp gỡ, động viên, tặng quà và thường xuyên đến thăm hỏi gia đình các quân nhân, kịp thời giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các quân nhân yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổ quân y cơ động đi lấy mẫu xét nghiệm cho công dân tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh)

Có thể khẳng định, trên từng cương vị công tác khác nhau, dù thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, ở các chốt kiểm dịch, phục vụ các cơ sở cách ly của huyện, của tỉnh hay trên tuyến đầu chống dịch tại các tỉnh miền Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt mọi khó khăn, vất vả bất kể ngày đêm, sớm tối, hết lòng vì nhân dân phục vụ. Phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của LLVT Quân khu 3, truyền thống của LLVT tỉnh, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đang nỗ lực hết mình cùng các lực lượng đẩy lùi dịch Covid-19 để cuộc sống Nhân dân sớm trở lại bình yên.

Thu Thủy Bộ CHQS tỉnh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202110/nhung-chien-sy-tinh-nguyen-vao-nam-ho-tro-phong-chong-dich-covid-19-d6578c4/